co bay CUỘC TRÙNG PHÙNG KỲ DIỆU

Minh Nguyên


Email liên lạc với tác giả: minhsn12@yahoo.com

Chiếc máy bay 4 động cơ DC-4 của hãng Hàng Không Việt Nam vừa đáp xuống phi trường An Thới lúc 12 giờ trưa ngày 28-4-1975, tất cả hành khách đều được thông báo phi trường Tân Sơn Nhất vừa bị oanh kích trước đó mấy phút bằng 2 phi cơ phản lực của Không Đoàn 1 từ Đà Nẳng. Phi trường đang ở trong tình trạng thiết quân luật 24/24, có nghĩa rằng tạm thời không một máy bay dân sự nào được đáp xuống và cất cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất. Viên phi công trưởng Đại Hàn đi bên cạnh Mạnh, nét mặt lo lắng, bèn hỏi chàng có can gì không. Mạnh trả lời an ủi ông ta, có lẽ tạm thời thiết quân luật, nhưng sau đó sẽ trở lại bình thường và ông ta có thể bay về lại Sài Gòn. Tuy nói với ông ta như thế, nhưng thực sự chàng đã linh cảm Sài Gòn đang ở vào giờ thứ 25 rồi, chưa chắc mình còn có cơ hội trở lại. Nhớ lại hồi sáng nay khi vào phi trường Tân Sơn Nhất, ngay hai bên cổng chính nhiều xe hơi dân sự do những người chạy bỏ lại từ mấy ngày trước đã bị tháo mất từng bộ phận như bánh xe, cánh cửa, radio v.v..., còn chăng là một bộ xương sườn trông thật tan thương! Vào đến phòng đợi của phi trường thì thấy gương mặt từng hành khách lại càng thảm não, giống như sắp đưa một người thân sang bên kia thế giới...

Có lẽ Mạnh được sao quả tạ chiếu mạng, nên chẳng bao giờ được thảnh thơi, song suốt. Trước đó một tháng, ngày 30-3-1975 khi Nha Trang bỏ trống để chờ Cọng sản vào, chàng và bà xã đã chạy trối chết từ Nha Trang vào được Sài Gòn, tưởng từ nay chắc sẽ được yên thân đôi chút, nhưng chàng đã lầm. Đang học lớp Tham mưu cao cấp ở Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc Sài Gòn (TTHL/BT/SG) lè phè, bỗng nhiên đầu tháng tư 1975, Đại tá Trọng lúc đó là Chỉ Huy Trưởng TTHL/BT/SG cho biết tất cả lớp học sẽ được biệt phái sang Bộ Xã Hội để làm công tác cứu trợ tại Vùng 4 Duyên Hải (V4/DH) do Đại Tá Thanh làm Tư Lệnh. Tưởng cũng nên nhắc lại vào thời điểm đó các tỉnh ở miền Trung từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh cho đến Phan Rang, Phan Thiết đều đã bỏ ngỏ cho VC đến tiếp thu, theo chiến thuật "đầu to đít teo" của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, chứ chẳng có đánh đấm gì. Do đó hàng trăm ngàn người đã đổ vào Sài Gòn lánh nạn, vì có tin đồn rằng T.T. Thiệu sẽ dâng cho VC phần đất cằn cỗi miền Trung từ vĩ tuyến 17 cho đến Phan Thiết, còn tất cả quân dân miền Nam sẽ cố thủ cho đến giọt máu cuối cùng từ Phan Thiết trở vào, và Phan Thiết xem như vùng trái độn. Chính phủ Trần Thiện Khiêm sợ rằng số dân di tản từ miền Trung đổ về mỗi ngày quá đông không thể kiểm soát được về cả hai phương diện an ninh và dân sinh, nên đã ra lệnh cho Phó Thû Tướng Xã hội kiêm Khẩn hoang lập ấp, Bác sï Phan quang Đán, lo việc định cư cho những người này ở quận An Thới trên đảo Phú Quốc. Đợt đầu tiên nhận được Công vụ lệnh của Bộ Xã hội gồm 7 sĩ quan trong đó có Mạnh và Trung tá Bích. Ngày 7-4-1975, Mạnh lại khăn gói quả mướp trình diện Tư lệnh V4/DH bằng phương tiện nhanh nhất là Hàng Không Việt Nam. Ở đây Mạnh gặp được thêm hai người bạn cùng khóa là Quế và Tấn, Quế giữ chức vụ Trưởng kho các phẩm vật cứu trợ, còn Mạnh và Tấn là những nhân viên cứu trợ. Ban ngày họ có bổn phận giúp đỡ các đông bào ở trại tị nạn cách Bộ chỉ huy độ vài cây số, ban đêm về họp với Tư lệnh V4/DH , Tư lệnh phó là Trung tá Mai, Căn cứ trưởng V4/DH kiêm Trại trưởng trại tị nạn là Trung tá Hậu, và một số sĩ quan đại diện Bộ binh thuộc chi khu Phú Quốc, để nêu những nhu cầu, trở ngại và nhận chỉ thị mới từ Tư lệnh. Cái khó khăn nhất của họ là phải dùng ba tất lưỡi để an ủi và giải thích cho đồng bào yên tâm tạm cư ở đây, sau này có dịp sẽ trở về Sài Gòn, mặc dầu chính sách của chính phủ là muốn định cư tất cả mấy chục ngàn dân tị nạn ở trên phần đất biệt lập này. Đa số đồng bào tị nạn không muốn ở đây, dầu là tạm trú đi nữa vì thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, trong lúc ở Sài Gòn họ có bà con có thể giúp đỡ dễ dàng. Mỗi tuần căn cứ tị nạn An Thới đón hàng ngàn người từ miền Trung đổ về do các chiến hạm của HQVN hay các thương thuyền Hoa Kỳ chở đến. Có những cảnh "tiền trảm hậu tấu" ngay trên bãi biển An Thới do Tư lệnh V4/DH ra lệnh xử tử các tội nhân cả nam lẫn nữ, vì bị chỉ điểm là ăn cắp hay hiếp dâm trên tàu. Trong mình các người này dấu đầy vàng bạc, châu báu và tiền mặt, đây là bằng chứng hùng hồn để họ bị xử bắn mà không cần xét xử. Có hôm vị Tư lệnh đã cho các nhân viên thấy trong buổi họp một số tang vật như vàng, dollars và đồng hồ đắt tiền tịch thu từ các tử tội này và nói như sau: "Đây là những vật hôi tanh mùi máu, tôi sẽ làm biên bản và phúc trình về Bộ Tư Lệnh Hải Quân để giải quyết". Nghe thì nghe vậy, chứ không một ai trong buổi họp có ý kiến gì kể cả các sï quan cao cấp trong Bộ Tham Mưu. Mỗi tuần, hàng chục chuyến bay C-130 chở phẩm vật cứu trợ từ các nước Đồng minh như Mỹ, Pháp, Úc và Anh đáp xuống phi trường An Thới rầm rộ, do đó Quế hầu như bận rộn suốt ngày. Mạnh và các bạn cùng khóa chỉ gặp mặt nhau trong các buổi họp ban tối hay trong trại tị nạn, nhưng chưa bao giờ có thì giờ ngồi nhậu nhẹt lai rai như hồi còn ở Sài Gòn. Đời sống ban ngày trong trại tị nạn chẳng có gì vui, ngoài cái nóng, bụi bặm và ồn ào. Mỗi ngày họ phải nghe những lời than vãn và khiếu nại của đồng bào xin được trở về đất liền để đoàn tụ với bà con riết rồi cũng quen. Đêm về chẳng có gì giải trí, ngay cả cái radio để nghe tin tức hàng ngày cũng không có, bạn bè mỗi đứa ở một nơi, thành thử chẳng có ai để tâm sự. Mạnh cùng với Trung tá Bích ở chung một trailer gần Bộ chỉ huy, tất cả vợ con của họ đều ở Sài Gòn, nên họ thường đi ngủ sớm để ngày mai còn đủ sức lên trại tị nạn. Trung tá Bích cũng người Huế như Mạnh, ăn nói nhỏ nhẹ, tánh tình hiền từ, nên rất hợp với Mạnh. Chàng tự nghĩ mình vẫn còn may mắn nên mới có được một người bạn tốt ở cùng phòng trong thời gian công tác xa gia đình không biết ngày nào mới được về thăm vợ con đây.

Sau gần một tháng biệt phái công tác Dân sự vụ tại An Thới, Mạnh chẳng nhận được thư từ của gia đình ở Sài Gòn cũng như chẳng theo dõi tin tức chiến sự hằng ngày. Chàng thật sự lo lắng cho sự an nguy của vợ con, nên chiều hôm đó Mạnh về hơi sớm và vào phòng truyền tin của Bộ chỉ huy V4/DH xin liên lạc thẳng về V3/DH để hỏi thăm tin tức tình hình Sài Gòn. Mạnh được người anh đang làm Chỉ huy trưởng Hải đội 3 Duyên phòng cho biết tình hình càng ngày càng tồi tệ không thể lường được, số người bỏ nước ra đi bằng đường tòa Đại sứ Mỹ càng lúc càng đông và anh khuyên vợ con Mạnh nên ra tạm trú ở Vũng Tàu ngay, nếu có gì may ra anh còn có thể giúp đỡ. Lòng Mạnh nóng như lửa đốt, một mặt chàng viết vài hàng dặn vợ con hãy ở lại Sài Gòn chờ chàng về và nhờ một vị Dược sĩ đi công tác Sài Gòn đem thư đến tận nhà, mặt khác chàng làm đơn xin phép Tư lệnh về thăm gia đình để thu xếp công việc từ 26/4 đến 28/4/75. Rất may lúc đó có một toán thứ hai gồm các sĩ quan từ Sài Gòn ra An Thới để tăng cường cho trại tị nạn, nên Tư lệnh sẵn sàng cho những sĩ quan đợt đầu như Mạnh, Trung tá Bích và cùng một số anh em khác được về thăm gia đình trong 2 ngày. Về Sài Gòn, Mạnh chỉ đủ thì giờ xin ông bà gia cho phép đem vợ con ra Phú Quốc với lý do thời thế lộn xộn nên chồng đâu thì vợ đó. Đồng thời chàng dặn vợ đến Bô Y Tế xin phép nghỉ vài tuần để thăm chồng ở xa, riêng chàng lên Bộ Xã Hội xin phương tiện di chuyển bằng Hàng Không Việt Nam. Tất cả đúng như Mạnh đã dự trù: 12 giờ trưa ngày 28/4/75 chàng cùng vợ đang mang bầu cháu thứ hai độ vài tháng và đứa con trai đầu mới lên ba đặt chân xuống phi trường An Thới như đã nói trên, chàng cảm thấy lòng nhẹ nhỏm và hạnh phúc chưa từng có trong đời, với ý nghĩ nếu sau này có mệnh hệ nào mà phải chết chung thì cũng sướng lắm rồi! Trung tá Bích trở về lại An Thới với đầy đủ vợ con và thêm mấy người em vợ, đông nhìều hơn gia đình Mạnh, nên hai người đã tách ra tạm trú ở hai trailer khác nhau.

Mạnh tiếp tục lên trại tị nạn làm việc hàng ngày, xem như không có chuyện gì xảy ra, ban đêm về với vợ con trong trailer chật chội, nóng bức nhưng lại cảm thấy âm áp, hạnh phúc và an toàn hơn mấy ngày trước đây ở Sài Gòn với đầy đủ tiện nghi bên gia đình vợ. Vợ Mạnh lần đầu tiên phải xa gia đình, tiếp xúc cuộc sống dã chiến, nhưng không môt lời than vãn, tình yêu quả kỳ diệu thật! Đêm 29-4-75 sau khi họp ở Bộ chi huy và không nghe Tư lệnh V4/DH chỉ thị nào cả, Mạnh về phòng mệt quá nên đi ngủ sớm chẳng biết trời đất là gì. Sáng sớm dậy sửa soạn đi làm việc như thường lệ, bỗng vợ chàng hỏi:

- Không biết khuya hôm qua đã có gì xảy ra khác thường, vì em nghe tiếng chân người chạy, tiếng máy tàu nổ và đèn phare từ tàu rọi vào bờ, anh có nghe thấy gì không? - Anh xin lỗi ngủ mê nên không biết gì hết, nhưng nếu có biến cố gì xảy ra, anh nghĩ Tư lệnh sẽ thông báo cho tất cả nhân viên dưới quyền biết. Em và con yên tâm đi, nếu có chuyện gì anh sẽ về ngay. Hiện giờ trên trại tị nạn, đồng bào đang cần anh giúp đỡ.

Mạnh cố gắng trả lời cho vợ yên tâm, rồi chàng vội vàng đội mũ ra đi . . .

Sáng sớm ngày 30-4-1975 chàng lên trại tị nạn, nhưng đầu óc vẫn còn quay cuồng vì câu hỏi của vợ. Chàng chưa bao giờ thấy mình bất lực như lúc này: mang danh là một sĩ quan Hải quân, nhưng trên tay không có một tấc vũ khí để tự vệ khi cần, dưới tay không có ai giúp đỡ, không có một phương tiện nào hết kể cả cái radio để theo dõi tin tức hằng ngày. Chàng như người sĩ quan hải hành trong đêm tối mà không có hải đồ, la bàn, radar và cả máy truyền tin để liên lạc. Đến khoảng hơn 10 giờ sáng, tất cả anh em được lệnh tập họp về Bộ chỉ huy để nghe Tư lệnh ban chỉ thị khẩn cấp. Như vậy những điều vợ chàng nghe đêm qua có lẽ đúng rồi! Chàng tự trách mình vô tâm và tự nhủ lần sau nên cẩn thận hơn. Khi Mạnh trở về Bộ chỉ huy thì phòng hội đã chật ních các sĩ quan và đoàn viên. Đại tá Tư lệnh nói vắn tắt vài lời:

- Sáng nay lúc 10 giờ, Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đã ra lệnh cho tất cả quân nhân các cấp phải bỏ súng xuống và đầu hàng quân Cộng sản Bắc Việt. Đến giờ phút này xem như tôi không còn chỉ huy V4/DH nữa, các anh em tùy tiện về với gia đình và muốn đi đâu tùy ý. Riêng tôi sẽ đi tìm tự do ở một nơi nào đó. Anh em nào còn thắc mắc nữa không? Nếu không, chúng ta sẽ giải tán và tự do vận chuyển.

Cả hội trường nhốn nháo độ vài phút rồi im bặt, chẳng ai buồn đặt câu hỏi, có lẽ họ đã đánh hơi từ đêm hôm qua. Mọi người rời phòng hội như đàn ong vỡ tổ mà không biết con ong Chúa đang ở đâu, mặc dầu vị Tư lệnh vẫn còn sờ sờ ngồi đó. Giữa tiếng rú của xe hơi, xe gắn máy, đoàn người hỗn độn chạy tứ tán như đàn gà, đàn vịt bị người ta săn bắt để đem ra chợ bán hay cắt tiết làm thịt. Ngoài cầu tàu, tất cả chiến hạm biệt phái đều hụ còi nhiệm sở tách bến, mỗi chiếc là một ông vua nhỏ không còn theo lệnh ai nữa. Mà lệnh của ai bây giờ? Chính vị Đại tá Tư lệnh chưa bao giờ tiết lộ ông sẽ đi tìm tự do ở đâu và bằng phương tiện nào đây? Dưới tay ông ta đã từng có hàng ngàn sĩ quan và đoàn viên, một số chiến hạm biệt phái tuần dương trong vùng, thế mà ông tuyên bố khơi khơi: "Các anh em muốn đi đâu tùy ý, riêng tôi sẽ đi tìm tự do ở một nơi nào đó". Đi đâu tùy ý, nhưng bằng phương cách nào đây trên một hòn đảo "chó ăn đá gà ăn muối" như thế này? Mạnh tự hỏi và bước đi như cái xác không hồn! Về đến trailer tạm trú, chàng thấy vợ đứng đón, mặt mày tái xanh, vừa khóc và vừa nói với giọng run run:

- Mấy anh lính bảo... sao bà không chạy đi... mà còn chờ... đợi... gì nữa... trể lắm rồi!

Chàng trấn an vợ, mặc dầu chưa biết sẽ chạy đi đâu bây giờ:

- Em hãy bình tỉnh, cố gắng thu xếp một ít quần áo cho em và con, mì gói và nước uống bỏ vào xách tay bằng vải vì có khi cần đến, rồi mình sẽ tính sau.

Trong lúc Mạnh giúp vợ sửa soạn các thức cần thiết, đầu óc chàng xoay quanh câu hỏi: đi đâu bây giờ ? . Chưa bao giờ chàng nghĩ chuyện phải bỏ nước ra đi, nên câu hỏi trên đã đến với chàng thật bất ngờ như tiếng sét giáng vào đầu. Chàng hiểu rõ thân phận của một sĩ quan biệt phái, dưới tay không có nhân viên, không có quyền, không có một chút phương tiện nào cả. Chàng như kẻ "ăn nhờ ở đậu", dầu muốn chạy cũng khó kiếm cách nào để chạy. Nhưng nếu ở lại đây thì sẽ nhận lãnh những hậu quả như thế nào?

Chàng là dân du học Mỹ mới về nước gần hai năm, chắc chắn bọn chúng sẽ không tha và có thể kết tội chàng theo CIA Mỹ ngụy để giết toàn bộ gia đình mà không sợ báo chí quốc tế nhòm ngó, vì thật sự làm gì có cái thứ báo chí đó ở trên hòn đảo nhỏ bé này . Chàng chết một mình thì cũng đành, vì là kẻ thù của chúng, nhưng còn bắt vợ và con chàng chết theo thì oan và tội nghiệp quá! Mạnh đang bước đến con đường cùng rồi, không còn lựa chọn nào khác ngoài cái chết đang chờ đợi...

Người xưa vẫn thường nói: "cùng tắc biến, biến tắc thông", vậy biến thế nào đây?. Một ý nghĩ chợt thoáng nhanh qua đầu chàng: "đã ăn nhờ ở đậu, tại sao không sang Căn cứ Hải quân Yểm trợ của Trung tá Cơ khí Thao, một sĩ quan đàn anh mà chàng chưa hề quen biết, dầu sao còn nước thì còn tát!" Khi vợ chàng sửa soạn xong đồ đạt, chàng đưa gia đình qua Căn cứ Yểm trợ gần đó độ vài trăm mét. Trung tá Thao cùng vợ con và một số sĩ quan, nhân viên khoảng mười mấy người đang bình tỉnh ăn cơm trưa như chẳng có chuyện gì trọng đại xảy ra, bên cạnh còn một người Mỹ ăn mặc dân sự không có vẻ gì là một sĩ quan cả. Gia đình bé nhỏ của Mạnh vẫn kiên nhẫn ngồi nhìn gia đình Trung tá Thao ăn cơm một cách ngon lành và thoải mái, mặc dầu chàng biết vợ con mình hiện đang đói meo vì từ sáng đến trưa chưa có một hột cơm vào bụng, nhưng không còn cách nào khác hơn là giữ thái độ của kẻ " ăn nhờ ở đậu".

Cuối cùng thì tiệc cũng tan, và dưới cầu tàu đã thấy một chiếc LCM8 nổ máy sẵn sàng, lúc đó khoảng 1 giờ chiều ngày 30-4-75. Tất cả gia đình vị Chỉ huy trưởng Căn cứ Yểm trợ có lẽ đã chuẫn bị hành lý từ mấy ngày trước, vì người nào cũng tay xách samsonite lớn như sắp đi du lịch nước ngoài, từ từ xuống cầu tàu để lên LCM8, một loại tàu đổ bộ nhỏ. Người Mỹ to lớn đi trước dẫn đầu, gia đình Mạnh lặng lẽ đi theo sau cùng. Chiếc LCM8 vừa tách bến độ năm phút lại cập vào cầu Tư lệnh V4/DH, toàn bộ gia đình của Tư lệnh, cũng trang bị samsonite nặng ký chẳng kém gia đình Trung tá Thao, vừa chuyển lên xong thì tàu lại tách bến ra khơi. Tàu chạy độ 20 phút, xa xa đã thấy một thương thuyền lớn màu đỏ sậm loại cargo đang neo như chờ đợi ai. Khi đến gần mới biết đó là thương thuyền Mỹ tên Challenger, đã có nhiều người từ các tàu nhỏ và ghe đậu quanh một chiếc xà lan lớn, đang chờ để được bốc lên tàu bằng hệ thống cần trục, vì boong tàu buôn quá cao. Lính Thủy quân lục chiến Mỹ giúp đỡ đưa từng toán vài người kèm theo hành lý vào lưới bọc hàng đặt trên xà lan, rồi từ đó cần trục sẽ câu lên boong thương thuyền. Người Mỹ hướng dẫn đã được bốc lên trước, sau đó gia đình Trung tá Thao, kế đến sẽ là gia đình của Đại tá Tư lệnh, nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió. Biển lúc đó bắt đầu động mạnh, nên việc câu người và đồ vật lên rất khó khăn, chậm chạp. Thêm vào gia đình nào cũng muốn được bốc lên sớm cho chắc ăn và số người từ trong bờ đổ ra bằng ghe mỗi lúc một đông nên gây ra cảnh dành giựt hỗn độn và kinh hoàng không thể tả, có lẽ còn khũng khiếp gấp mấy lần cảnh di tản khi tàu Titanic bị chìm. Mạnh đã chứng kiến một vị Linh mục trẻ leo được lên tàu bằng thang dây, sau đó đã bắt loa xuống kêu gọi đồng bào một cách đầy tự tin:

- Xin đồng bào bình tỉnh, hãy nhường cho đàn bà và con nít lên tàu trước, sau đó đến quí vị nam giới, tàu hứa sẽ bốc hết tất cả, quí vị đừng lo!

Lời nói của vị Chủ chiên xem ra chẳng có hiệu nghiệm mấy, bởi vì bản tính của đồng bào mình là " ăn chắc mặc bền" trước đã, dù ai muốn nói gì mặc kệ. Gia đình vị Tư lệnh cũng cố gắng chen lên để được bốc sớm như mọi người, nhưng vì nhiều hành lý samsonite cồng kềnh và nặng nề, nên đành bó tay đầu hàng. Mạnh thấy họ bắt đầu rút lui và nhảy lên tàu nhỏ PCF của Hải quân Việt Nam, sau này nghe nói một chiến hạm biệt phái đã đón gia đình của vị Tư lệnh V4/DH đưa sang Singapore, rồi cuối cùng mới đến Guam. Có vị con cái đã lớn, nhưng tìm cách ẵm một em bé cûa ai đó để được Mỹ bốc lên tàu sớm. Vợ Mạnh bụng bầu, một tay cầm cháu nhỏ, tay kia xách bị áo quần, nên được một quân nhân Thủy quân lục chiến đỡ lên xà lan rồi được bốc lên tàu. Chàng nhìn theo vợ con mà ứa nước mắt, không biết vì mừng hay vì tủi thân. Nếu chàng như những người khác chỉ cần bồng con là được ưu tiên lên tàu sớm, nhưng lương tâm và tư cách của một sĩ quan hải quân đã không cho phép chàng làm như vậy, vì biết các bà mẹ già và các em bé còn cần sự săn sóc hơn chàng nhiều. Mạnh đứng đó mà hầu như mất hết cảm giác, lòng dửng dưng chẳng biết muốn gì nữa. Cảnh dành giựt chen lấn để được lên tàu Challenger kéo dài đến khoảng 6 giờ chiều, bỗng từ trong bờ một chiếc ghe chở một số người vận bà ba đen trang bị súng trường và đại liên tiến ra chiếc thương thuyền không rõ với mục đích gì. Tàu Mỹ bắt đầu báo động, thuyền trưởng ra lệnh kéo neo và cắt dây khỏi xà lan. Chiếc LCM8 lúc rời cầu Tư lệnh ban chiều chỉ chở độ 15-20 người, bây giờ đã có thêm vài trăm người đứng chới với nhìn thân nhân mình ở trên tàu Mỹ đang cao chạy xa bay vì sợ tấm thảm kịch trên tàu Miller ở Đà Nẳng có thể tái diễn. Họ đứng đó như trời trồng, miệng méo xệch, muốn nói mà không thốt ra lời. Chắc chắn thế nào cũng có một số vị hối hận vì lỡ dại nghe lời vị Linh mục hứa tàu sẽ bốc hết mọi người, nên không tranh dành lên trước, mặc dầu không phải lỗi của vị Linh mục.

Chiếc tàu LCM8 bị cắt dây, nên cứ lềnh bềnh trôi trên sóng vì hai máy đều bất khiển dụng. Lý do không rõ tại sao, nhưng người Hạ sĩ quan lái ban chiều không còn nữa, có thể anh ta đã lên được tàu Mỹ, cũng có thể anh ta đã theo vị Tư lệnh. Mọi người trên tàu cảm thấy quá mệt mỏi sau một ngày vật lộn nên không còn ồn ào như mấy phút trước đây, mỗi người thu mình ở một xó tàu và theo đuổi ý nghĩ riêng tư. Phần Mạnh thấy khát nước kinh khũng, cổ họng đắng chát, mấy chai nước mang theo cũng không còn, có lẽ đã rơi hết xuống biển trong lúc chen lấn. May thay lúc đó một anh hải quân đồng cảnh ngộ xuống hầm máy lấy ít nước đem lên cho Mạnh cùng nhấm nháp, một cử chỉ thật đầy tình người. Bụng đói cồn cào vì trưa nay chưa ăn chút gì, chàng lục lạo khắp người may ra tìm ít mì gói đã lận trong áo trước khi rời trailer tạm trú, nhưng cũng như mò cua đáy biển. Đêm nay trăng trên biển thật sáng, nhưng chẳng ai còn lòng dạ để ngắm trăng. Tàu vẫn trôi bềnh bồng về hướng Bắc đảo Phú Quốc, sóng đã dịu bớt hơn ban chiều, lúc đó khoảng 10 giờ đêm. Chàng suy nghĩ miên man: Với hướng gió và sóng này thì sáng sớm mai tàu sẽ đến Bắc đảo, đây là chiến khu của Việt Cọng. Rốt cuộc rồi cũng bị chúng bắt, hay chết đói, chết khát trên biển, phải chăng cuộc đời mình sẽ chấm dứt tại đây? Mạnh đề nghị với một số anh em hải quân còn lại, mượn đèn bấm của ai có trên tàu và xuống hầm máy thử tìm cách khởi động, vô lý ngồi chờ chết! Nói là làm, các anh xuống ngay hầm máy nhờ mượn được đèn của một đồng bào cẩn thận mang theo phòng khi tối lửa tắt đèn. Sau độ 10 phút, chàng nghe tiếng máy nổ vang lên làm cả tàu như vừa bị đánh thức sau một giấc ngủ dài. Tất cả mọi người đều reo lên vui vẻ như vừa thoát khỏi cảnh địa ngục. Anh em hải quân cho biết chỉ còn một máy khiển dụng và nước biển đang từ từ vào hầm máy. Anh lái tàu hỏi: Bây giờ quí vị muốn đi đâu? Mọi người nhao nhao cho ý kiến, người đề nghị đi Thái Lan, kẻ đề nghị sang Cambodge, riêng Mạnh đề nghị hãy trở về An Thới trước rồi hạ hồi phân giải vì ai cũng đói và khát nên cần kiếm thực phẩm cùng nước uống cho cuộc hành trình dài, ngoài ra còn phải sửa chữa tàu trước khi ra khơi lại. Đa số đồng ý trở về An Thới, nên tàu chuyển hướng vào bờ.

Chiếc LCM8 cập cầu Căn cứ Yểm trợ V4/DH khoảng 1 giờ sáng ngày 1-5-75. Một vài nhân viên Hải quân ở trần đi lang thang hóng mát trên cầu tàu, lá cờ vàng ba sọc đỏ còn bay phất phới trên kỳ đài Căn cứ. Vừa rời khỏi tàu, người đầu tiên Mạnh gặp là Trung tá Hậu, Căn cứ trưởng Hải quân kiêm Trại trưởng Trại tị nạn An Thới. Trung tá còn là bạn cùng khóa với anh của chàng, ông nói với Mạnh như muốn trút hết tâm sự từ mấy ngày qua mà không có ai đề thổ lộ:

- Ê Mạnh, mấy ngày hôm nay tao kẹt quá! Nhân viên Căn cứ cho biết nếu tao đi thì chúng sẽ bắn vì tao là sĩ quan thâm niên hiện diện, trong khi đó bà xã cũng dọa nếu tao không đi, bà sẽ dùng súng M16 bắn các con rồi tự tử theo luôn. Tao đang ở trên đe dưới búa, hiện giờ chẳng còn phương tiện nào cả. Vậy mày định đi lại nữa không?

- Anh yên chí ! Chúng ta còn chiếc LCM8 này. Đầu tiên nhờ anh cho nhân viên xuống sửa hai máy và làm sao đừng cho nước biển vào hầm máy. Sau đó chúng ta sẽ khởi hành càng sớm càng tốt.

Mạnh vẫn thường gọi bạn của ông anh bằng "anh" mặc dầu họ trước chàng đến mấy khóa. Lời nói của chàng như cởi tấm lòng Trung tá Hậu, ông liền nói:

- Mày khỏi lo điều đó. Ngoài ra tao đã liên lạc được với Trung tá Nhu, Hạm trưởng Dương vận hạm HQ 505, sẽ đón chúng ta. - Anh cho biết ngày giờ và điểm hẹn, chúng ta sẽ đến đó. Bây giờ tôi phải kiếm cái gì ăn, cả ngày chưa có hột cơm trong bụng!

Trước khi rời cầu, Mạnh không quên mời đồng bào xuống tàu cho đỡ tù túng vì tàu đang sửa chữa nên không thể chạy được, nhưng chẳng một ai hưởng ứng. Kinh nghiệm chiều hôm qua đã dạy họ không còn tin ai nữa ở giờ phút thứ 25, do đó không nên rời tàu lúc này là phải, chàng thông cảm với họ. Vào phòng ăn sĩ quan của Căn cứ chàng gặp ngay người bạn cùng khóa đang ngồi mặt mày buồn xo. Mạnh hỏi bạn có muốn đi không thì được trả lời bằng cái lắc đầu. Bạn Mạnh là một trong những sĩ quan ra An Thới chưa đầy tuần lễ, và còn kẹt gia đình ở Sài Gòn, nên lòng nào mà ra đi một mình! Mạnh tôn trọng sự im lặng của bạn bè, không hỏi thêm lời nào nữa, đến tủ lạnh tìm kiếm vài thức ăn nhét vào cho đầy bụng, sau đó tìm gặp Trung tá Hậu để biết rõ thêm tình hình. Anh cho biết 8 giờ sáng hôm nay sẽ có lễ bàn giao Căn cứ cho một Trung sï hải quân đang là nhân viên của anh mang quân hàm cấp tá của VC, do đó việc Mạnh đem tàu về thật đúng lúc. Anh muốn ra đi trước lễ bàn giao cho VC. Khoảng 3 giờ sáng, anh thông báo tàu đã sửa chữa xong, và Hạm trưởng HQ505 hứa sẽ đón gia đình anh lúc 5 giờ 30 sáng gần hòn An Đông. Mạnh giúp đưa gia đình Trung tá Hậu xuống tàu nhập chung với số đồng bào còn kẹt từ chiều hôm qua, tổng số trên dưới 250 người, ngoài ra không thấy có thêm sĩ quan hay đoàn viên nào muốn đi theo nữa, chàng cho tàu khởi hành ngay trước khi trời sáng.

Lúc gần 5 giờ 30 sáng, Trung tá Hậu liên lạc được với HQ505, hiện đang chờ tại điểm hẹn. Hạm trưởng yêu cầu chiếc LCM8 của Mạnh không được tiến gần, ngừng máy cách xa Dương vận hạm vài trăm yards, chiến hạm sẽ đưa thuyền đến đón. Tàu Mạnh tắt máy đợi, thì một thuyền nhỏ từ HQ505 cập vào chỉ đón gia đình Trung tá Hậu rồi trở về, không một người nào trên LCM8 được phép lên thuyền. Tất cả những người còn lại trên tàu linh cảm Hạm trưởng HQ505 không muốn bốc họ vì một lý do nào đó. Kinh nghiệm đau thương chiều hôm qua còn nhức nhối, làm sao quên được! Mạnh bất chấp lệnh Hạm Trưởng, yêu cầu nhân viên lái chiếc LCM8 đến cập bên hông HQ505 và cho tất cả đồng bào nhảy lên boong Dương vận hạm trong chớp nhoáng. Lúc đó gia đình Trung tá Hậu vẫn chưa lên được vì thuyền thấp nên phải leo thang dây rất chậm mới lên được sàn tàu. Sau khi chuyển xong hành lý gia đình Trung tá thì trời vừa sáng, giờ phút này những người kém may mắn ngày hôm qua mới thở phào nhẹ nhõm vì biết mình còn có hy vọng thấy mặt vợ con hay thân nhân đang ở trên thương thuyền Challenger. Mạnh lên đài chỉ huy gặp Hạm trưởng, được biết sự thật: Ông chỉ có ý định đón gia đình Trung tá Hậu, đàn anh của Hạm trưởng và cũng là hàng xóm trong cư xá Hải quân Cữu Long bên Thị Nghè, ông không muốn đón thêm bất cứ người nào nữa vì chiến hạm đã có mấy trăm người quá giang và dự định đi Pháp nên sẽ không đủ thực phẩm và nước ngọt. Ông cho biết thêm Dương vận hạm HQ505 là chiếc cuối cùng trong hải đội rời Sài Gòn. Thật hú vía cho Mạnh và những người kẹt lại trên chiếc LCM8 ngày hôm qua! Bây giờ ông đổi ý, sẽ nhập vào hải đội di tản cûa Hải quân VN để đến Subic Bay, Phi Luật Tân, chứ không đi Pháp như dự định ban đầu. Ông ra lệnh cho bất cứ sï quan và đoàn viên nào muốn trở về với gia đình, hãy xuống chiếc LCM8 cûa Mạnh để lại, đồng thời gom góp được một số tiền VN khá lớn của đồng bào quá giang đem phân phát cho họ làm lộ phí. Một số mười mấy anh em HQ505 quyết định trở về đoàn tụ với gia đình, như thế người ra đi và kẻ ở lại đều không ân hận.

Dương vận hạm HQ505 trực chỉ Subic Bay, trước khi vào hải phận quốc tế đã được một chiến hạm loại tiếp tế của Hạm đội 7 Hoa Kỳ tiếp tế dầu nhớt và thực phẩm đầy đủ. Khi hai tàu vào vị trí song hàng, Mạnh nhận ra một vị sĩ quan bên chiến hạm Hoa Kỳ đang đứng điều khiển việc tiếp tế, anh ta là bạn cùng lớp với Mạnh khi học chương trình cao học về Mechanical Engineering tại trường Đại học Naval Postgraduate School ở Monterey, California. Anh ta cũng nhận ra Mạnh, nên hai người chào nhau bằng cách đưa tay lên vẫy. Lớp của Mạnh ra trường tháng 6/1973, rồi mỗi người đi một ngả, nay gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như thế này thật là hy hữu, làm sao chàng không mừng! Mạnh lấy ra mấy ngàn bạc VN loại tờ 500 đồng mới toanh còn lại trong túi áo gửi sang tặng anh bạn để làm kỷ niệm, vì nghĩ có giữ lại cũng vô dụng thôi. Sau đó anh bạn gửi qua Mạnh một phong bì nhỏ dặn cất đi. Khi về phòng Mạnh mở ra thấy một lá thư viết vội vài hàng chúc chàng may mắn trong cuộc sống mới kèm theo tờ bạc 100 Mỹ kim. Chàng hết sức ngạc nhiên và cảm động vì sự giúp đỡ bất ngờ của người bạn học cũ, chàng biết đối với một sĩ quan Mỹ trên tàu thì số tiền mặt này khá lớn. Ở đời có những điều mình không biết trước được, trong cái rủi vẫn có cái may, vẫn còn niềm vui. Khi lên HQ505 chàng nghĩ mình sẽ giống như tất cả những khách quá giang khác trên chiến hạm, nghĩa là không hưởng một đặc ân nào. Thế nhưng khi gặp lại một vài sĩ quan chiến hạm thuộc khóa đàn em mà chàng đã từng huấn luyện họ ở quân trường Nha Trang, các anh đã đối xử với chàng đầy tình nghĩa thầy trò lúc chàng thất thế. Chàng được tạm trú trong carré sĩ quan cũng như được cung cấp phần ăn mỗi bữa, điều mà chàng sẽ không bao giờ quên. đây là cái may mắn thứ hai đến với Mạnh trong thời gian di tản trên Dương vận hạm HQ505. Chàng muốn viết ra đây để tri ân các bạn đó. Tàu tiếp tục hải hành theo hải đội di tản, bỏ lại đàng sau nước Việt thân yêu xa dần. Ban ngày trời nắng trong xanh, biển êm như mặt hồ thu. Mạnh thường lên sân thượng một mình sau đài chỉ huy mặt hướng về đất Mẹ để nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong đời hải nghiệp mà nay chỉ còn là mây khói. Ban đêm trăng đại dương đẹp lồng lộng soi rõ hai vệt nước đàng sau lái tàu, giờ này không biết vợ con chàng đang ở đâu, lênh đênh trên biển hay đã vào đất liển? Vợ chàng chưa bao giờ xa nhà một mình trên đất lạ, nhất là với bụng bầu và con dại, không ai quen biết thì làm sao xoay xở đây? Chàng cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm độ trì cho vợ con được bình yên... Qua chiều ngày thứ tư, tàu đến vịnh Subic, một căn cứ của Hải quân Mỹ tại Phi Luật Tân không xa lạ đối với Mạnh vì chàng đã có dịp ghé thăm khi thực tập trên chiến hạm thuộc Đệ thất hạm đội năm 1964 . Lúc tàu tiến vào vịnh, một sĩ quan Hải quân Mỹ lên tàu yêu cầu Hạm trưởng hạ quốc kỳ Việt Nam xuống. Tất cả mọi người trên boong tàu tự động đứng dậy nghiêm chỉnh hướng về quốc kỳ và cùng hát bài quốc ca Việt Nam trong nước mắt nghẹn ngào, khi lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ hạ xuống. Đồng bào ý thức rằng đây là lần cuối cùng được nhìn thấy tổ quốc thân yêu của mình, không biết bao giờ có ngày trở lại. Sau đó lá cờ Hoa Kỳ được kéo lên cột cờ, và Hạm trưởng trao quyền chỉ huy cho vị sĩ quan Mỹ, đến đây xem như thủ tục trả lại chiến hạm cho Hoa Kỳ đã hoàn tất. Khi tàu cập bến, Mạnh theo đoàn người lần lượt rời Dương vận hạm HQ505 và qua các thủ tục giấy tờ nhập cảnh, cuối cùng được đưa lên một thương thuyền lớn của Mỹ, loại chở hàng hóa để khởi hành đi Guam ngay tối hôm đó.

Chỗ tạm trú của họ là những hầm chứa hàng rộng rãi trên thương thuyền. Mỗi gia đình cố gắng tìm một chỗ để yên thân, không còn nghĩ đến sự khác biệt về gia cảnh hay cấp bậc này nọ, vì bây giờ tất cả đều là dân tị nạn chính trị. Khi đoàn người trên HQ505 lên thương thuyền, hầm nào cũng đầy người từ các tàu khác. Sinh hoạt của họ đều ở dưới hầm tàu, chỉ khi cần lãnh thức ăn, nước uống, hít thở chút không khí hay đi vệ sinh thì mới lên boong chính. Mỗi khoang tàu cử vài đại diện đi lãnh phần ăn rồi về phát lại cho từng gia đình. Mạnh tình nguyện làm việc này vì không bận thê nhi. Phòng vệ sinh dã chiến được đóng bằng vài tấm gỗ sơ sài và gắn trên boong chính đưa ra ngoài hai bên hông tàu. Những người sợ cao độ và hay chóng mặt khó thể xử dụng loại nhà vệ sinh này, nhất là khi tàu đang chạy với tốc độ từ 15 đến 20 hải lý một giờ. Gió thổi phần phật như muốn tạt mình xuống biển mà nhà cầu thì cứ rung lên. Phần ăn cho mỗi người là một ration C của các quân nhân Mỹ thường dùng khi tham chiến ở Việt Nam gồm có: thịt hay cá hộp, bánh ngọt, kẹo chocolat hay chewing gum, thuốc lá và cà-phê, thỉnh thoảng có thêm trái cây tươi như táo và cam v.v... Nhờ đi phân phát thực phẩm, Mạnh biết được một số sĩ quan đàn anh như Đại tá Khương, cựu Chỉ huy trưởng TTHL/HQ/NT và một số bạn bè cùng khóa như Bảo và Lộc hiện đang tạm trú trên tàu. Nhìn ông bà cựu Đại tá ngồi thu mình vào một góc hầm, vẻ mặt buồn xo, lòng Mạnh không khỏi ái ngại khi phát khẩu phần cho gia đình vị niên trưởng. Mạnh vẫn không quên ơn vị niên trưởng này trong thời gian chàng dạy tại Trường SQHQ/NT năm 1969-1970. Trước khi du học Hoa Kỳ độ vài tháng, Mạnh quyết định cưới vợ và xin phép vị Chỉ huy trưởng tổ chức tiệc cưới tại quân trường vào ngày 31-3-1970. Đại tá Khương đã vui vẻ chấp thuận và còn cho ban nhạc của khóa 19/SVSQ giúp vui trong đêm đó. Chàng đã mời ông bà Chỉ huy trưởng ra khai mạc dạ vũ để mừng vợ chồng chàng. Mặc dầu dặn lòng đừng say đêm nay, nhưng rốt cuộc Mạnh vẫn bị gục ngã sau khi đưa bà xã về đến cư xá, chỉ vì không thể từ chối ly rượu chúc mừng của vị niên trưởng và các bạn bè. Mỗi sáng sớm tinh sương, bộ ba Bảo, Lộc và Mạnh lên boong tàu ngồi hút thuốc vừa nhâm nhi chút cà phê dã chiến, kể lại cho nhau nghe những gì đã xảy ra ở đơn vị mình trong giờ phút thứ 25. Lộc là người kém may mắn nhất vì bà xã và bé gái còn kẹt lại Sài Gòn, anh ra đi theo đơn vị ở tận Cát Lái nên không kịp liên lạc với gia đình mà lòng thì nặng trĩu. Mạnh và Bảo chỉ biết an ủi Lộc và khuyên anh sang Mỹ trước đã rồi hãy tính chuyện cứu vợ con sau, vì tình hình Việt Nam lúc đó tranh tối tranh sáng, không thể tin CSVN được. Mạnh còn may mắn hơn Lộc vì biết chắc vợ con đã lên được tàu Mỹ, nhưng cũng hơi buồn vì không biết giờ này vợ con chàng đang ở đâu, Guam, Wake hay California?

Gần một tuần hải hành trong thời tiết thuận tiện, cuối cùng chiếc thương thuyền đã cập bến Guam trong sự chờ đợi nôn nóng của mọi người để được lên bờ hít thở không khí tự do càng sớm càng tốt. Sau khi thông qua các thủ tục giấy tờ, họ được đưa đến trại Orote Point bằng xe bus cách đó vài chục dặm. Đây là trại được thành lập trước ngày Sài Gòn mất để đón những người Việt tị nạn đầu tiên, lúc đó khoảng vài trăm người làm việc cho các cơ quan Hoa Kỳ được đưa sang Guam bằng máy bay. Trại gồm các lều vải quân đội đóng trên một khu đất rộng gần bờ biển, mỗi lều có thể chứa độ 20 người. Lúc Mạnh đến đã có hàng ngàn người Việt tị nạn đang sống ở đó. Sau khi cất hành lý vào lều, chuyện đầu tiên Mạnh phải làm là đến Bộ chỉ huy trại để dò hỏi tin tức gia đình. Chàng cung cấp tên tàu cùng tên tuổi vợ con và yêu cầu họ cho biết tàu đã đến Guam chưa, đến ngày nào và hiện gia đình chàng ở đâu? Sau hơn nửa giờ chờ đợi, họ nói chỉ biết tàu đã đến Guam hơn một tuần nay, nhưng không biết vợ con chàng còn ở trại này hay đã dời sang trại khác để chờ sang Mỹ, vì người tị nạn ra vào mỗi ngày quá đông nên họ không nắm vững tình hình. Mạnh vội chạy sang khu Hồng Thập Tự quốc tế với hy vọng họ có danh sách cập nhật những ngày trước đây. Sau những giờ phút chờ đợi dài bằng cả thế kỷ, vì đây là niềm hy vọng cuối cùng có thể tìm ra dấu vết vợ con chàng, họ trả lời không khác gì Bộ chỉ huy trại và đoán có thể gia đình chàng đã sang California. Nếu điều này đúng thì lại càng khó khăn hơn cho Mạnh trong việc tìm kiếm thân nhân. Lòng đầy thất vọng và buồn vô hạn, chàng chẳng biết trách ai bây giờ mà chỉ trách cho số phận đầy trắc trở của mình. Chàng đi lang thang từ lều này sang lều khác, hỏi thăm những người đến trước may ra tìm thấy bóng dáng vợ con, dầu biết hy vọng rất mong manh vì có cả mấy trăm lều trên một khu rộng mênh mông. Đến đâu chàng cũng hỏi, nhưng đều được trả lời bằng cái lắc đầu, họ nhìn chàng đầy vẻ thương hại nhưng chẳng giúp được gì. Chàng vừa đi vừa niệm thầm danh hiệu "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát", qua không biết bao nhiêu lều trại, nên lòng đã thanh thản trở lại. Vì đi bộ nhiều quá nên bắt đầu tức tiểu, chàng bèn tìm nhà vệ sinh dã chiến hầu giải quyết "bầu tâm sự" để rồi còn tiếp tục việc tìm kiếm vợ con. May quá khu vệ sinh đây rồi! Có khoảng 10 nhà vệ sinh đặt rải rác hai bên lối đi, mùi a-mô-nhắc khai nồng khó chịu. Vì nhu cầu thúc bách, chàng chọn ngay một cái không có người xử dụng và sắp mở cửa thì một hàng chữ viết nguệch ngoạc bằng than màu đen trên cao đập vào mắt chàng: "Tìm anh Lê văn Mạnh, khóa Đệ I Song Ngư. Kim Cúc và con hiện ở lều số 13". Mạnh tưởng mình đang nằm mơ, nên đọc đi đọc lại hàng chữ trên nhiều lần cho chắc ăn 100%. Khi tin chắc đó là nét chữ do bà xã viết, chàng ba chân bốn cẳng chạy đi tìm lều số 13 và quên việc phải xổ "bầu tâm sự". Thật oái oăm thay! Lều số 13 gần cạnh Bộ chỉ huy, nhưng vài giờ trước chàng hỏi thì chẳng ai biết vợ con chàng ở đâu. Chàng bước vào lều lúc buổi trưa nên vắng lặng như tờ, có lẽ giờ này mọi người đang bận sắp hàng lãnh phần ăn. Mạnh thấy đứa bé trai độ 3 tuổi mặc áo T-shirt rằn sọc xanh nước biển, đầu đội mũ thủy thủ màu trắng, ngồi xây lưng về phía chàng và đang chơi một mình trước lều. Nhìn dáng dấp, Mạnh biết ngay em là đứa con yêu quý của mình, nên chàng nhẹ nhàng đến ôm chầm lấy bé từ phía sau lưng để gây cho bé một sự bất ngờ. Em ngỡ ngàng quay lại nhìn Mạnh râu ria xồm xoàm, chưa nhận ra ai đây mà sao mỉm cười thân mật với mình, nhưng một phút sau em ôm chặc lấy cổ Mạnh vừa reo lên:

- Ba!!! Ba đã về, Má!!!

Vợ chàng nghe tiếng con vội vàng bước ra, vừa đúng lúc chàng bồng con vào lều, nàng chạy đến ôm chầm lấy Mạnh nói trong nước mắt nghẹn ngào:

- Anh!!!

- Em!!!

Chàng và nàng bốn mắt nhìn nhau không nói nên lời, nhưng nụ cười rạng rỡ nở trên môi đã nói lên biết bao hạnh phúc tưởng đã mất nay tìm lại được. Niềm vui vỡ oà trong sự vắng lặng của buổi trưa hè, hình như chỉ dành cho sự trùng phùng kỳ diệu của gia đình Mạnh nên không có bất cứ người nào ở cùng lều lúc đó chứng kiến hay chia sẻ. Ngoài kia sóng biển rì rào như chung vui cùng ba người hạnh phúc nhất đời... Đâu đây văng vẳng tiếng thơ tán thán Mẹ hiền Bồ Tát Quán Thế Âm:

Biển động tiếng triều vọng Phổ Môn, (1)
Chín hoa sen trắng hiện hài đồng.
Cành dương một giọt mưa cam lộ,
Gieo rắc mùa Xuân khắp núi sông.

MINH NGUYÊN
Kỷ niệm tháng Tư buồn



(1) Phẩm Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về hạnh nguyện của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Tác giả tạm dịch từ bài thi tán nguyên văn bằng chữ Hán:

Hải chấn triều âm thuyết Phổ Môn,
Cửu liên hoa lý hiện đồng chơn.
Dương chi nhất đích chân cam lộ,
Tán tác sơn hà đại địa Xuân.


Trở Về ---> Chuyện Liên Quan

Trở về --->

logo chien ham

Free Web Hosting