Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử - Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả:
tuanvuong44@yahoo.com camtran11@gmail.com
Trong bối cảnh rối loạn của những ngày cuối tháng 4/75 thì sự ra đi của Hạm Đội HQVN là một cuộc di tản hoàn hảo đã làm HQVN hãnh diện. Nhưng bên cạnh những hạnh phúc tột cùng của những người ra đi được đầy đủ gia đình thì bên cạnh đó là nỗi bất hạnh không tả xiết của một số các Hạm Trưởng và các thủy thủ đoàn đã không đem được gia đình vợ con mặc dù họ đã chu toàn nhiệm vụ thật xuất sắc trong chuyến hải hành cuối cùng.
Do đó khi viết về Hạm Đội ra khơi chúng ta không thể nào bỏ qua chiếc Thương Thuyền Việt Nam Thương Tín vì thủy thủ đoàn của con tầu định mệnh này được thành hình từ các Hạm Trưởng và Đoàn Viên kém may mắn. Sau khi chính phủ Hoa Kỳ đồng ý chọn chiếc tầu VNTT làm phương tiện cho những người muốn hồi hương. Vào trung tuần tháng 8 năm 1975 trong số 200 cựu nhân viên HQ tại trại hồi hương Asan. Cựu HQ Trung Tá Trần Đình Trụ TLP/HQ/V5DH đã được mọi người bầu làm thuyền trưởng và một danh sách thủy thủ đoàn được thành hình dựa theo các ngành nghề của từng người. Anh Trần đình Trụ K 8 HQNT đã từng làm HT của nhiều chiến hạm: PGM, LSSL-229, LSM -403, LST. Cuối năm 1972 anh được chỉ định làm Hạm Trưởng để nhận lãnh Tuần Dương Hạm Ngô Quyền HQ 17 tại Philippines do Hoa Kỳ chuyển giao. Chức vụ cuối cùng của anh là TLP/HQ/V5DH. Đêm 29/4 trong giờ hấp hối của Saì Gòn anh đã ra đi từ BTL/HQ trên HQ 406. Khi tới Guam vì kẹt gia đình anh đã xin hồi hương bằng tầu VNTT. Phần tôi vào đầu năm 1967 sau khi đi thực tập Đệ Thất HĐ về tôi được thuyên chuyển xuống chiếc HQ 229 cũng là lúc anh Trụ rời chiến hạm để đảm nhiệm một đơn vị trên bờ. Anh Trụ là vị HT đầu tiên của HQ 229 và tôi là HT thứ 13 và cũng là HT cuối cùng của HQ 229. Như một định mệnh chúng tôi đã trở thành TT và TP của chiếc tầu hồi hương Việt Nam Thương Tín (VNTT).
Để thấu triệt chuyện hồi hương đầy cảm xúc buồn vui lẫn lộn và còn gây nhiều tranh cãi đúng sai của tầu VNTT, chúng ta cần biết rõ lai lịch và những hoạt động của chiếc thương thuyền, nhất là trong những ngày cuối Tháng Tư Đen. Với số kiến thức căn bản cần thiết, việc tìm hiểu chi tiết liên quan tới chuyến trở về VN của con tầu định mệnh sẽ dễ dàng hơn.
Thương thuyền Việt Nam Thương Tín 1, hay tầu Việt Nam Thương Tín (VNTT) là tài sản của công ty Việt Nam Hàng Hải (VNHH - Vietnam Marine Lines Co, Inc), Tổng Giám Đốc là ông Dương Liên, đặt trụ sở tại đường Tôn Thất Đạm, Sài Gòn. VNHH do ngân hàng VNTT thành lập để đầu tư vào ngành chuyên chở đường biển; ngân hàng này lại là phân bộ chuyên về thương mại của Ngân Hàng Trung Ương Quốc Gia VN, bắt đầu hoạt động kể từ tháng giêng năm 1956 với số vốn 200 triệu đồng đầu tư của ngân hàng trung ương. VNTT sau phát triển thành ngân hàng thương mại lớn nhất của VNCH; ông Lê Tấn Lộc là Tổng Giám đốc cuối cùng. Dấu hiệu quen thuộc thường được biết đến của ngân hàng VNTT là trương mục tiết kiệm "Con gà ấp trứng vàng". Như vậy, có thể nói tầu VNTT do chính phủ VNCH bỏ tiền ra mua để khai thác dịch vụ hàng hải quốc tế và quốc nội.
Tầu VNTT do công ty Finantieri của Ý đóng vào năm 1956 mang tên Pietro Canale (Pietro hay San Pietro là tên một vị thánh rất phổ thông bên Ý, người Mỹ gọi là Saint Peter, còn "canale là con kinh, tiếng Anh là "canal"). Năm 1962 hãng Nouvelle Compagnie Havraise Peninsulaire của Pháp mua lại và đổi tên thành Ville de Diego-Suarez 2 (tên của một hải cảng nổi tiếng ở cực bắc của đảo Madagasca); năm 1965 bán cho Panama, tên mới là Sonia. Năm 1968 hãng VNHH mua lại, đặt tên là VNTT.
Tầu dài 148m, rộng 19m, vận tốc 14 gút (hải lý/giờ), trọng tải chính thức 6505 tấn ghi nhận theo tài liệu hàng hải quốc tế (một số SQ/HHTT Việt Nam cho rằng trọng tải tới 10965 tấn). Tầu có 1 chân vịt, 1 động cơ 2 thì mạnh 5,500 mã lực do hãng Fiat chế tạo và 3 máy phát điện. Thủy thủ đoàn gồm từ 42 đến 45 người với 14 Sĩ quan. Đây là thương thuyền viễn dương đầu tiên của VN, do thuyền trưởng Hồ Đắc Tâm là hoa tiêu sông Sài Gòn mang từ cảng Marseille (Pháp) về VN, đi đường vòng qua Cape of Hope ở cực nam Phi Châu rồi vào Ấn Độ Dương, thay vì dùng kinh đào Suez như thường lệ. Vào năm 1975 khi di tản, thuyền trưởng (Quan Tầu) là ông Võ Kiết Triệu, thuyền phó (Goòng) là Dương Tấn Kim Sanh, cơ khí trưởng (Xếp Máy) là Phùng Văn Gạt.
Tầu VNTT thường qua lại các các bến vùng Đông Nam Á hay Phi Luật Tân chở đường (sugar) xuất cảng sang Hoa Kỳ như; chuyến về tầu hay ghé những hải cảng miền Đông Hoa Kỳ như New York, Baltimore... và Nam như Galveston, New Orleans... chở sản phẩm nông nghiệp như gạo, bắp, lúa mì… về Sài Gòn. Ngoài những chuyến hải hành viễn dương, đôi khi tầu VNTT còn chạy đường cận duyên, chở gạo ra các tỉnh miều Trung VN.
Thương cảng Sài Gòn
Trong khi tình thế ngày càng bi quan, Việt Cộng đã tiến gần tới Sài Gòn, tầu VNTT vẫn tiếp tục cột phao vào khoảng mươi ngày không có gì làm, thủy thủ đoàn chỉ canh giữ qua loa thay vì bận rộn bốc rỡ hàng như thường lệ. Cho tới ngày 29-04 tình hình nghiêm trọng, hàng trăm người đã tụ tập đông đảo, mất trật tự ở bến Bạch Đằng và cả bên Khánh Hội nơi các tầu buôn VN còn đang đậu. Rồi tới đêm 29 rạng ngày 30-4, thủy thủ đoàn các tầu buôn bên Khánh Hội bị rúng động và rối rối vì đột nhiên thấy các chiến hạm Hải Quân tuần tự rời cảng Sài Gòn ra khơi.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 30-04, tầu lập tức rời phao 1 ngoài sông vào cập cầu bến kho 5 Khánh Hội. Lúc này trên bờ đã rất đông người cả quân lẫn dân đang chen lấn mất trật cố xuống cầu tầu. Thuyền trưởng Võ Kiết Triệu vội rời tầu về đón gia đình, trong khi đó nhiều gia đình giới chức cao cấp thuộc công ty VNHH, ngân hàng VNTT và ngành tài chánh đã chờ sẵn ở kho 5 cùng với một số người may mắn vào được bên trong cổng số 5 hối hả lên tầu.
Khi Tổng Thống Dương văn Minh bất ngờ ra lệnh buông súng lúc 10.00 giờ, mọi người đều bàng hoàng, giao động. Khoảng gần trưa, trong lúc chờ đợi gia đình thuyền trưởng, một số quân nhân và giới chức dân sự cao cấp trên tầu hối thúc và áp lực thủy thủ đoàn phải rời bến gấp vì chiến xa Việt Cộng đã vào tới Sài Gòn. Lúc này tình hình đã rất hỗn loạn, nhiều người chen lấn xô đẩy nhau lên tầu nên phải chặt giây tách bến. Khi tầu mới rời cầu, thuyền trưởng và thuyền phó cùng gia đình cũng vừa đến, nhưng tầu đã tách xa bờ nên đều bị bỏ lại. Do đó ông Nguyễn Nhứt Thống, một thuyền trưởng viễn dương trong số những giới chức liên quan mật thiết với VNHH và VNTT đã vào được kho 5 từ trước, đột nhiên trở thành Quan Tầu (thuyền trưởng) đưa tầu ra khơi và tiếp tục chỉ huy tầu VNTT cho tới Guam.
Những người có liên hệ với VNTT đã chờ sẵn ở kho 5 để theo tầu sáng ngày 30-04-1975 gồm gia đình ông Nguyễn Nhứt Thống, gia đình ông Dương Liên, TGĐ Công Ty VNHH, ông Lê Tấn Lộc TGĐ Ngân Hàng VNTT và một số giới chức cao cấp khác. Trong số trên 700 hành khách quá giang có ông cựu Bộ Trưởng Kinh Tế Châu Kim Nhân, 1 Thẩm Phán, 1 Dân Biểu, 2 Hoa Tiêu tầu biển, 2 Bác Sĩ, nữ Ca sĩ Phương Hoài Tâm, tất cả còn lại là quân, nhân, công, cán các cấp của VNCH trong số có 5 Đại Tá.
VNTT không có trù liệu kế hoạch di tản gia đình hay ít ra thủy thủ đoàn không nghe hay nhận được chỉ thị nào từ ban giám đốc. Các giới chức cao cấp VNTT và VNHH đã toan tính rời VN bằng đường hàng không, nhưng vì phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích và hỗn loạn vào ngày chót khiến máy bay không cất cánh được, nên dự định không vận bất thành. Do đó tầu VNTT là phương tiện cuối cùng của họ; đây cũng là dịp may hiếm có cho số người vào được kho 5 vào sáng ngày 30-04. Trong khi đó, phần lớn thủy thủ đoàn và thân nhân, gồm cả gia đình thuyền trưởng và thuyền phó, đã không có cơ hội để cùng di tản trên con tầu do chính họ phục vụ.
Có dư luận cho rằng chính phủ Dương Văn Minh định dùng tầu VNTT để chở 16 tấn vàng dự trữ của Ngân Hàng Quốc Gia ra nước ngoài, nhưng bị Phó Thủ Tướng đặc trách kinh tế Nguyễn Văn Hảo và Thống Đốc Ngân Hàng Lê Quang Uyển hết sức ngăn cản nên dự tính không thành. Đây chỉ là một trong số nhiều tin đồn thất thiệt về 16 tấn vàng này. Tuy có sự liên hệ rất mật thiết giữa công ty VNHH và Ngân Hàng Quốc Gia Trung Ương như đã giải thích, nhưng tầu VNTT được gọi từ Úc về VN do lời yêu cầu khẩn thiết của thủy thủ đoàn muốn về lo cho gia đình và cũng vì các giới chức cao cấp trong ngành tài chánh muốn có phương tiện dự phòng để rời VN trong trường hợp không đi được bằng đường hàng không.
Cảnh tượng tầu VNTT vội vã tách bến, đến nỗi cả thuyền trưởng lẫn thuyền phó đều không kịp lên tầu, bị bỏ lại trong đám đông mất trật tự trên bờ khi tầu vừa rời cầu và những hỗn loạn tại kho 5 đã là một bi kịch, nhưng xui xẻo vẫn còn đeo đẳng. Lúc tầu xuôi giòng ra khơi, vừa qua khỏi cầu Tân Thuận đã bị VC bắn B 40 từ phía Thủ Thiêm làm lủng một lỗ dưới mặt nước. Khi đến Nhà Bè, tầu bị bắn lần thứ 2 cũng từ phía bên trái, nhưng không gây tổn thất nhân mạng. Chỉ ít lâu sau đó, tầu lại bị bắn lần thứ 3 bằng thượng liên thẳng vào đài chỉ huy khiến một số hành khách đang ngồi núp phía dưới bị trúng đạn; nhà văn Chu Tử và một em bé tử thương cùng 20 người khác bị thương. Sau đó VNTT hối hả theo sông Lòng Tào vượt Cần Giờ không gặp trở ngại nào khác.
Ra tới biển Vũng Tầu, VNTT cố tìm gặp các chiến hạm Hoa Kỳ thuộc Hạm Đội 7 đang di chuyển ngoài hải phận quốc tế để xin trợ giúp. Hai nạn nhân tử thương vì đạn VC được thủy táng. Khi gặp được tầu Mỹ, sĩ quan HQ Hoa Kỳ giám định tình trạng tầu căn cứ vào chi tiết do thuyền trưởng cung cấp về khả năng, mức độ an toàn, số lượng hành khách, số người bị thương v.v... Hạm Đội 7 quyết định để VNTT đi thẳng tới Subic Bay.
Sáng 3-5-1975 lúc 10 giờ, tầu VNTT đến Subic Bay, Phi Luật Tân. Số người bị thương được đưa lên bờ để điều trị. Vỏ tầu được tạm thời vá lỗ thủng, tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm cần thiết, sau đó nhận chỉ thị tiếp tục hành trình đến đảo Guam. Tầu đến Guam ngày 09-05-1975, cập bến lúc 16.00 giờ để chuyển số hành khách lên trại tị nạn Asan rồi trở ra neo trong vịnh Apra. Gia đình của thủy thủ đoàn và các nhân viên quản trị của VNHH & VNTT được phép ở lại trên tầu cho đến khi có quyết định mới của nhà chức trách Guam.
Tầu VNTT là chiếc đầu tiên di tản đến Guam. Những ngày sau đó, có thêm các tầu Tân Nam Việt đến ngày 15-05-1975, tầu Trường Hải và HQ 500 ngày 22-05-1975, tầu Đồng Nai và Đại Dương ngày 23-05-1975.
Ngày 12-07-1975, thủy thủ đoàn còn lại trên tầu được lệnh rời khỏi VNTT, nhập trại Asan để làm thủ tục định cư tại Canada.
Ngày 21-07-1975, nhóm thủy thủ đoàn rời trại Asan, Guam lên máy bay qua trại Pendleton, California để làm thủ tục khám sức khỏe và lập visa vào Canada, ngoại trừ một số tình nguyện ở lại California. Từ đó "gia đình" VNTT bắt đầu đời sống mới nơi xứ lạ quê người như những người tỵ nạn khác.
Cuối tháng 10, 1975, chính phủ Hoa Kỳ đã tân trang tầu VNTT, dùng để đưa khoảng 1600 người tỵ nạn ở Guam muốn trở về Việt Nam. Sau này, thuyền trưởng Võ Kiết Triệu và xếp máy Trần Văn Đúng lại có dịp "đoàn tụ" vơi tầu VNTT khi hai ông bị Việt Cộng bắt ra Nha Trang dẫn tầu về Sài Gòn. Về sau VC đổi tên VNTT thành Vũng Tầu và bị phế thải năm 1986.
Vào cuối tháng tư đen, khoảng 130,000 dân tỵ nạn rời khỏi VN bằng đường hàng không hay đường biển. Ngoại trừ một số ít tới những trại phụ như đảo Wake, đa số được đưa đến Guam. Những người đầu tiên được ở hotel hay appartment, về sau ở trong những trại lính cũ nhưng vẫn không đủ chỗ vì dân tỵ nạn đến mỗi lúc một đông nên có thêm những trại tỵ nạn như Asan và nhất là ở “Tent Cicy” Orote Point, còn được gọi là Camp Rainbow có dân số đông hất đếm được tới 39,331 người. Nhờ được phỏng vấn và di chuyển vào nội địa Hoa Kỳ nhanh chóng, dần dần số người tỵ nạn giảm đi rất nhiều.
Tới tháng 8-75, hầu hết những người tỵ nạn đã được đưa vào nội địa nên cơ quan di trú tại Guam ngưng hoạt động, chỉ có văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tiếp tục công việc chưa hoàn tất. Số người tỵ nạn chỉ còn khoảng 5,000, trong số này có chừng 3,000 đa số là quân nhân không mang theo được gia đình chưa chịu rời trại đi định cư, ghi tên muốn trở về VN. Họ được chuyển tới 4 trại khác, tương đối tiện nghi hơn là Black Construction, J&G, Hawaian và Barrigada. Những người muốn về VN biểu tình, tuyệt thực và đôi khi bạo động để gây áp lực đòi hồi hương sớm.
Đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ là thiếu tướng hồi hưu Herbert sau nhiều lần tiếp xúc và thương thuyết, đồng ý để những người muốn hồi hương dùng tầu VNTT đang đậu sẵn tại Guam làm phương tiện. Cựu HQ/Trung Tá Trần Đình Trụ được mọi người tín nhiệm làm thuyền trưởng (Quan Tầu) đưa tầu về VN, cựu HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Phước (Khóa 15 SQHQ/NT) trước là HT HQ 231 được chọn làm Thuyền Phó (Goòng) và cựu HQ Thiếu Tá Vương Tế Tuấn (Khóa 15 SQHQ/NT) trước là HT HQ 229 làm Dịch 1 (nói theo ngôn ngữ HHTT) phụ trách hải hành. Anh Trần Cao Khải là Xếp Máy. Cựu HQ Thiếu Tá Phạm Ngọc Lộ (Khóa 12 SQHQ/NT) phụ trách tiếp liệu. Thủy thủ đoàn tổng cộng khoảng 200 người được tuyển chọn trong số những người muốn đi về.
Tầu dự trù chở khoảng 2,000 người. Phía Hoa Kỳ bỏ ra một ngân khoản trên dưới 1 triệu đô la để tân trang toàn diện con tầu và việc sửa chữa sẽ do HQCX của Hoa Kỳ tại Guam đảm trách. Công việc sửa chữa tiến hành khả quan và nhanh chóng với sự phụ giúp đắc lực của thủy thủ đoàn tân lập, kể cả việc thử máy đường trường 24 tiếng đồng hồ chạy quanh đảo Guam.
Sau một thời gian dài chuẩn bị và huấn luyện, tầu VNTT đã sẵn sàng ra khơi trở về VN. Ngày 15-10-75, đúng 8 giờ sáng, hành khách bắt đầu xuống được sắp xếp nơi ăn chốn ở, dự trù tới 5 giờ sáng 16-10 mới hoàn tất cho gần 2,000 người. Trước khi xuống tầu, mọi người đều được đưa qua phòng riêng làm thủ tục xuất hành lần cuối. Tại đây hành khách còn cơ hội lần chót để quyết định về VN hay đi Mỹ. Vào giờ chót có thêm khoảng 30 người từ các trại tỵ nạn ở Mỹ quá giang về VN.
Hải trình từ Guam về Việt Nam dài khoảng 2,100 hải lý, nếu tầu chạy trung bình 10 hải lý/giờ (gút) thì mất chừng 10 ngày đêm. Thuyền trưởng Trụ cẩn thận tính thêm 10 ngày nữa đề phòng trục trặc hay bão tố nên yêu cầu cung cấp thực phẩm và nước ngọt cho 2,000 người trong 20 ngày. Thiếu tướng Hebert vui vẻ chấp thuận và còn cấp thêm 10 ngày nữa, tổng cộng là 30 ngày lương thực và nhiên liệu để dự trù trường hợp tầu đã về tới hải phận Việt Nam, nhưng đổi ý quay trở lại Guam.
Sáng 16-10 trước khi tầu rời bến, có phái đoàn báo chí, truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ tới cầu tầu phỏng vấn. Lúc đó, một đám đón gió trở cờ muốn lập công với Việt Cộng đã treo hình Hồ Chí Minh và cờ MTGPMN trên tầu, nhưng vì sắp trở về VN nên đa số phải nhịn nhục.
Khi mọi thủ tục xong xuôi, đúng 12 giờ trưa, thuyền trưởng Trụ họp Ban Tham Mưu, ra lệnh khởi động máy lúc 12 giờ 30 và nhiệm sở vận chuyến lúc 12 giờ 45. Trước khi tầu rời cầu, Thiếu Tướng Herbert và ông Keely đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ mới đến từ Washington tặng thuyền trưởng Trụ một bộ đồ thuyền trưởng mới may rất đẹp, nhưng ông từ chối.
Đúng 1 giờ chiều ngày 16-10-175, tầu VNTT do thuyền trưởng Trần Đình Trụ điều khiển rời Guam, mang theo cộng 1652 người trên tầu trong số này có khoảng 200 phụ nữ và trẻ em. Chỉ ít lâu sau, tầu ra khỏi hải cảng và đổi đường qua hướng Tây, bắt đầu hải trình 10 ngày trở về Việt Nam.
Chuyến hành trình diễn ra tốt đẹp không có gì trục trặc. Biển tương đối êm, máy móc hoạt động tốt. Sau 5 ngày hải hành tức 21-10, đã bắt đầu tới eo biển San Bernadino thuộc Phi Luật Tân. Khi vào sâu trong eo, có chiến hạm Hoa Kỳ đi theo để trợ giúp trong trường hợp có trở ngại với chính quyền Phi. Tới chiều ngày hôm sau, tầu ra khỏi eo biển, bắt đầu hướng về VN. Vừa ra tới biển chừng 10 hải lý thì gặp bão, biển động nên một số hành khách bị say sóng, nhưng chẳng bao lâu bão di chuyển về hướng khác nên tầu không bị trở ngại nhiều.
Sang ngày thứ 9 lênh đênh trên biển, tầu đã tới gần bờ biển VN, chỉ còn cách chừng 50 hải lý, lúc đó có một phi cơ không tuần của HQ Hoa Kỳ bay ngang xem có cần trợ giúp gì không, nhưng tầu không cần gì nên phi cơ bay đi. Lúc đó, nếu tầu đi thẳng sẽ tới Vũng Tầu vào ban đêm bất tiện nên thuyền trưởng Trụ cho đổi đường hơi chếch về phương bắc hướng về Cam Ranh. Tầu tiếp tục đi, tới hoảng 3 giờ chiều đã bắt đầu lờ mờ thấy dẫy núi bờ biển VN; tầu chỉ còn cách bờ chừng 30 hải lý. Đến 8 giờ tối tầu cách bờ biển Cam Ranh 12 hải lý nhưng cũng không thấy bóng dáng tầu bè HQ Việt Cộng. Sau đó tầu đổi hướng xuôi Nam, đi dọc bờ biển qua Phan Rang, Phan Thiết… Tới khoảng 6 giờ sáng ngày 25-10 thấy đèn hải đăng Vũng Tầu. Tầu vào vịnh Vũng Tầu, rồi sau đó thả neo ở Bãi Trước lúc 8 giờ sáng.
Sau này, có dư luận cho rằng một số Việt Cộng nằm vùng cài sẵn trong trong tập thể tỵ nạn đã có công vận động, tuyên truyền rỉ tai để thuyết phục những người muốn hồi hương về phục vụ đất nước. Thậm chí báo Công An Nhân Dân Việt Cộng còn loan tin nhiều quân nhân trước đây không muốn rời Việt Nam, nhưng đã bị “bắt cóc” di tản ngoài ý muốn bằng cách chích thuốc mê v.v... cũng như tầu VNTT trở về là một thắng lợi của bác và đảng! Thật sự đa số những người xin hồi hương đều vì lý do không mang theo được gia đình. Họ là những người đáng kính phục hơn chê trách; họ không ngây thơ và nông nổi hay mù quáng chẳng hiểu gì về Cộng Sản mà ngược lại, biết rõ đâu là thiên đường hay địa ngục nên dù thấy nhiều chông gai trước mắt vẫn chấp nhận mọi hiểm nguy, bất trắc với mục đích duy nhất được gặp lại và trợ giúp gia đình, vợ con đang chới với dưới làn sóng đỏ. Người Việt Quốc Gia khác với CS ở phần tình cảm, luôn nặng lo cho gia đình, trong khi CS "tam vô" lúc nào cũng chỉ có "đảng" và làm nghĩa vụ quốc tế!
Những người hồi hương bằng tầu VNTT trước quyết định khó khăn “về hay ở” liên quan tới cả cuộc đời, đã can đảm lựa chọn con đường tình cảm về với gia đình bằng mọi giá, chẳng khác "Từ Thứ qui Tào", vì tình nghĩa với thân nhân nên buộc lòng phải quay về, chẳng ai buồn nhìn “mưa sa trên mầu cờ đỏ” như Việt Cộng khoe khoang. Tuy trong số này có một đám muốn tâng công với chủ mới đứng về phía Việt Cộng, vẽ hình bái lạy bác Hồ, nhưng thiểu số đó cũng chỉ “đón gió trở cờ”. Khi về đến Việt Nam, tất cả đều bị đi tù như những người khác.
Chúng tôi cũng nghe nói hiện nay ở VN còn có một số người hồi hương theo tầu VNTT, đang sống trong mặc cảm và hối hận vì đã trở về. Họ cho rằng nếu trước đây biết rõ bộ mặt thật của Cộng Sản thì đã ở lại. Những người này rất đáng thương vì đã bỏ lỡ cơ hội sống trong tự do dân chủ. Tuy nhiên, không riêng mình họ, mà hiện nay đại đa số dân VN, kể cả các đảng viên, anh hùng, liệt sĩ VC cũng đang tự trách mình vì đã nghe lời Việt Cộng. Nói khác đi, nếu VN vẫn còn để chế độ độc tài đảng trị "hèn với giặc, ác với dân" tồn tại, dân chúng sẽ mãi mãi bị mặc cảm và hối hận dầy vò.
Sau đây là phần kể lại của thuyền phó Vương Thế Tuấn:
VNTT neo ở Vũng Tầu mấy tiếng đồng hồ mà VC không hề hay biết. Sau khi biết đây chính là chiếc VNTT từ Guam về họ đã cho trực thăng bay quanh chiếc VNTT đồng thời cho chiếc Hộ Tống Hạm PCE 13 của ta để lại đã đánh đèn như sau:
- How many people aboard on your ship.
Chúng tôi trả lời bằng tiếng Việt:
- Tầu chở 1,600 người hồi hương
Sau đó họ không đánh quang hiệu nữa và cho 3 chiếc SL 8 chạy ra chiếc VNTT với vũ khí hòm sẵn họ bắc loa hỏi:
- Thuyền trưởng là Mỹ hay Việt Nam .
Khi biết là anh Trụ, họ nói mọi người ở đâu ở đó không được đi lại trên boong rồi cặp vào với một trung đội súng ống sẵn sàng, leo lên chiếc VNTT. Sau đó chúng niêm phong lái và cầu thang lên đài chỉ huy. Khi màn đêm vừa buông xuống chúng ra lệnh cho thủy thủ đoàn VNTT nhổ neo và đi theo chiếc LS 8 dẫn đường nhưng không cho biết là đi đâu. Sau 2 ngày hải hành khi tới Cầu Đá Nha Trang thì chúng ra lệnh cho chiếc VNTT chạy vào thả neo tại đây.
Sau đó có một đoàn cán bộ từ trong bờ ra dẫn đầu là tên Thiếu Tá Thùy. Chúng họp với anh Trụ và ban đại diện đồng thời yêu cầu anh Trụ lập một danh sách gồm những người nồng cốt của chiếc VNTT. Những ngày kế tiếp chúng cho tầu nhỏ ra chở mọi người vào bờ, kể cả anh Trụ. Trên tầu chỉ còn lại 15 người gồm có: anh Phước TP, tôi TP/HH anh Khải CKT, anh Hiệp GL, anh Đẳng y tế và một số anh phụ trách máy neo, đặc biệt cò 2 anh Gòn ĐK và một anh CK là nhân viên cơ hữu của chiếc VNTT .
Mỗi ngày chúng ra lệnh cho nhóm chúng tôi nhổ neo chạy xuống Cam Ranh rồi lại chạy về Cầu Đá. Chúng tôi làm như vậy trong suốt 2 tuần cuối cùng 15 người chúng tôi cũng được lệnh rời tầu để lên bờ. Chúng chuyển chúng tôi tới BCH/CSQG/V2 cũ của mình để điều tra. Sau hơn 2 tháng chúng chuyển chúng tôi đến Trại Xuân Phước hay còn gọi là Z 30 để nhốt tất cả chúng tôi là những người đã trở về trên tầu VNTT. Trại này gồm 3 khu: A, B và C. Khu A là SQ, B là HSQ và C là binh lính cùng một số dân chính gồm phụ nữ, con nít. Cho đến tháng 4/1977 tại khu A chúng đã cho thanh lọc ra 120 người là những SQ cấp tá, SQ CTCT, SQ Cảnh Sát và An Ninh để chuyển ra trại Cải Tạo Trung Ương số 3 Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh do công an quản lý, đây là một nơi hoang vu rừng thiêng nước độc chỉ cách biên giới Lào-Việt khoảng 30 cây số. Đội 8 rau xanh của chúng tôi gồm anh Trụ, các SQ cấp tá các quân bình chủng đã về trên chiếc VNTT. Vì chiến tranh biên giới phiá Bắc với TC nên giữa năm 1978 chúng đã cho chuyển những trại giam ở biên giới về xáp nhập với chúng tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đã gặp lại các bạn ngày xưa. Cho đến tháng 7 năm 1980 thì chúng chuyển chúng tôi vào Nam trong đó có anh Trụ vào trại Gia Trung Kontum. Tôi đã không được chuyển vào Nam nhưng đến đầu năm 1981 thì tôi được thả về từ ngoài Bắc.
… Quả là một sự may mắn đã đến với tôi khi được trả tự do vào đúng lúc phong trào vượt biên đang lên cao điểm tại Sài Gòn. Tôi không thể ngờ cuộc đời hải nghiệp tưởng đã lùi vào dĩ vãng nay lại có dịp thi thố. Tôi đã bỏ hết công sức để điều nghiên chuyến ra khơi sắp tới. Do sự mầu nhiệm sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chiếc ghe chở 207 người của chúng tôi đã được thương thuyền Hoà Lan Nedlloyd Dejima vớt ngoài khơi Côn Sơn vào 9 am ngày July 3rd, 1981.
Riêng thuyền trưởng Trần Đình Trụ được thả năm 1988,. Ông phải trả giá bằng 13 năm tù khổ sai để được gặp vợ con. Ông và gia đình đến Hoa Kỳ vào ngày 12-12-1991 theo diện HO và định cư tại Dallas-Fort Worth tiểu bang Texas.
Kinh qua hồi ký vừa kể ở trên, quả mỗi người đều có một số phận cho riêng mình. Khi còn trong tù tôi nghĩ sẽ vùi thây nơi sương lam chướng khí. Vậy mà kỳ diệu thay tôi đã qua được, trong tù mãi 5 năm sau mới biết tin ở ngoài đang vượt biên như một ánh sáng cuối đường hầm từ đó tôi đã nuôi hy vọng để sống. Sau đó tôi và gia đình đã đến được bờ bến Tự Do như đã nói ở trên. Không riêng gì tôi mà sau này tôi đã gặp lại rất nhiều anh em của tầu VNTT tại Hoa Kỳ. Năm 2015 chúng tôi những người kém may mắn của chiếc tầu VNTT đã thực hiện một cuộc hội ngộ 40 năm tại nam CA quy tụ được gần 200 người.
Xin cảm ơn nước Mỹ đã hai lần cưu mang những anh em VNTT chúng tôi.
San Jose April 16th, 2019
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Tương Tín, Con Tầu Định Mệnh - Trần Đình Trụ.
- Các websites và bài viết về HHTT trên WWW.
- Phỏng vấn nhân chứng.