HQ 602 “MINH HOA”
VỤ THẢM SÁT HẠM TRƯỞNG NGÔ MINH DƯƠNG

Bảo Bình 1 Trần Đỗ Cẩm
Austin TX USA - July 2020


Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử - Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả:
camtran11@gmail.com

Số Độc Giả:
Ý Kiến Độc Giả & Tu Sửa


map an thoi

Biến cố bi thương xẩy ra trên HQ 602 khiến Hạm Trưởng Hải Quân Đại Úy Ngô Minh Dương bị thiệt mạng oan uổng trên đường di tản xẩy ra cách đây đã gần nửa thế kỷ. Thời gian trôi qua đã lâu, vật đổi sao dời, kẻ còn người mất, gợi lại thêm chua xót và ngậm ngùi! Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã của HQ 602 và vị Hạm Trưởng cuối cùng đã đi vào lịch sử. Dù muốn dù không, vui hay buồn, thiết tưởng chúng ta đều có quyền được biết và cũng có bổn phận làm sáng tỏ càng nhiều càng tốt. Tiện đây, chúng tôi muốn có đôi lời minh xác và giải thích để tránh những ngộ nhận và cũng giúp quí độc giả dễ bề theo dõi.

Đầu tiên, chúng tôi thành thực minh xác mục đích duy nhất của bài này chỉ để tìm hiểu và làm sáng tỏ về những biến cố đã xẩy ra trên HQ 602 trong lúc di tản. Tác giả hoàn toàn không có ý định lên án hay cáo buộc bất cứ cá nhân hay phe nhóm nào. Chúng tôi chỉ thu thập và nêu lên những dữ kiện liên quan khả tín nhất; việc suy luận “đúng sai” hay “công tội” hãy để độc giả và nhất là lịch sử sau này phán xét.

Sau nữa, vì không có những tài liệu chính xác như sổ hải hành, nhật ký hành quân v.v… để tra cứu nên bài viết phần lớn được căn cứ vào những dữ kiện bán chính thức nhưng đáng tin cậy nhất do các nhân chứng hiện diện trong đoàn tầu Vùng 4 Duyên Hải ra khơi và nhất là những người có mặt trên HQ 602 cung cấp. Rất tiếc vì nhiều lý do khác nhau, một số nhân chứng đã tránh né hoặc tiết lộ rất ít những sự thật đã xẩy ra trong quá khứ, có thể vì không còn muốn đề cập hay gợi lại những hình ảnh hay kỷ niệm đau thương này. Thời gian trôi qua đã khá lâu khiến ký ức nhạt nhòa, việc bất đồng ý kiến "tam sao thất bổn" về cùng một sự kiện là điều không thể tránh.

hq 602

Dù sao, chúng tôi cũng chân thành cảm tạ những nhân chứng và người biết chuyện đã cung cấp những chi tiết khả tín và quí báu. Tuy nhiên dù cố gắng bao nhiêu đi nữa, chúng tôi biết chắc bài viết vẫn còn rất nhiều thiếu sót và sai lạc. Rất mong những người “biết chuyện” vui lòng lên tiếng, giúp bổ khuyết để sự thật thêm chính xác và sáng tỏ.

Tác giả thành thật cáo lỗi cùng gia đình Hạm Trưởng Ngô Minh Dương, quí vị Sĩ Quan Khóa 15 SQHQ/Nha Trang cùng những người "trong cuộc" hay các độc giả khác nếu bài viết đã vô tình gợi lại những hình ảnh hay ký ức thương đau. Như đã minh xác, chúng tôi chỉ có ý định ghi lại một sự kiện lịch sử, không cố tình gây thương tổn hoặc cáo buộc bất cứ ai.

Vụ bạo loạn trên HQ 602 xẩy ra trong bối cảnh nghiệt ngã các chiến hạm HQ/VNCH buộc phải rời Phú Quốc vào những giờ phút đau thương nhất của lịch sử và hải sử, khi Cộng quân đã gần như thôn tính toàn miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần biết đôi chút về cuộc di tản để có thể hiểu rõ hơn về hoàn cảnh và định mệnh của chiến hạm không may này. Một lần nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh chủ đề của bài viết là: "VỤ THẢM SÁT HẠM TRƯỞNG NGÔ MINH DƯƠNG", không viết về Vùng 4 Duyên Hải Di Tản vì đây chỉ là bối cảnh phụ thuộc bổ túc cho chủ đề.

Vào những ngày cuối tháng 4-1975, tại vùng biển Phú Quốc, có 5 chiến hạm hoạt động dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên Hải (BTL/V4DH). Đó là các Trợ Chiến Hạm “Nguyễn-Ngọc Long” HQ 230, Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn-Nguyên (Khóa 11 SQHQ/NT); Giang Pháo Hạm “Lôi Công” HQ 330, Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Anh (Khóa 13 SQHQ/NT); Giang Pháo Hạm “Tầm Sét” HQ 331, Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Phan Tấn Triệu (Khóa 15 SQHQ/NT), Tuần Duyên Hạm “Minh-Hoa” HQ 602, Hạm Trưởng HQ Đại Úy Ngô Minh Dương (Khóa 15 SQHQ/NT)và Tuần Duyên Hạm "Song Tử" HQ 614, Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Lâm Khả Thanh (Khóa 15 SQHQ/NT).

Tư Lệnh Hải Quân V4 Duyên Hải lúc đó là HQ Đại Tá Nguyễn Văn Thiện, tốt nghiệp Khóa 7 SQHQ/NT, kiêm nhiệm chức vụ Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Phú Quốc. Về phần lãnh thổ, vị TL/HQ/V4DH giữ luôn chức vụ Đặc Khu Trưởng/Đặc Khu Phú Quốc. Ngoài các đơn vị quân đội, còn có Trại Tù Binh Việt Cộng. Ngoài ra, vào cuối tháng 3 năm 1975 sau khi Quân Khu I và Quân Khu II mất vào tay Cộng Sản, tại Phú Quốc còn có trại Tỵ Nạn, nhận khoảng 20 ngàn đông bào tỵ nạn từ miền Trung. Sau này, tổng số đồng bào tỵ nạn dần dần đã tăng lên đến khoảng 60 ngàn người.

Khi phòng tuyến Xuân Lộc bị Cộng Quân phá vỡ vào hạ tuần tháng tư và lực lượng CS đã đánh vào Long An, đe dọa cắt đứt Quốc Lộ 4, huyết mạch nối liền thủ đô Sàigòn và Quân Khu IV miền Tây, tình hình chiến sự trở nên rất tồi tệ. Các lực lượng VC đã áp sát, việc thủ đô Sài Gòn bị thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đến hạ tuần tháng 4-1975, khi các chiến hạm hiện diện tại quân cảng Sài Gòn chuẩn bị ra khơi, vào ngày 26-4, BTL/HQ/V4DH lập tức tham khảo ý kiến với một số hạm trưởng các chiến hạm đang nghỉ bến để lượng định tình hình và phác họa kế hoạch di tản khi cần.

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi các chiến hạm tại Sài Gòn đã ra khơi, ĐT Thiện triệu tập một phiên họp khẩn cấp với 4 vị Hạm Trưởng có mặt tại An Thới, ngoại trừ Hạm Trưởng HQ 614 lúc đó đang tuần tiễu tại Poulo Panjang quá xa không về kịp. ĐT Thiện dự tính sau khi rời Phú Quốc, đoàn tàu sẽ ghé Tân Gia Ba (Singapore), rồi Jakarta (Indonesia), kế tiếp Bali, Flores, East Timor, sau cùng hướng về phiá Nam thẳng đến hải cảng Darwin ở Úc Châu, đường dài khoảng 3,000 miles (khoảng 2,600 hải lý). Thời gian hải hành vừa đi vừa ghé bến tiếp tế có thể kéo dài tới một tháng. Lương thực, nước ngọt, dầu cặn và thực phẩm tươi sẽ xin chính phủ tại các bến tiếp tế. Buổi họp kéo dài không lâu, chỉ có vài câu hỏi. Kế hoạch của Đ/T Thiện đề nghị được tất cả 4 vị Hạm Trưởng hiện diện đồng ý. Sau này tại hải ngoại, Đ/T Thiện cho biết V4DH vẫn thường xuyên liên lạc với BTL/HQ tại Sài Gòn, nhưng đến ngày 29-4, V4DH hoàn bỗng dưng hoàn toàn mất liên lạc.

hq 602 pq

Trưa ngày 30-4-1975, sau khi nghe Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh, kế hoạch di tản của V4DH được chính thức thi hành. Theo Đ/T Thiện kể lại, đoàn tầu 4 chiếc rời bến tập trung ngoài khơi cách Hòn Thơm chừng một hải lý về hướng Tây đúng như dự trù. Hòn Thơm là một hải đảo rất quen thuộc nằm về phía Nam, cách quân cảng An Thới không xa, chỉ chừng 4, 5 hải lý, có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ cầu tầu An Thới. Đ/T Thiện và gia đình rời An Thới bằng LCM 8 của Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Phú Quốc, sau đó dùng ghe Duyên Đoàn 42 lên HQ 230. HQ Đại Úy Huỳnh Quang Hưng (Khóa 16 SQHQ/NT) là CHT Duyên Đoàn 42 đóng tại An Thới lên HQ 331 cùng đứa con nhỏ và cậu em vợ, không có vợ đi theo. Riêng HQ 614 không gia nhập đoàn tầu vì Hạm Trưởng đưa chiến hạm về Rạch Giá đón gia đình.

Cũng có nguồn tin khác khá đáng tin cậy cho biết trên chiếc LCM 8 còn có một người Mỹ dân sự và gia đình Trung Tá CK Lê Thành Thọ, bạn cùng Khóa 7 HQ với Đ/T Thiện là CHT/CCYTTV An Thới. Chiếc LCM 8 này hướng thẳng về hướng thương thuyền American Challenger của Hoa Kỳ đang neo ngoài khơi Phú Quốc, lúc đó đang dùng cần trục thả lưới bốc hàng đưa những người tỵ nạn từ xà lan, ghe thuyền dân sự lên vì thành tầu quá cao. Người Mỹ và gia đình Trung Tá Thọ từ LCM 8 được bốc lên thương thuyền an toàn, nhưng gia đình Đ/T Thiện không lên được vì tình thế rất hỗn loạn thiếu an ninh nên thương thuyền buộc phải nhổ neo, do đó Đ/T Thiện phải dùng ghe Duyên Đoàn 42 đưa lên HQ 230. Thương thuyền này được Bộ Chỉ Huy Hải Vận quân đội Hoa Kỳ thuê mướn chở người di tản từ miền Trung, sau đó được biệt phái ra chờ sẵn ở Phú Quốc để khi cần sẽ di tản nhân viên các đài phát thanh bí mật làm việc với Nha Kỹ Thuật như đài Tiếng Nói Tự Do (VOF – Voice Of Freedom), Mẹ Việt Nam, Gươm Thiêng Ái Quốc. Trụ sở chính của ban Tâm Lý Chiến thuộc Nha Kỹ Thuật đặt tại căn nhà số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Người Mỹ dân sự có lẽ là nhân viên CIA làm việc với Nha Kỹ Thuật.

ac net

Hồi 03:30 giờ chiều ngày 30 tháng tư năm 1975, sau khi Đ/T Thiện đã lên HQ 230 an toàn, đoàn tầu 4 chiếc di chuyển tới Poulo Panjang cách Phú Quốc chừng 50 hải lý về hướng Tây Nam (Ghi chú: 1 hải lý = 1.852 km = 1.151 mile).

Theo qui ước, để phân biệt rõ với những chiến hạm ra khơi từ quân cảng Sài Gòn, kể từ đây, chúng tôi tạm gọi chung 4 chiến hạm tại Phú Quốc dưới quyền chỉ huy của Đ/T Thiện là “Hải Đội Phú Quốc” và các chiến hạm tập trung tại Côn Sơn là “Hạm Đội Côn Sơn”. Riêng về các bản đồ kèm theo bài viết, chúng tôi dùng "Google Map" nên vị trí địa dư các hải đảo, quốc gia v.v... khá chính xác, nhưng các nét vẽ thêm (overlays) về hướng đi và vị trí, điểm đổi đường v.v... của các chiến hạm chỉ tượng trưng "khái niệm tương đối" để độc giả dễ theo dõi, không phản ảnh chính xác những chi tiết như trên hải đồ trong lúc hải hành.

Lúc đó Cộng quân đã chiếm được thủ đô Sài Gòn và hạm đội HQ/VNCH đã ra khơi, trên đường tập trung tại Côn Sơn. Tình hình trên đất liền cũng như ngoài biển rất giao động và hỗn loạn. Theo lời kể lại của một số nhân chứng, mọi liên lạc truyền tin giữa các chiến hạm thuộc Hải Đội Phú Quốc và Hạm Đội Côn Sơn đều bị gián đoạn. Điều này rất bất thường, vì các chiến hạm đều có máy truyền tin để liên lạc âm thoại hay tín hiệu Morse tầm xa, đủ để nói chuyện với nhau từ ngoài biển về BTL/HQ tại Sài Gòn. Nếu liên lạc được với Hạm Đội Côn Sơn, rất có thể Hải Đội Phú Quốc sẽ bỏ ý định đi Singapore để cùng tới Côn Sơn tập trung với các chiến hạm khác của Hạm Đội và thảm trạng trên HQ 602 sẽ không xảy ra.

Cũng nên nói thêm, cho tới ngày 1-5 vẫn còn Dương Vận Hạm “Nha Trang” HQ 505 thuộc Hạm Đội Côn Sơn do HQ Trung Tá Nguyễn Văn Nhượng (Khóa 9 SQHQ/NT) làm Hạm Trưởng chờ tại Hòn An Đông cách Hòn Thơm không xa để đón được gia đình HQ Trung Tá Trần Văn Hãn (Khóa 8 SQHQ/NT), Trung Tâm Trưởng Trại Tỵ Nạn Phú Quốc. Nếu Trung Tá Hãn liên lạc được với HQ 505, sự kiện Hải Đội Phú Quốc hoàn toàn mất liên lạc với Hạm Đội đang tập trung tại Côn Sơn là điều rất bất thường.

Trên đường đi đến P. Panjang, đêm 30-4 đó có một số quân nhân thuộc thủy thủ đoàn HQ 230 muốn dùng biện pháp mạnh, đòi đưa tầu quay trở về vì họ không muốn bỏ gia đình họ lại Việt Nam. Sau nhiều lần tranh luận, bàn cãi sôi nổi và gây cấn, mọi người đồng ý khi đến Poulo Panjang, hải đội sẽ để lại một chiến hạm để nhóm người nào không muốn đi theo có thể quay về trở lại Phú Quốc. Rất may là đêm đó mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa và êm thắm không bạo động. Những giao động về tinh thần cũng như thể chất tưởng cũng dễ hiểu vì nhiều thay đổi quá lớn đột ngột xẩy ra trong khoảng thời gian rất ngắn khiến mọi người không kịp chuẩn bị tâm lý.

Sáng ngày 1-5 vào khoảng 8 giờ sáng, đoàn tầu thả neo tại Poulo Panjang, gặp rất nhiều Duyên Tốc Đĩnh PCF có vận tốc cao, thuộc HĐ 4 Duyên Phòng tại An Thới và HĐ 5 Duyên Phòng tại Năm Căn nên đã tới đây chờ từ trước. Có lẽ các PCF này tìm được tần số liên lạc âm thoại trên máy PRC-25 và VRC-46 giữa các chiến hạm nên tới trước chờ sẵn. Nhiều PCF cập vào các chiến hạm, chuyển người và vật dụng lên tầu lớn, còn những người muốn ở lại dùng PCF trở lại Phú Quốc.

map australia

Đúng 12 giờ trưa ngày 1 tháng 5, năm 1975, đoàn tầu rời Poulo Panjang lên đường đi Singapore, hải trình dài khoảng 520 hải lý (600 miles). Nếu tốc độ trung bình chừng 10 knots (hl/giờ), cuộc hành trình sẽ kéo dài khoảng 3 ngày. Đại tá Thiện cho biết "Trong suốt thời gian hải hành, 4 chiến hạm đi theo đội hình hàng dọc, với HQ 230 dẫn đầu, kế tiếp là HQ 330 giòng HQ 331 còn HQ 602 thì sẽ ở vị trí bọc hậu". Chúng tôi cũng đã phối kiểm kỹ càng với Hạm Trưởng HQ 331, Hạm Phó HQ 602 và một số sĩ quan quá giang về thứ tự của các chiến hạm trong đội hình này. Vận tốc trung bình của đoàn tàu là 8 gút. Vì là đầu tháng 5 nên biển rất êm với gió nhẹ từ hướng Nam và Đông Nam thổi vào buổi chiều và đêm suốt trong thời gian hải hành đến Singapore. Hai ngày sau khi rời Poulo Panjang thì bờ biển Mã Lai xuất hiện lờ mờ ở bên hữu hạm. Qua sáng sớm ngày thứ ba đoàn tầu trên đường vào cảng Singapore,

Chỉ ít lâu sau, chiến hạm Hải Quân Singapore tới gặp đoàn tầu và đưa ra một danh sách Hoa Kiều để nhờ tìm trong số dân sự di tản có ai là người họ muốn tìm không. Khi được biết là không có vì các chiến hạm ra đi từ Phú Quốc, không phải từ Sài Gòn, thái độ của chính quyền Singapore không còn vồn vã như trước. Tuy nhiên, họ cũng cho biết đã được tin từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Singapore thông báo tin tức nên đồng ý giúp đỡ tiếp tế nước ngọt và thực phẩm tươi. Vì đoàn tầu Hải Đội là các chiến hạm nên phải thả neo ở vòng ngoài của hải cảng (outer anchorage) và sẽ có chiến hạm Singapore ở lại để giữ an ninh. Khi Hải Đội thả neo xong lúc đó là 06 giờ sáng ngày 5 tháng 5 dương lịch năm 1975. Ngoại trừ 4 chiến hạm không có tầu nào khác neo xung quanh.

Vài ngày sau, vào lúc 9 giờ tối ngày 7 tháng 5 năm 1975 một chiến hạm Singapore đến cập vào HQ 230 và vị Hạm Trưởng mời Đại Tá Thiện lên chiến hạm của ông để vào Tân Gia Ba họp. Trên đường vào hải cảng, họ ghé lại chiếc thương thuyền Trường Thành của hãng Vishipco Line đang neo tại phần phía trong của hải cảng (inner anchorage) đón Thuyền Trưởng vào họp luôn. Trong buổi họp, chính quyền Singapore yêu cầu đoàn tầu tỵ nạn bình tĩnh và nhẫn nại trong khi chờ quyết định chính thức với lời hứa sẽ làm tất cả những gì có thể làm được.

Trong thời gian ghé lại Singapore, Đ/T Thiện cùng các Hạm Trưởng họp mặt nhiều lần, có lúc rất căng thẳng và gay gắt để quyết định sẽ đi đâu. Một số Hạm Trưởng muốn đi Úc, số khác lại muốn đi Subic Bay. Sau cùng các sĩ quan bỏ phiếu và đề nghị đi Subic được đa số chấp thuận.

hq 230

Ngày hôm sau 8 tháng 5, năm 1975 Chính phủ Singapore cung cấp thực phẩm và nước ngọt đầy đủ cho cả 4 chiến hạm và yêu cầu đoàn tầu rời Singapore ngay sau khi tiếp tế. Họ cũng cho biết Toà Đại Sứ Hoa Kỳ khuyến cáo nên nên đưa các chiến hạm đi thẳng đến căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Phi luật Tân và cung cấp những hải đồ cần thiết trong lúc hải hành.(Xem Bài Đọc Thêm "Vùng 4 Duyên Hải Di Tản".)

Đến 07:30 giờ sáng ngày 9-5, HQ 602 là chiến hạm sau cùng báo cáo đã nhận tiếp tế xong. Đúng 08 giờ sáng ngày mùng 9 tháng 5 năm 1975, đoàn tàu rời Hải Cảng Singapore khởi hành hướng về Căn Cứ HQ Hoa Kỳ tại Vịnh Subic Bay, Phi Luật Tân theo lời khuyến cáo của Tòa Đại Sứ HK tại Singapore. Cũng như khi đoàn tầu rời Poulo Panjang, HQ 230 dẫn đầu theo đội hình hàng dọc, kế đó là HQ 330 kéo theo HQ 331 và sau cùng là HQ 602. Đoàn tàu hải hành đi về phía Đông hướng về Indonesia.

Hai ngày sau khi rời TGB (11-5) khi tới gần bờ biển Sarawak, đoàn tầu phải đổi hướng từ hướng Đông chuyển sang Đông Bắc dọc theo bờ biển Indonesia. Trên đoạn đường đi qua phía Nam quần đảo Trường Sa này, đoàn tầu sẽ tới đi vị trí gần bờ biển Việt Nam nhất, chỉ cách Vũng Tầu chừng 350 hải lý.

Đoàn tàu dự trù vượt qua khỏi vị trí gần Vũng Tàu nhất trên hải đồ vào sáng ngày 13-5. Nhưng ngay trong đêm 12 rạng ngày 13-5 đó, vào lúc 2 giờ sáng, Sĩ Quan đương phiên HQ 230 báo cáo cho Đại Tá Thiện biết là HQ 602 đã mất liên lạc với HQ 230 từ lúc 12 giờ khuya. Theo sự đồng ý chung của 4 vị Hạm Trưởng thì về đêm trong lúc hải hành, HQ 602 trước rồi đến HQ 331 và kế tiếp là HQ 330 phải lên máy PRC 25 đặt trên Đài Chỉ Huy của mỗi chiến hạm báo cáo cho HQ 230 biết về tình trạng chiến hạm của mình.

hq 330

Ngay sau khi mất liên lạc, các chiến hạm còn lại trong Hải Đội đã cố gắng liên lạc vô tuyến với HQ 602 nhưng không kết quả. Hạm trưởng HQ 230 đề nghị quay trở lại đoạn đường đoàn tầu vừa đi qua để tìm HQ 602, xem chiếc hạm nầy có bị trục trặc máy chánh và cả máy điện không. Đại Tá Thiện đồng ý và cho đoàn tàu quay 180 độ ngược trở lại đường đi cũ và cứ tiếp tục cố gắng bắt liên lạc với HQ 602. Việc tìm kiếm chiếc HQ 602 kéo dài đến gần 7 giờ sáng nhưng HQ 602 thì biệt tăm biệt tích. Sau đó tất cả Hạm Trưởng của 3 chiến hạm còn lại đều đồng ý chấm dứt việc tìm kiếm và quay trở về hướng đi Subic Bay.

Qua khỏi Bornéo, Hải Đội hải hành song song dọc bờ biển Palawan của Phi Luật Tân. Vào ngày 14 tháng 5 năm 1975, 4 ngày trước khi đến Subic Bay, phi cơ không tuần P-3 Orion và chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ bắt đầu tiếp xúc và liên lạc với Hải Đội. Ba ngày sau (17-5) vào lúc 1 giờ chiều một chiếc trực thăng và chiến hạm của HQ Hoa Kỳ hướng dẫn đoàn tầu vào Subic Bay.

Ngày 18 tháng 5, năm 1975 lúc 10 giờ sáng, ba chiến hạm thả neo ở trong vịnh Subic. Các chiến hạm bắt buộc phải quăng hết tất cã vũ khí nhỏ cũng như lớn và tất cả đạn dược đang chở trên tàu xuống biển. Lễ hạ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu sau đó.

Tổng kết, trong số 4 chiến hạm rời Phú Quốc vào ngày 30-4-1975, chỉ có 3 chiếc tới Subic như đã dự định, còn HQ 602 được coi như thất lạc ở dọc đường! Từ lâu, đã có nhiều "dư luận" liên quan tới biến cố HQ 602 “mất tích” và Hạm Trưởng Ngô Minh Dương bị thảm sát, nhưng đa số là những "tin đồn nghe lại" nên thiếu sót nhiều chi tiết, đôi khi còn sai sự thật như đưa ra giả thuyết "ai là thủ phạm" v.v... Rất may, cùng với thời gian, nhiều dữ kiện mới do những nhân chứng đáng tin cậy có mặt tại chỗ tiết lộ đã giúp chúng ta có được nhận thức rõ ràng và chính xác hơn. Chúng tôi không có tham vọng vẽ lại một bức tranh thật chính xác về sự kiện xẩy ra cách đây đã gần nửa thế kỷ, mà chỉ cố gắng ghi lại những điều gần với sự thật nhất. Rất mong những sai sót sẽ được quí độc giả quan tâm bổ khuyết.

Nhân dịp này, chúng tôi thành thật cám ơn những quí vị đã vui lòng cộng tác hoặc cung cấp nhiều dữ kiện chính xác dùng trong bài viết này; đặc biệt là vị Hạm Trưởng HQ 331 và vị Hạm Phó HQ 602 là các nhân chứng có mặt tại chỗ. Rất mong quí vị "biết chuyện" khác sẽ nhiệt tâm lên tiếng sau này.

Vậy chuyện gì đã thực sự xẩy ra trên chiến hạm nhỏ nhất này, và số phận của nó và thủy thủ đoàn cùng khách quá giang ra sao? Để biết rõ câu chuyện, chúng ta cần tìm hiểu qua về chiến hạm này và các hoạt động của nó kể từ khi biệt phái tuần tiễu tại Phú Quốc cho tới khi tái xuất hiện tại SG vào khoảng trung tuần tháng 5/75 (14-15 tháng 5-1975?)

Tuần Duyên Hạm Minh Hoa HQ 602 nguyên là PGM 66 (Patrol Gunboat Motor) do hãng Marinette Marine, Manitowoc, WI kiến tạo. PGM 66 được khởi công vào đầu năm 1962, hoàn tất vào tháng 10 cùng năm; trọng tải 122 tấn, dài 100 ft, ngang 21 ft, 2 máy Mercedes Benz 1,1000 mã lực, vận tốc tối đa 17 kts (hải lý/giờ), trang bị 1 đại bác 40 ly ở sân mũi, 2 đại bác 20 ly bên hông và 1 súng cối 81 ly ở sân sau. Chiến hạm được chuyển giao cho HQVNCH vào tháng 2-1963. Đây là loại chiến hạm nhỏ nhất của hạm đội; đa số các hạm trưởng khởi nghiệp chỉ huy trên chiến hạm loại nhỏ này.

Vào tháng 3 năm 1975, trong lúc tình hình chiến sự sôi động khắp miền Nam, HQ 602 được lệnh công tác Vùng 4 Duyên Hải tại Phú Quốc. Hạm Trưởng (HT) HQ 602 là HQ Đại Úy Ngô Minh Dương (Khóa 15 SQHQ/Nha Trang), Hạm Phó (HP) là HQ Trung Úy Lê Như Hải (Khóa 20 SQHQ/Nha Trang). Trên tầu còn có những sĩ quan cơ hữu là HQ Trung Úy Thái Văn Hồng (Khóa 21 SQHQ/NT), HQ Thiếu Úy Trương Văn Hoàng (Khóa 23 SQHQ/NT và một HQ Thiếu Úy khác tên Trãi nhưng vị sĩ quan này đã xuống PCF quay trở lại Phú Quốc khi di tản tới Poulo Panjang. Riêng HQ Trung Úy Bùi Công Kiện cũng là sĩ quan cơ hữu không theo tầu lúc công tác ra Phú Quốc vì bận công tác tại Sài Gòn. Thủy thủ đoàn trên chiến hạm lúc đó chừng 30 người. Tại Phú Quốc, chiếm hạm được chỉ định tuần tiễu cùng quần đảo Thổ Châu (Poulo Panjang) cách Phú Quốc chừng 50 hải lý về hướng Tây Nam.

hq 331

Tình hình lúc đó tại Phú Quốc rất nghiêm trọng và hỗn độn, vì ngoài các đơn vị quân đội cơ hữu, còn có trại tù binh Việt Cộng và mấy chục ngàn quân dân di tản về từ miền Trung. Vì vậy một số quân nhân HQ đã đem gia đình ra Phú Quốc. HT Dương rất nóng lòng và liên lạc thường xuyên với vợ đang ở SG, thúc dục đưa gia đình ra Phú Quốc. Hàng ngày ông thường ra phi trường An Thới để mong sẽ đón được gia đình, nhưng cho tới giờ chót vợ ông cũng không ra. Có nguồn tin bán chính thức cho biết một sĩ quan cơ hữu của HQ 602 là HQ Trung Úy Bùi Công Kiện được Hạm Trưởng Dương để lại ở SG để phụ trách về tiếp liệu không theo chiến hạm ra Phú Quốc.

Khoảng trưa ngày 30-4-1975, sau khi tướng Dương Văn Minh ra lệnh QLVNCH buông súng qua đài phát thanh, tất cả các chiến hạm tăng phái cho Vùng 4 Duyên Hải rời cầu tầu An Thới, tập trung tại điểm hẹn Hòn Thơm như đã dự trù. HQ 602 cũng ra đi chỉ với thủy thủ đoàn cơ hữu, hoàn toàn không có thân nhân. Sau đó vào khoảng 3:30 chiều, đoàn tầu bắt đầu di chuyển hướng về Poulo Panjang.

Khi rời Phú Quốc, có một ghe của Duyên Đoàn 42 chở đầy người muốn xin cập vào để chuyển người qua, được HT Dương đồng ý. Trong lúc chuyển người, vì gấp rút, vận tốc chiến hạm vẫn không giảm nên giây cột ghe bị đứt khiến vài Quân Cảnh Bộ Binh trên ghe bị thương, và một cô dược sĩ dân sự ra đi từ Phú Quốc bị văng xuống biển chìm mất tích. Sau đó mấy Quân Cảnh bị thương được chuyển qua thương thuyền lớn American Challenger của Hoa Kỳ lúc đó đang neo để tiếp nhận những người ra đi.

Trong khi hải hành tới tới đảo Thổ Châu, vì tình hình thay đổi quá đột ngột, hầu hết thủy thủ đoàn HQ 602 rất hoang mang và giao động với quyết định “đi hay ở” giống như các chiến hạm khác. Lúc đó, HT Dương có hỏi HP Hải: “Anh có đi không? Còn tôi thì đi”. HP trả lời là đi vì tôi độc thân. Như vậy, cả HT lẫn HP HQ 602 đều có quyết định rời VN dù HT chưa đón được gia đình, còn nhân viên thủy thủ đoàn vẫn phân vân giữa “đi hay ở”.

Sáng ngày 1-5-75, sau khi chiến hạm đã neo tại Thổ Châu, HT ra lệnh tập họp tất cả SQ và nhân viên, cho biết chiến hạm sẽ đi Úc, ai không muốn thì xuống PCF về lại An Thới. Có một số người xuống PCF trong đó có một Hải Quân Thiếu Úy tên Trai hay Trãi và ông Thượng Sĩ cơ khí trưởng. Sau đó tàu tiếp tục đi Singapore ở vị trí sau cùng trong đội hình hàng dọc gồm 4 chiến hạm.

Trên đường đi và ngay cả khi đã tới Singapore, có một số nhân viên HQ 602 đòi về. HT nói là để liên lạc với chính phủ Singapore xem họ quyết định ra sao. Lúc đầu Singapore đồng ý để người tỵ nạn quay về nên HQ 602 cho chuyển gạo nước qua một LCM 8 trên đó có 1 xe Jeep rất mới. Chiếc LCM 8 này thuộc toán Quân Vận không thuộc Hải Quân đã tới Singapore từ trước. Nhưng sau đó chính quyền Singapore lại từ chối viện cớ không để bất cứ ghe tầu hay thương thuyền rời cảng trong tình trạng thiếu an toàn. Vì vậy tất cả mọi người đều bị ở lại.

Đoàn tầu lên đường đi Subic Bay vào ngày 9-5-75 theo biểu quyết của đa số trước đây cũng như lời khuyến cáo của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Singapore. Theo hải trình vẽ trên hải đồ, bốn ngày sau 13-5, đoàn tầu sẽ tới điểm gần Vũng Tầu nhất, phỏng định khoảng 350 hải lý.

map viet nam

Buổi tối 12-5 khi xảy ra cuộc nội loạn, Hạm Phó HP Lê Như Hải đi ca từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm, kế tiếp là ca của HQ Trung Úy Thái Minh Hồng Khóa 21SQHQ/NT. Sau khi bàn giao vào lúc nửa đêm, Hạm Phó Hải rời đài chỉ huy xuống phòng ngủ. Chỉ chừng một vài tiếng đồng hồ, HP Hải bỗng nghe tiếng máy tầu kêu lớn như gầm lên chứng tỏ tầu đang tăng tốc độ. HP Hải mở mắt và ngồi dậy thì thấy phòng H/T đèn sáng và có 2 QC bộ binh ở trong. HP Hải biết có chuyện bất thường nên chạy vội ra cầu thang để lên đài chi huy thì bị một Trung Sĩ Trọng Pháo cầm súng M16 chận lại. Nghe tiếng động, thêm nhiều người thuộc nhóm bạo động nữa xuống và ngăn cản HP Hải không cho lên đài chỉ huy, còn đòi nhốt ông trong phong chứa áo phao, nhưng HP Hải không chịu và yêu cầu triệu tập một buổi họp các sĩ quan vào sáng mai để bàn thảo và giải quyết vấn đề. HT Dương thì không hề thấy bóng dáng ở đâu.

Sáng ngày 13-5 hôm sau, sau khi HQ 602 đã rời đội hình trên đường về Sài Gòn, trên chiến hạm có cuộc họp tay ba giữa HP và 2 sĩ quan cơ hữu là Trung Úy Hồng và Thiếu Úy Hoàng; phía sau có HQ Đại Úy Huỳnh Quang Hưng tay bồng đứa con nhỏ ngồi ở đàng xa.

Khi vào phòng ăn, HP Hải để ý thấy có nhiều vết máu trên vách kéo dài từ đài chỉ huy tới phòng ăn, chứng tỏ đã có cuộc xô xát từ đêm qua. HP Hải hỏi các sĩ quan trong phòng họp là HT Dương hiện ở đâu? Một trong hai sĩ quan kia trả lời là đã bỏ HT lên bè đào thoát và thả xuống biển đêm qua.

Trong buổi họp, các sĩ quan dùng áp lực buộc HP đưa chiến hạm về Việt Nam. HP Hải đành phải hứa đồng ý sẽ trở về, nhưng yêu cầu trên đường về nếu gặp các thương thuyền hay ghe đánh cá VN sẽ xin cập vào để ai muốn về thì để họ đi. Nhưng sau đó điều này không thực hiện được vì các sĩ quan kia từ chối, buộc HP Hải đưa chiến hạm về Sài Gòn.

Trên đường về VN chiến hạm treo cờ trắng suốt cuộc hành trình. HQ 602 từ ngoài biển và trong sông không gặp bất cứ cuộc chận hỏi nào. Vài ngày sau, vào đêm 14 hay 15 tháng 5-75, HQ 602 về tới Bến Bạch Đằng, cho đến khi HP Hải cập HQ 602 vào cầu B, bên hông 2 tầu của Việt Cộng mang số hiệu T... là loại tầu Tuần tiễu loại “Swatow” của Tầu Cộng giao cho HQVC đang đậu, lúc đó Việt Cộng mới biết, và đuổi ra cột vào ở phao nổi giữa sông rồi tập họp lại tất cả, đếm xem bao nhiêu người. Sáng hôm sau, Việt Cộng bắt HQ 602 cập vào cầu C gần Câu Lạc Bộ Nổi. Kể từ đó, VC không đả động gì tới HP Hải, chỉ “ làm việc” với các sĩ quan khác và nhân viên còn lại trên tầu.

Riêng phần HP Hải, sau này phải trình diện và bỏ tù như những người khác trở về trên HQ 602, cho tới cuối năm cuối năm 1980 mới được thả. Cuối cùng vào tháng 5-1981, HP lái ghe vượt biên mang theo 76 thuyền nhân tới được KUKU Indonesia. Nghe nói nhóm người chủ trương đưa tầu về được Việt Cộng trao bằng khen, rồi sau đó cũng ngồi tù!

Mãi sau này, vào khoảng cuối năm 1975, tại trại tù Phú Khánh, nơi giam giữ những người tỵ nạn từ Guam trở về bằng tầu Việt Nam Thương Tín, Việt Cộng có cho các tù nhân xem một đoạn phim về chuyện HQ 602 quay trở về. Trong khúc phim này, ngoài những lời tuyên truyền bịp bợm cố hữu, còn có cảnh một người to lớn vạm vỡ bận quân phục Hạ Sĩ HQ/VNCH. Anh này tay cầm chiếc mỏ lết lớn, tâng công với quan thầy mới rằng chính mình là người đã đập đầu Hạm Trưởng Dương! Trong số nhân viên thủy thủ đoàn HQ 602 vào thời điểm di tản, có một anh Hạ Sĩ Trọng Pháo tên Lượm phù hợp với hình dáng của người trong phim. Chúng tôi cũng nghe đồn hung thủ này còn ở lại Việt Nam, nhưng nay đã cạo đầu qui y để xám hối tội lỗi của mình.

Tóm lại, cho tới bây giờ tuy có nhiều dư luận đồn đại, nhưng chúng tôi chỉ biết Hạm Trưởng Ngô Minh Dương bị hạ sát, HQ 602 bị ép buộc quay trở lại Sài Gòn, chưa rõ ai là thủ phạm hay kẻ chủ mưu. Nếu tin vào thuyết nhân quả "ác lai ác báo" của nhà Phật, kẻ phạm tội sẽ phải trả lời trước tòa án lương tâm.

Để kết thúc bài viết, thiết tưởng không còn gì thích hợp bằng những giòng tâm tình thắm thiết của HQ Thiếu Tá Vương Thế Tuấn, nguyên Hạm Trưởng HQ 229 và toàn Khóa 15 SQHQ/NT hồi tưởng về Hạm Trưởng Ngô Minh Dương, người bạn vắn số cùng khóa như sau:

"Trong “Đặc San Hải Sử” do GĐ/HQHH/NSW xuất bản tại Úc năm 2001, ở trang 106 anh Nguyễn Tấn Đơn K11 SQHQ/NT đã kết luận ở phần viết về K15 như sau:”Sự hy sinh của HQ Đ/Úy Ngô Minh Dương đáng được ghi vào lịch sử của HQVNCH mà từ lâu chưa ai tìm ra được thủ phạm trong cảnh hỗn loạn của đất nước: Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm đè nặng trên vai các cấp Chỉ-Huy”.

Mãi đến ngày nay, hơn 45 năm sau cái chết bi hùng của HQ Đại Úy Ngô Minh Dương Hạm Trưởng TDH ‘Minh Hoa”HQ 602, chúng tôi mới có dịp cộng tác chặt chẽ cùng tác giả Trần Đỗ Cẩm K11 SQHQ/NT để hoàn thành bài viết rất chi tiết về sự hy sinh xứng đáng được tôn vinh này.

Chúng tôi, những bạn cùng khóa 15 với Ngô Minh Dương vẫn canh cánh trong lòng tiếc thương một người bạn từ bấy lâu nay. Nhân đây xin được đóng góp đôi chút về con người của Ngô Minh Dương.

Trước khi thi vào K15 HQ, Dương đã theo học hai năm chứng chỉ MPC tại Đại Học Khoa Học SaìGòn. Khi vào trường SQHQ/NT ngoài việc học về chuyên nghiệp HQ, anh còn là một trong những SVSQ xuất sắt về môn Thái Cực Đạo (TCĐ) với 3 Võ Sư Đại Hàn là Mr Lee, Kwaq và Park (Đệ IV Đẳng Huyền Đai). Anh ra trường với cấp bậc HQ Thiếu Uý và trong nhóm 30 SVSQ tốt nghiệp đầu nên được tiếp tục huấn luyện trên các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Ngoài bằng tốt nghiệp HQ Thiếu Úy, anh còn thêm bằng Đệ I Đằng Huyền Đai TCĐ. Lúc còn học trong trường Hải Quân Nha Trang Dương thuộc Trung Đội III; anh là học trò cưng của Giáo Sư Anh văn Mr. Taylor.

Sau khi thực tập Đệ Thất Hạm Đội xong, như mọi anh em trong khoá, anh được bổ nhiệm xuống phục vụ các chiến hạm HQVN. Tuy là một SQ ngành chỉ huy nhưng Dương lại có khiếu về Cơ Khí và chịu khó học hỏi các máy móc trên tàu nên được các HT thương mến. Nhờ trình độ Anh Văn giỏi nên sau này Dương đã được BTL/HQ cử đi du học nhiều khóa khác tại Hoa Kỳ đặc biệt trong đó có khoá Khu Trục Hạm (DD). Vì vậy anh là một ứng viên sáng giá để được tuyển chọn nhận lãnh Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ-1 chiếc KTH đầu tiên của HQVN tại Hawaii. Cũng vì đi du học nhiều cho nên điềm quân vụ của Dương không liên tục nên cũng dễ hiểu tại sao Dương vẫn còn mang cấp bậc Đại Uý. Được biết đầu năm 1975 anh sẽ được vinh thăng Thiếu Tá nhưng vì tình hình chiến sự nên nghị định đó vẫn chưa được phổ biến.

Đây có thể nói là một món nợ mà tới bây giờ chúng tôi mới có dịp được giãi bầy về cái chết hầu như đã bị lãng quên của người bạn cùng khóa. Đã đến lúc sự công bằng phải được trả lại cho anh, tuy có muộn màng, song cũng hy vọng hương linh anh được mãn nguyện ở một thế giới không hận thù. Anh là một chiến sĩ quả cảm, một Hạm Trưởng cương trực, những đức tính đáng quí của một quân nhân; nhưng những ưu điểm đó không còn thích hợp ở giờ thứ 25 nên đã dẫn đến cái chết đầy bi thảm của anh trên đường đưa chiến hạm từ Singapore đi Philippines do một vài thuộc cấp không còn nhân tính đã đập đầu anh bằng chiếc mỏ lết lớn khi anh đang cặm cụi thi hành trách vụ của một Hạm Trưởng để xác định vị trí chiến hạm trên bàn hải đồ. Giờ đây, toàn thể các bạn thuộc gia đình Đệ Nhị Song Nam xin được hướng lòng về về chốn xa xưa, nơi anh đã vĩnh viễn ra đi, để cầu nguyện cho hương hồn anh đời đời được an nghỉ trong cõi bao la của lòng biển mẹ ...".


Ghi Chú: Chúng tôi thêm phần "Phụ Đính" dưới đây theo lời yêu cầu của K.15 SQHQ/NT trong Email "Happy Ending" gửi ngày Aug. 6, 2020, nguyên văn như sau:

Kính gởi NT Trần Đỗ Cẩm,

Sau khi bài viết của anh được phổ biến thì Khoá 15 chúng tôi đã cùng nhau làm việc để tìm ra dấu vệt giọt máu cuối cùng mới 2 tháng tuổi cuả Cố Hạm Trưởng Ngô Minh Dương.

Thật là may mắn anh Vũ Đình Tuấn K 15 đã lục được một cuốn video quay từ năm 1992 tại nhà chị Dung (vợ cũ của anh NMD). Từ đó chúng tôi đã tiếp chuyện được với chị Dung và chị đã gửi cho tôi một bài báo dưới đây của tác già Chung Vũ viết về cháu Ngô Minh Danh đang làm gì? và ở đâu?

Đúng là Hổ Phụ sinh Hổ Tử.

Cám ơn NT Trần Đỗ Cẩm đã cống hiến cho người đọc một tuyệt phẩm của chiến tranh Việt Nam.

Thân chào,
VTT

TB/anh có thể cho phần này trong bài viết của anh.


PHỤ ĐÍNH

Bác Sĩ Ngô Minh Danh

hq 230 hq 230

Tường thuật Chung Vũ

Chiều Thứ Bảy ngày 19 tháng5 năm 2001. Ông bà Báu’sTailors đã tổ chức tiếp tân Bác Sĩ Ngô Minh Danh vừa tốt nghiệp Bác Sĩ về Internal tại Đại Học Đường Emory, Atlanta, Georgia. Quan khách và thân hữu đã đến chung vui cùng Ông Bà Bau’s Tailors rất đông.

Sau phần giới thiệu chương trình, Xướng Ngôn viên đã nói về tiểu sử Tân Bác Sĩ Ngô Minh Danh như sau:

Em Danh sinh ra đời giữa lúc chiến tranh Việt Nam bước vào khúc quanh thê thảm nhất. Cháu Danh sinh ra trước 2 tháng là đến ngày 30 tháng 4 đen. Thế mà gia đình đã cùng em Danh vượt biên đến Mỹ vào tháng 10 năm 1979, nghiã là bé Danh mới có 4 tuổi.

Năm 10 tuổi em Danh đã đoạt giải thưởng Văn Chương của School Board năm 1984. Đề tài em Danh chọn là những ngày cùng gia đình vượt biên. Đây là một Thần Đồng vì Danh mới có 4 tuổi mà nhớ những chi tiết hãi hung bằng chuyến vượt biên bằng thuyền tam bản.Và sau đó em Danh được tuyện chọn vào chương trình G.T Class (Gifted & Talent Program) của những thiếu nhi thông minh thiên phú.

Năm lớp 10 trường Trung Học John Ehret em Danh được tuyển vào trường dành cho con em ưu tú Louisiana School tại miền Bắc Louisiana cho lớp 11 và 12.

Và lẽ tất nhiên, từ trường danh tiếng này, em Danh tốt nghiệp Trung Học và nhận học bổng toàn phần của Đại Học Emory University cho 4 năm Pre. Med.

Năm 1997, cháu Danh đã đậu tối ưu và được tuyển chọn vào Medical School của Emory, Atlanta Georgia. Trong thời gian học tại Đại Học, em Danh đã làm việc tại Central Desease Control ( Trung tâm khảo cứu bệnh tật của Emory) với các giảng sư từ Đại Học Havard xuống Atlanta làm việc và giảng dạy.

Cuối cùng 4 năm đã hoàn tất và em Danh đã tốt nghiệp y khoa Bác Sĩ về Internal và sẽ nội trú tại Bệnh Viện University of Colora Denver vào đầu tháng 6 năm 2001.

Sau đó Tân Bác Sĩ Ngô Minh Danh đã cắt bánh Tốt Nghiệp và dành phần bánh đầu tiên cho Ông Bà Báu’s Taylors.

Trong lúc hạnh phúc nhất bà Báu đã nức nở phát biểu khi nhìn đứa con của mình vừa đoạt được mảnh bằng Y Khoa Bác Sĩ;” Tôi rất cảm động để lên đây cám ơn quý quan khách và thân hữu. Khi chúng ta chào đời chúng ta đã cất lên tiếng khóc , có nghĩa là cuộc đời này khổ nhiều hơn vui. Sau những ngày buồn là những ngày vui. Ngày Thừ Hai vừa rồi, lòng tôi thật sự xúc động khi nhìn con mình nhận văn bằng Y Khoa Bác Sĩ trong mấy ngàn sinh viên lên nhận văn bằng. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã nhỏ xuống cho niềm hạnh phúc với người con thành danh. Sau cùng xin chân thành cảm ơn quý vị đã đến chia sẻ hạnh phúc với gia đình tôi.

Sau đó BS Ngô Minh Danh đã lên cảm ơn Bố Mẹ và bà con cô bác chung vui với gia đình ngày hôm nay. Bác Sĩ Danh nói tiếp:” Sự hiện diện của quy vị đã hành trang cho con trên đường cống hiến đời mình cho nhân sinh trong tương lai. Quan trọng nhất con xin ghi lại suốt cuộc đời là cha mẹ đã cho con như ngày hôm nay. Xin cám ơn Mẹ đã cho con nụ cười cũng như giọt nước mắt. Đậu đạt như ngày hôm nay là nhờ ơn Cha Mẹ và con xin dâng tặng món qùa qúy hoá này như lòng con báo hiếu cho Cha Mẹ”.

Có rất nhiều thân hữu và quý quan khach phát biểu như ông Lê Nguyên Phi, Ông Huỳnh Hồng Quân, Ông Lê Bá Bửu, Ông Vũ Thành Phát…

Buổi tiếp tân đã chấm dứt vào lúc nửa đêm sau cuộc khiêu vũ tuyêt vời ban nhạc One Man Band do nhạc sĩ Quỳng Tín điều khiển. Ngọc Lan Magazin xin chung vui cùng BS Ngô Minh Danh và gia đình ông bà Bau’s Taylor. Chúc cháu Danh tiến mãi tren đường sự nghiệp.

Vợ chồng cháu Ngô Minh Danh đã có một cháu gái gần 5 tuổi.


Bài Tham Khảo:

1. BTL/HQ/V4DH Di Tản - HQ Đại Tá Nguyễn văn Thiện
2. Cuộc Trùng Phùng Kỳ Diệu - HQ Minh Nguyên
3. Vùng IV Duyên Hải Những Ngày Cuối - Nghuyễn Hữu Duyệt


Trở về --->

logo chien ham

Free Web Hosting