co bay CHIẾN HẠM HQ/VNCH RA KHƠI
Những Chuyện Đáng Ghi

(Số Độc Giả: )
logo ham truong logo chien ham logo ham truong

Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử - Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả: email camtran11@gmail.com

Hải Đồ Thủy Lộ Sông Lòng Tào

Hải Đồ HO 3150

 


Bản Đồ Tham Khảo: Quân Cảng Sài Gòn - Sông Lòng Tào - Phương Vị Chiến Hạm Ra Khơi
Bài Đọc Thêm:Lược Sử Quân Cảng Sài Gòn - Thủy Lộ Sông Lòng Tào - Phương Vị Chiến Hạm Ra Khơi

 

Vào thời điểm tháng 4-1975 sau khi phòng tuyến Phan Rang và Xuân Lộc bị tan vỡ, nhiều sư đoàn Cộng quân đã có mặt quanh Sài Gòn thắt chặt vòng vây. Tình hình chiến sự bi quan đến độ ngay đối với những quan sát viên lạc quan nhất, việc Sài Gòn thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian rất gần. Nhưng trong lúc tình thế hỗn loạn, các quân binh chủng khác đã bị thiệt hại khá nặng, chỉ riêng Hải Quân tương đối vẫn còn đầy đủ sức mạnh cũng như tinh thần chiến đấu vững chắc. Ngoài biển, hạm đội vẫn hoàn toàn làm chủ hải phận, tiếp tục trợ giúp đắc lực quân binh chủng bạn; trong sông, các giang đoàn còn giữ vững những thủy lộ huyết mạch, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình quân sự nguy kịch như chỉ mành treo chuông, lại thêm áp lực chính trị vì tin đồn đảo chánh, Hải Quân cần có cấp chỉ huy mới để đáp ứng với đòi hỏi của tình thế. Tân Tư Lệnh trước hết phải là người đáng tin cậy để phòng ngừa đảo chánh, đồng thời đủ khả năng và uy tín điều động các đơn vị dưới quyền bảo toàn chủ lực, thi hành bất cứ nhiệm vụ nào có thể được trao phó trong tương lai. Lúc đó, Phó Đô Đốc (PĐĐ - cấp tướng 3 sao) Chung Tấn Cang là người duy nhất hội đủ các điều kiện cần thiết này.

chung tan cang Ngày 24 tháng 3 năm 1975 PĐĐ Cang được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định làm Tư Lệnh Hải Quân, thay thế Đề Đốc (cấp tướng 2 sao) Lâm Ngươn Tánh. Sự kiện một tướng lãnh được coi như rất gần gũi với Tổng Thống Thiệu, gấp rút trở về chỉ huy Hải Quân không phải là chuyện tình cờ, mà coi như được ủy thác nhận lãnh trách vụ chống đảo chánh, đồng thời bảo toàn chủ lực Hải Quân, bước đầu chuẩn bị cho kế hoạch chiến đấu lâu dài trong trường hợp thủ đô Sài Gòn thất thủ.

Lễ bàn giao và nhậm chức và tân Tư Lệnh diễn ra đơn giản và gấp rút vào buổi trưa cùng ngày, ngay trong văn phòng Tư Lệnh trên lầu hai của tòa nhà Bộ Tư Lệnh trông xuống bến Bạch Đằng, với sự tham dự của một số Tư Lệnh Vùng. Trước đó, PĐĐ Cang giữ chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô; ông là một trong những tướng lãnh ủng hộ lập trường cứng rắn không thỏa hiệp với Việt Cộng của Tổng Thống. Có nguồn tin cho rằng nếu còn giữ chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, ông sẽ không ngần ngại ở lại Sài Gòn tử thủ.

Để đáp ứng với những biến cố bất lợi dồn dập và tình hình biến chuyển nhanh chóng, tân Tư Lệnh bắt tay ngay vào những việc phải làm. Chỉ vài ngày sau khi nhận quyền chỉ huy, ông đã thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm (LLĐN) 99 gồm nhiều giang đoàn thiện chiến do HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng (khóa 8 HQ/NT) làm tư lệnh. Đại Tá Dõng nổi tiếng về can đảm và mưu lược được thượng cấp tín nhiệm, thuộc cấp mến phục, lại có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong sông từ thời còn phục vụ trong Giang Lực. Lực lượng giang đĩnh hùng mạnh này hoạt động thường trực tại vùng sông Soài Rạp, Vàm Cỏ gần Long An có nhiệm vụ ưu tiên “chống đảo chánh”, đồng thời phòng thủ mặt Tây Nam thủ đô và bảo đảm an ninh tuyệt đối thủy lộ mấu chốt sông Lòng Tào là cửa ngõ đưa hạm đội ra biển. Sau này tại hải ngoại, PĐĐ Cang xác nhận:” Thành lập Lực-Lượng Đặc Nhiệm 99, giao cho Đại Tá Lê Hữu Dõng chỉ huy; với mục đích là, nếu có đảo chánh, lực lượng này sẽ hỗ trợ cho những lực lượng khác chống đảo chánh" (Trích Điệp Mỹ Linh).

Về mặt bảo toàn lực lượng, Hải Quân không thể để các chiến hạm nằm bất động trong bầu không khí đe dọa ngột ngạt của thủ đô như những kình ngư ép mình trong hồ cạn. Hạm đội phải được đưa ra khơi, trước hết để khỏi rơi vào tay Cộng quân, sau đó còn có thể hoạt động hữu hiệu trong tương lai, chẳng hạn như đưa chính phủ di tản về miền Tây tiếp tục chiến đấu, với Hải Quân là nỗ lực chính như dự tính sẵn có của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Sau khi thành lập LLĐN 99, Phó Đô Đốc Cang lập tức thảo kế hoạch bảo toàn tối đa tiềm lực hạm đội bằng cách đưa các chiến hạm ra biển thay vì tập trung tại Sài Gòn dễ bị phong tỏa nếu thủy lộ sông Lòng Tào bị cắt đứt. Ngoài biển, chiến hạm có rộng đường vùng vẫy, hoặc tập trung tại những nơi an toàn như Côn Sơn, Phú Quốc chờ biến chuyển mới hay về Miền Tây khi có lệnh. PĐĐ Cang nói: “Lúc đó tôi có ý định đưa gia đình binh sĩ Hải-Quân ra tạm trú tại Phú-Quốc để binh sĩ yên lòng trở lại miền Tây chiến đấu”(Trích Điệp Mỹ Linh). Những toan tính này khi trình bày với Tổng Thống Dương Văn Minh đều được hoàn toàn chấp thuận. Đô Đốc Cang cùng với bộ tham mưu từ lâu chủ trương không chấp nhận liên hiệp với Việt Cộng. Chung quanh ông là những tướng lãnh chống Cộng, không liên hiệp với Cộng Sản như Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí, Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú. Nhiều nguồn tin đáng tin cậy cho rằng nếu không có lệnh buông súng, một số lớn quân nhân các quân binh chủng sẽ về miền Tây tiếp tục chiến đấu.

Ngày 21-4, Tổng Thống Thiệu từ chức và sau đó rời VN ngày 25-4 cùng với cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đi Đài Bắc.

Trong lúc ráo riết chuẩn bị kế hoạch đưa chiến hạm ra khơi, đột nhiên xẩy ra một hay đổi quan trọng. Vào buổi chiều ngày 26-4, có công điện của thượng cấp chỉ định HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh/Hành Quân Biển thay thế HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn trong chức vụ Tư Lệnh Hạm Đội. Lệnh thượng cấp chỉ thị bàn giao chức vụ Tư Lệnh Hạm Đội trong vòng 24 giờ; vì vậy lễ bàn giao được cử hành ngay vào lúc chiều tối 26-4 giữa Đại Tá Sơn và Đại Tá Khuê, hai người bạn cùng khóa 4 Hải Quân/NT.

Ngày 28-4 Tổng Thống Dương Văn Minh nhậm chức. Vào hồi 5 giờ chiều cùng ngày, Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Tư Lệnh Phó Hải Quân thay thế TL/HQ vào Dinh Độc Lập họp khẩn. Trong cuộc gặp gỡ này, Tổng Thống Dương Văn Minh nói rõ để Hải Quân hoàn toàn tự quyết định về những dự tính trong tương lai; ông chỉ gửi theo các tướng Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Hữu Xuân và con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài. Như vậy, tuy không nói rõ, nhưng qua việc gửi gấm một số tướng lãnh thân cận, Tổng Thống Minh đã gián tiếp "khuyến khích" Hải Quân mau rời Sài Gòn trước khi quá trễ.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, cuối cùng lệnh di tản hạm đội được chính thức ban hành vào khoảng 2 giờ chiều ngày 29 tháng 4 tại Sài Gòn. Hạm đội dự trù sẽ ra khơi vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày và sẽ hoàn tất vào lúc 10 giờ đêm. Điểm hẹn là Côn Sơn. Thủy thủ đoàn được phép về nhà sắp xếp trong vòng 2 tiếng đồng hồ, có thể đem theo gia đình. Lúc này, quân đội VNCH vẫn còn chiến đấu nên mục đích của cuộc di tản là đưa tất cả những chiến hạm khiển dụng ra khỏi Sài Gòn để bảo toàn lực lượng, còn đi đâu, làm gì sẽ tùy thuộc vào tình hình và hoàn cảnh. Rút kinh nghiệm của những cuộc di tản trước đây từ Cao Nguyên, Miền Trung, Xuân Lộc v.v… “lực lượng” không chỉ đơn giản là binh sĩ và chiến cụ, mà còn thêm gia đình binh sĩ và cả thường dân. Những chiến hạm ra khơi, tới Côn Sơn phần lớn xuất phát từ Sài Gòn; tuy nhiên còn có nhiều chiếc khác đi từ Vũng Tàu, Phú Quốc, Cần Thơ và cả quần đảo Trường Sa.

Hầu như tất cả các chiến hạm khiển dụng đã an toàn ra khơi, mang theo tổng cộng gần 30,000 quân dân, một thành quả đáng kể vì kế hoạch đưa chiến hạm ra khơi tuy chỉ được soạn thảo gấp rút trong thời gian ngắn giữa tình thế khó khăn, đã hoàn tất tốt đẹp. Tuy nhiên, đây là một kế hoạch cuộc điều quân phức tạp trong tình thế khó khăn gồm nhiều chiến hạm nên cũng đã xảy ra lắm biến cố bất thường đáng ghi. Những trở ngại hoặc chuyển bất ngờ ngoài ý muốn không thể tránh, vì một kế hoạch dù hoàn hảo đến đâu trên giấy tờ, nhưng lúc thật sự thi hành thế nào cũng xảy ra nhiều bất trắc.

Sau đây là phần tường thuật lại một số biến cố đáng ghi nhớ trong chuyến ra khơi cuối cùng của Hạm Đội HQ/VNCH vào ngày 29-4-1975.

 

HQ 601: SOÁI HẠM NHỎ NHẤT

Theo dự trù, soái hạm HQ 1 Trần Hưng Đạo với cờ Tư Lệnh 3 sao trên kỳ đài sẽ đưa Tư Lệnh ra khơi. Nhưng tới giờ G, HQ 1 vẫn chưa sẵn sàng vì còn chờ Hạm Trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Địch Hùng (khóa 4 Brest) đi đón gia đình chưa về kịp. Trên tàu lúc đó đã có mặt Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh, cựu TL/HQ và Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu. Chờ mãi không thấy hạm trưởng Hùng về tầu, cuối cùng PĐĐ Châu ra lệnh HQ 1 tách bến, không đón được Đô Đốc Cang. Vì hạm trưởng vắng mặt nên HQ Trung Tá Nguyễn Duy Long tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Đà Lạt và khóa 13 SQHQ/NT được chỉ định tạm thời giữ quyền chỉ huy. Trung Tá Long là một hạm trưởng nhiều khả năng và kinh nghiệm đã chỉ huy nhiều chiến hạm chủ lực.

tran huong Về phần PĐĐ Cang, ông rời văn phòng Tư Lệnh xuống cầu tầu tại bến Bạch Đằng hồi 7 giờ tối. Lúc đó trên bến đã rất đông người gồm cả binh sĩ lẫn thường dân nên tình trạng hỗn độn mất an ninh và phần lớn các chiến hạm đã tách bến. TL và đoàn tùy tùng do HQ Trung Tá CK Trần Hương (Khóa 9 SQHQ/NT) cùng 5 cận vệ hướng dẫn tới cầu A, nơi còn hai Tuần Duyên Hạm HQ 611 Trường Sa cập vị trí 1 sát bờ và HQ 601 Tiên Mới ở vị trí 2 bên ngoài. Hai chiến hạm này mũi hướng hạ giòng trong tư thế sẵn ra khơi nhưng chưa vào nhiệm sở vận chuyển.

HQ 611 do HQ Đại Úy Phạm Quốc Nam thuộc tài nguyên Khóa 21 SQHQ, tốt nghiệp Khóa 2 Đặc Biệt SQHQ/NT) được chỉ định giữ quyền chỉ huy, thay thế hạm trưởng vắng mặt. Đại Úy Nam khi nhận được lệnh di tản đã về nhà đón gia đình nhưng gặp trở ngại chưa về tàu kịp. Do đó, khi TL/HQ xuống tầu không gặp hạm trưởng, ông và đoàn tùy tùng chuyển sang HQ 601 cập kế bên ngoài. Sau này, HQ 611 bị một số quân nhân binh chủng khác dùng vũ khí uy hiếp thủy thủ đoàn buộc phải tháo giây tách bến trong đêm, nhưng mới qua khỏi Khánh Hội thì chiến hạm bị vô nước ngập hầm máy và bị chìm. Sau 7 năm tù Việt Cộng, ra tù Đại Úy Nam đã lái một ghe nhỏ đưa gia đình và 89 thuyền nhân vượt Biển Đông đến bến bờ tự do bình an sau 2 ngày 3 đêm trên biển và định cư tại Hoa Kỳ.

Tuần Duyên Hạm HQ 601 Tiên Mới do HQ Đại Úy Trần Minh Chánh, con trai lớn của Đô Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân, làm hạm trưởng. Đại Úy Chánh xuất thân khóa 24 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, được chuyển sang Hải Quân, tốt nghiệp á khoa khóa 1 Đặc Biệt SQHQ/NT. Hạm phó là HQ Trung Úy Hà Tham khóa 25 VBQG Đà Lạt. Trong tháng 3 và tháng 4-1975, HQ 601 liên tục đảm nhiệm công tác tuần tiễu, yểm trợ và di tản tại các vùng duyên hải. Chiến hạm về Sài Gòn khoảng gần cuối tháng 4-1975 giữa lúc tình hình sôi động.

Ngày 27-4, Việt Cộng đã vào tới ven đô Sài Gòn; HQ 601 nhận lệnh yểm trợ hải pháo cho một tiểu đoàn nhảy dù giữ vững cầu Tân Cảng. Ngày 28-4, các thương thuyền ngoại quốc đã rời bến, Tân Cảng gần như bỏ ngỏ; dân chúng ùa vào hôi của trong các kho hàng Hoa Kỳ. HQ 601 được lệnh về cập cầu A vào buổi tối.

cau A Qua ngày hôm sau 29-4, dân chúng và binh sĩ đủ mọi quân binh chủng đã tràn ngập bến Bạch Đằng. Mặc dù quân cảnh Hải Quân đã lập rào ngăn cản, nhưng tình hình vẫn rất hỗn độn. Khoảng 1 giờ chiều, hạm trưởng Chánh cùng HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TL/HĐ đến tư dinh Đề Đốc hồi hưu Trần Văn Chơn tại đường Cường Để với mục đích mời di tản nhưng ông từ chối. Trước đó mấy ngày, Đề Đốc Chơn đã ra Vũng Tầu đón cha mẹ về để dự định cùng đi bằng phương tiện máy bay quân sự Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng ông đã quyết định ở lại vì gia đình không đành lòng từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Đại Tá Sơn thuật lại: ”Chiều ngày 29/4 tôi thân hành đến tư dinh mời ĐĐ Chơn di tản. Ông từ chối”. Biết không thể thuyết phục, Đại Tá Sơn ra về trước; còn Đại Úy Chánh sau phút giây bịn rịn từ giã gia đình, cũng xuống tầu vào lúc 2 giờ chiều để chu toàn trách nhiệm hạm trưởng nặng nề trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Bến Bạch Đằng vào lúc này rất hỗn độn mất an ninh, hạm trưởng Chánh ra lện HQ 601 vào nhiệm sở tác chiến.

Một lúc sau, khoảng 3-4 giờ chiều, Đại Tá Sơn và Đại Tá Châu Văn Tiên, Tỉnh Trưởng Gia Định đi trên một chiếc xuồng có Cảnh Sát Dã Chiến hộ tống, cập vào HQ 601 và được đưa lên tầu.

Khoảng 5 giờ chiều, HQ Đại Tá Đỗ Kiểm, Tham Mưu Phó Hành Quân đích thân ra lệnh cho chiến hạm tức tốc vận chuyển chuyển qua cập cầu Tư Lệnh kế cận. Nhưng khi đó, một số nhân viên còn bị kẹt tại các nút chặn chưa về kịp, chiến hạm chỉ còn có 10 người kể cả 3 sĩ quan, nhất là cơ khí viên chưa có mặt nên không thể rời cầu ngay được.

Khoảng 6 giờ chiều, đoàn tùy tùng của PĐĐ Tư Lệnh HQ Chung Tấn Cang xuống cầu A. Trước khi mời phái đoàn Tư Lệnh lên tầu, hạm trưởng Chánh đã khẩn cấp tập họp thủy thủ đoàn để giải thích ”Chúng ta có nhiệm vụ phải đưa Tư Lệnh đến nơi an toàn. Xin các anh em giúp tôi làm tròn bổn phận của người quân nhân đối với thượng cấp. Tôi hứa chắc với các anh em rằng chúng ta sẽ trở về rước gia đình tôi và gia đình các anh em”. Khi TL lên tầu, đã một số sĩ quan cao cấp Hải Quân và quân binh chủng khác trên đó. Vào thời điểm này, phần lớn những chiến hạm lớn đã rời cầu.

Khoảng 7 giờ tối, Sau khi Tư Lệnh đã lên tầu an toàn, hạm trưởng Chánh ra lệnh tách bến. Vì dân chúng và binh sĩ đang hỗn độn chen lấn mất an ninh trên cầu tầu nên chiến hạm phải chặt giây tách bến khẩn cấp, rời quân cảng Sài Gòn trực chỉ Vũng Tàu. Trong sông Sài Gòn, HQ 601 đã phải vất vả tránh nhiều tàu, ghe thuyền nhỏ trôi lềnh bềnh trên sông vì người đã bỏ đi. Hạm trưởng Chánh vận chuyển chiến hạm, TL ngồi trên ghế hạm trưởng. Trên đường ra khơi, có lúc TL hỏi hạm trưởng Chánh có phải là con của ĐĐ Chơn không và tại sao ĐĐ Chơn không đi. Hạm trưởng Chánh trình bày có gặp thân phụ, nhưng gia đình buồn bã, không nỡ rời bỏ quê hương. Ông cũng thưa rõ ý định sau khi đưa TL ra khơi lên tầu lớn an toàn, chiến hạm sẽ trở về để cố thuyết phục gia đình và đón thân nhân thủy thủ đoàn di tản.

Trong lúc giang hành trên sông Lòng Tào, chiến hạm nghe trên máy truyền tin lệnh của HQ Đại Tá Chiến Binh Nguyễn Văn Tấn, lấy danh nghĩa Quyền Tư Lệnh mới tại Sài Gòn chỉ thị các hạm đôi không được di tản nhưng chẳng có tầu nào quay về. HQ 601 ra tới Vũng Tàu an toàn vào hồi 2 giờ sáng ngày 30-4. TL chỉ thị tìm tầu lớn để chuyển qua, nhưng không chiếc nào cho cập. Cuối cùng, Đ/Đ Thủy phải yêu cầu bằng bạch văn mới được HQ 3 đồng ý.

Hạm trưởng Chánh đã hoàn tất lời hứa, đưa Tư Lệnh ra khơi rồi chuyển sang Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ 3 an toàn. HQ 3 do hạm trưởng HQ Trung Tá Nguyễn Kim Triệu chỉ huy. HQ 3 rời Sài Gòn lúc 7 giờ tối 29-4, trên chiến hạm có các Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng và Hoàng Cơ Minh. Với sự hiện diện của TL/HQ, Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật trở thành soái hạm trong suốt chuyến hải hành qua Subic Bay.

Trong số nhân viên cơ hữu của HQ 601 chỉ có duy nhất Hạ Sĩ vô tuyến Rớt và gia đình đi theo cùng lên HQ 3. Cho tới lúc này, hạm trưởng Chánh vẫn đinh ninh hạm đội chỉ di chuyển tới nơi an toàn như Côn Sơn hay Phú Quốc để tránh pháo kích. Đêm 29-4, HQ thả trôi ngoài khơi Vũng Tàu chờ sáng để quay về.

Rạng sáng ngày 30-4, khi đa số các chiến hạm rời Vũng Tàu tới điểm tập trung Côn Sơn, hạm trưởng Chánh cố tìm cách liên lạc với em ruột là HQ Thiếu Úy Trần Minh Trực, tốt nghiệp Học Viện HQ Hoa Kỳ Annapolis khóa 1974, đang phục vụ trên Tuần Dương Hạm HQ 5 Trần Bình Trọng do HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng, nhưng không thành công. Tuy nhiên, trong cái rủi còn có cái may, rất có thể nếu liên lạc được, Thiếu Úy Trực cũng sẽ theo HQ 601 quay về, rồi cùng vào tù với anh! Thiếu Úy Trực là người duy nhất trong gia đình Đô Đốc Chơn ra đi vào tháng 4-1975.

Hoàn tất công tác, khoảng 10 giờ sáng 30-4, hạm trưởng Chánh cùng với hạm phó Hà Tham và Thiếu Úy Thanh (Khóa 24 SQHQ/NT) đưa HQ 601 ngược giòng Lòng Tào quay lại Sài Gòn với ý định thuyết phục thân nhân và đón gia đình nhân viên ra Côn Sơn, chưa hề có ý niệm di tản sang Hoa Kỳ. Lúc đó ngoài khơi Vũng Tàu vắng lặng, đa số các chiến hạm đã lên đường tới điểm tập trung Côn Sơn như dự liệu.

Trên đường về, có thêm một chuyện đáng nói. Trong khi tầu bè đủ loại đổ xô ra biển, chỉ có HQ 601 ngược giòng, một số quân nhân bộ binh trên chiếc xuồng nhỏ xin quá giang về Sài Gòn và được chấp thuận. Chỉ mấy tháng sau, hạm trưởng Chánh gặp lại ông trưởng toán bộ binh là Đại Úy Trương Văn Quang trong trại tù Hóc Môn. Ông Đại Úy trách móc hạm trưởng Chánh nặng nề:“nếu không gặp anh thì tôi đâu đến nỗi này?"

Trong lúc giang hành, HQ 601 nghe được lệnh buông súng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Mọi người bàng hoàng sửng sốt, nước mắt đầm đìa, tâm thần giao động, phân vân với quyết định đi hay ở. Tình hình rất căng thẳng, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hạm trưởng Chánh với sự trợ giúp đắc lực của hạm phó Hà Tham trong giờ phút gay cấn nhất, đã tập họp nhân viên kể cả nhóm bộ binh trên tầu để lấy quyết định chung, muốn về Sài Gòn để đón thân nhân hay di tản? Mọi người đồng ý trở về. Hạm trưởng Chánh lấy tiền quĩ chia cho nhân viên để họ có phương tiện tìm gặp gia đình khi về tới Sài Gòn và hẹn giờ trở lại chiến hạm, tiếp tục di tản.

Nhưng mong ước đón gia đình thân nhân không thành. Khi HQ 601 vào tới Nhà Bè đã thấy vài chiến xa Việt Cộng trên bờ chĩa súng ra mặt sông. Chiến hạm từ từ vào tới thương cảng Sài Gòn thấy nhiều chiến xa địch hơn. Một chiến xa địch còn bắn vào HQ 601 nhưng không trúng. Khi vào tới quân cảng, hạm trưởng Chánh bước ra khỏi đài chỉ huy quan thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ trên kỳ đài không còn nữa. Sài Gòn đã hoàn toàn vị Việt Cộng chiếm cứ!

HQ 601 vào cập cầu C mũi thượng giòng, cạnh Tạm Trú Hạm 9051. Hạm trưởng Chánh ra lệnh tháo “lỗ lù” (valve de coque) để nước ngập làm chìm tầu. Ông vẫn mặc quân phục xanh, không lon, không mũ đi bộ về nhà cách đó không xa trên đường Cường Để. Mấy tên Việt Cộng mang dép râu đội nón cối trắng, quần xanh, áo trắng xọc xanh, từ trên bờ ào xuống tầu vơ vét hôi của. Gia đình vui mừng đoàn tụ chưa được bao lâu, đã lại vương sầu chia ly vì Đô Đốc Chơn và hạm trưởng Chánh đều vào tù Việt Cộng, cha 12 năm, con 7 năm.

Sau này tại ngoại quốc. khi được hỏi về những quyết định của hạm trưởng Chánh, ĐĐ Chơn hãnh diện cho biết: ”Thời gian đó, Đại-Úy Chánh là Hạm-Trưởng HQ 601. Hôm 29 tháng 4 Chánh đưa Đô Đốc Chung Tấn Cang, Đô Đốc Diệp Quang Thủy cùng gia đình của hai vị này từ Bộ-Tư Lệnh Hải Quân ra chiến hạm lớn đang hoạt động ngoài khơi Vũng Tàu. Hôm sau, Chánh đưa chiến hạm xuyên qua vùng bị địch chiếm, trở về Saigon, với ý định rước tôi và gia đình ra khơi… Lòng trung hiếu của Chánh làm tôi hãnh diện vô cùng. Và hành động của thủy thủ đoàn HQ 601 đã chứng tỏ Hải-Quân V.N.C.H. đã rèn luyện được tinh thần Vô Úy mãnh liệt trong hàng ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ” (Trích Hải Quân VNCH Ra Khơi của Điệp Mỹ Linh).

Nhìn chung, trong ngày hạm đội rời Sài Gòn vào cuối tháng tư đen, nhiều chiến hạm ra khơi an toàn rất đáng ca ngợi. Riêng đặc biệt HQ 601 nhỏ nhất nhưng lại đảm nhiệm công tác "soái hạm" quan trọng và nặng nề nhất, đưa TL/HQ ra khơi. Trong hoàn cảnh vô cùng tế nhị và khó khăn, hạm trưởng HQ 601 đã hoàn tất chu đáo nhiệm vụ, rồi sau đó mới quay tầu trở về, ở lại với cha già, đúng là “trung hiếu vẹn toàn”. Ông đã thể hiện tinh tinh thần Kỷ Luật, Danh Dự và Trách Nhiệm ở mức độ cao nhất.

HQ 601 "Tiên Mới" tuy nhỏ, nhưng HQ Đại Úy Trần Minh Chánh xứng đáng được coi như vị hạm trưởng có tầm vóc “lớn” trong đêm hạm đội ra khơi.

 

HQ 801: KHÔNG BỎ ANH EM

<img align="LEFT" height="80" data-cke-saved-src="../hqpict/ba.jpg" src="../hqpict/ba.jpg" width="90" "=""> Tin Buồn: Chúng tôi vừa nhận được tin buồn: cựu Hạm Trưởng HQ 801 Giuse NGUYỄN PHÚ BÁ Khóa 11 SQ/HQNT "Đệ Nhất Bảo Bình", sau thời gian dài bạo bệnh vừa ra đi lúc 1 giờ trưa 24-04-2019 (Melbourne time) tại nhà dưỡng lão Footscray, Melbourne, hưởng thọ 79 tuổi. (Trần Đỗ Cẩm thông báo - Austin TX April 24-2019)

Yểm Trợ Hạm Cần Thơ HQ 801 nguyên là Dương Vận Hạm USS Garrett County (LST 786) của Hải Quân Hoa Kỳ. Trong chiến tranh Việt Nam, chiến hạm được biến cải thành Yểm Trợ Hạm (AGP – Auxiliary General Purpose) đặc biệt dùng cho chiến trường Việt Nam để sửa chữa và tu bổ các chiến đĩnh trong sông cũng như duyên hải. Chiến hạm được chuyển giao cho HQ/VNCH ngày 23 tháng 4 năm 1971. Cùng loại với HQ 801 còn có HQ 800 Mỹ-Tho (USS Harnett County - LST 821) chuyển giao ngày 12 tháng 10 năm 1970. Riêng Cơ Xưởng Hạm (ARL – Auxiliary Repair Ship Landing) HQ 802 Vĩnh-Long (USS Satyr - LST 852) chuyển giao ngày 15 tháng 10 năm 1971 thực sự là một cơ xưởng nổi với máy chánh mạnh hơn, thêm nhiều cần trục và máy móc kỹ nghệ thủ công như máy tiện, khoan, bào, cán, uốn, xưởng hàn, xưởng điện tử, xưởng mộc v.v... nên có khả năng sửa chữa cao nhưng lại nặng nề hơn loại Yểm Trợ Hạm.

Hạm Trưởng HQ 801 là HQ Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá xuất thân khóa 11 SQHQ/NT. Ông là một trong số rất ít sĩ quan Hải Quân xuất sắc với nhiều kinh nghiệm trong quân ngũ cũng như ngoài hàng hải thương thuyền. Ông đã chỉ huy 7 chiến hạm (HQ 607, HQ 470, HQ 473, HQ 406, HQ 14, HQ 09 và HQ 801) và 3 thương thuyền (Tiền Phong, Đại Hải và Thống Nhất). Hạm Phó của HQ 801 là HQ Thiếu Tá Nguyễn Lương Thuật (Khóa 16 SQHQ/NT) chưa tân đáo. Trong năm 1974, HQ 801 đã hoạt động liên tục và hữu hiệu, hoàn tất nhiều công tác khó khăn nên được chọn làm chiến hạm xuất sắc của Hải Đội Chuyển Vận do HQ Trung Tá Lê Thuần Phong (khóa 6 SQHQ/NT) làm Hải Đội Trưởng.

Vào những tháng 3 và 4 năm 1975, HQ 801 rất bận rộn và công tác liên miên trong các cuộc di tản Miền Trung. Tối 26-3, HQ 801 được lệnh ủi bãi, đón Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến gồm 3 tiểu đoàn 3, 4, 5, TĐ2/PB, đại đội viễn thám và Sư Đoàn 1 Bộ Binh tại cửa Thuận An. Nhưng vì mực nước không đủ sâu nên chiến hạm không vào sát được bãi ủi. Khoảng cách từ bờ ra tầu còn quá xa, quân trên bờ không lội ra được. HQ 801 cố vào sát bãi biển hơn để đón quân, có lúc đã hầu như bị mắc cạn nhưng quân bạn vẫn không sao lên được, vì vậy công tác đành bỏ dở. Kinh nghiệm gỡ cạn và thất bại cay đắng này sẽ giúp hạm trưởng Bá về sau.

cau E Đêm 18-4, HQ 801 hoạt động sát bờ biển Phan Thiết tại Hòn Rơm gần Mũi Né đón được một số quân nhân thuộc Tiểu Khu Bình Thuận rồi về Vũng Tàu. Ngày 21-4, chiến hạm về Sài Gòn cặp cầu E trong Hải Quân Công Xưởng, vị trí 4 ngoài cùng. Trong lúc nghỉ bến, chiến hạm dự trữ lương thực và nước ngọt sẵn sàng di chuyển về nơi an toàn hay Vùng 4 để tiếp tục chiến đấu khi có lệnh.

Khoảng 2 giờ chiều ngày 29-4, hạm trưởng Bá lên BTL/Hạm Đội họp khẩn cấp. Lúc trở về tầu, ông cho biết được lệnh ra khơi, sau đó dùng LCVP cơ hữu về cư xá Văn Thánh gần trại Cửu Long đón gia đình. Lúc này càng về chiều dân chúng và binh sĩ càng đổ dồn về bến Bạch Đằng. Cùng cập cầu E ở vị trí 1 là HQ 4 đang đại kỳ không đi được; vị trí 2 là HQ 402 hai máy chánh bị hư chưa sửa xong, vị trí 3 là HQ 15 cũng đang đại kỳ, chỉ còn HQ 801 còn khả năng lên đường. Vì vậy dân chúng ùa xuống HQ 801 mỗi lúc càng đông, lên tới cả ngàn người.

Sau khi đón được gia đình, hạm trưởng Bá ra lệnh rời bến, trên tầu đã có HQ Trung Tá Lê Thuần Phong HĐT Hải Đội Chuyển Vận. HQ 801 chỉ còn một máy hữu khiển dụng, Máy tả chưa khởi động được vì bình điện chưa nạp đủ. Lúc này không còn sự trợ giúp của tầu giòng Ty Quân Cảng nên chiến hạm phải dùng LCVP cơ hữu để đẩy chiến hạm rời cầu. HQ Thiếu Úy Lê Thái Phúc khóa 25 SQHQ/NT ở nhiệm sở thả LCVP, các HQ Thiếu Úy Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Phong và Lê Đắc Khánh cùng khóa 25 ở trên tiểu đĩnh. Khi ra được tới sông lớn, vì khó vận chuyển nên chiếc LCVP vẫn chạy theo để chuẩn bị phụ giúp nếu cần; qua khỏi Ngã Ba Đèn Đỏ (hải lý 6 tính từ Sài Gòn), chiến hạm mới kéo LCVP lên tầu.

HQ 801 tuy chỉ còn một máy hữu, lại chạy nước xuôi nên rất khó lái, nhưng với kinh nghiệm giang hành dồi dào, hạm trưởng Bá vẫn chỉ huy chiến hạm xuôi giòng không trở ngại. Khi gần tới Mũi Đông (Coude de l’Est - hải lý 20) là cua quẹo hình chữ V gắt nhất của sông Lòng Tào, trên máy truyền tin và cả loa phóng thanh, HQ 801 nhận được lời yêu cầu trợ giúp của HQ 1 đang bị mắc cạn bên hữu ngạn (bờ Tây) sông Lòng Tào, đối diện với Mũi Đông. Lúc đó là 1 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đó, HQ 1 còn cập cầu B vị trí 1 nhưng hạm trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Địch Hùng (khóa 4 Trường Hải Quân Brest của Pháp) về nhà ở đường Trần Hoàng Quân đón gia đình chưa về kịp. Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, cựu TL/HQ ra lệnh cho HQ Trung Tá Nguyễn Duy Long chỉ huy chiến hạm tách bến; trên tầu còn có Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu. Trung Tá Long kể lại:” Các sĩ quan trên HQ 1 cho biết Hạm Trưởng HQ 1 đã rời tàu đi rước gia đình. Chờ mãi, hầu hết các chiến hạm đã rời bến mà ông HT vẫn chưa về tàu và chẳng có tin tức gì. Khi hầu hết các chiến hạm đã rời các cầu tàu mà HQ 1 vẫn còn nằm lẻ loi ở vị trí 1 cầu B. Thấy vậy, ĐĐ Tánh ra lệnh cho tôi vận chuyển chiến hạm ra đi, nếu chờ trễ nữa, tăng VC sẽ đến bến tàu ngăn cản việc di tản. Trên HQ 1 lúc nầy đầy người, chen chân không lọt, không biết bao nhiêu người, dưới phòng ngủ HSQ và thủy thủ cũng đầy người”.

Trung Tá Long cho biết trong lúc giang hành, chiến hạm không những chỉ còn một máy khiển dụng mà còn gặp thêm một số trở ngại kỹ thuật về máy điện khiến lái điện nhiều khi ngưng hoạt động phải đổi sang lái tay, Ông thuật lại:” Khi đi ngang thương cảng, phòng máy báo cáo máy điện bị xụp, tay lái không ăn, phải đổi sang lái tay. Sau đó máy điện chạy lại. Tàu ra đến Nhà Bè, máy điện lại xụp. Máy điện lại chạy. Tàu tiếp tục di chuyển”. Qua khỏi Nhà Bè (hải lý 11), tầu bắt đầu vào sông Lòng Tào. Từ đây cho tới Ngã Tư Bốn Tay (Les Quatre Bras – hải lý 28) là đoạn nguy hiểm nhất của sông Lòng Tào. Sông đã hẹp lại cạn khi nước ròng với nhiều khúc quanh gắt, các tầu lớn qua lại nhiều khi phải dùng cả máy chánh phụ giúp tay lái mới có thể qua được những cua quẹo khó khăn này. HQ 1 chỉ còn một máy, tay lái điện lúc có lúc không, lại chạy nước xuôi nên vận chuyển rất khó khăn.

Ban Do thuy lo Tuy với chiến hạm và thủy thủ đoàn xa lạ, lại phải giang hành ban đêm trong lúc tình hình gay go, nhưng dưới sự chỉ huy đầy kinh nghiệm và khéo léo của hạm trưởng Long, HQ 1 qua khỏi vùng nguy hiểm đầu tiên là Bãi Đá Hàn (Banc de Corail tại hải lý 16 an toàn. Nhưng không may chỉ 4 hải lý sau đó, HQ 1 bị mắc cạn tại khúc sông Coude de l'Est (hải lý 20). HQ lập tức dùng máy truyền tin và loa phóng thanh yêu cầu các chiến hạm bạn trợ giúp. Hạm trưởng Long cho biết:”Khi vừa qua khỏi “Coude de l’Est” thì máy điện lại xụp, chưa kịp đổi sang lái tay thì tàu từ từ lủi vào bờ phải rồi ủi vào bờ bên phải. Máy điện chạy lại, tôi cố gắng lùi tàu và làm vài vận chuyển nhưng tàu vẫn không nhúc nhích. Tôi kêu gọi các chiến hạm đi ngang nhờ phụ kéo HQ 1 ra nhưng họ không giúp, có lẽ vì tàu nào cũng chở đầy người …”. Một thường dân quá giang trên HQ 1 hồi tưởng tâm trạng lúc đó như sau: “Tôi nhớ giây phút dầu sôi lửa bỏng ấy tôi đi quá giang trên chiếc HQ-1 mà bụng đánh lô tô vái trời cao cho phép nhiệm màu ai nhảy ra cứu vớt chúng tôi, tôi ngồi trên boong tàu đếm từ con tàu đi qua số đếm của tôi, hơn 10 chiếc …”. Trường hợp HQ 1 liên tiếp bị mất điện có thể xảy ra, nhưng hơi hiếm vì mỗi khi hoạt động, bao giờ chiến hạm cũng ghép hai máy điện chạy song song. Nếu một máy bị xụp thì máy kia vẫn đủ sức cung cấp đủ điện lực cho những dụng cụ hải hành cần thiết như la bàn điện, tay lái, radar, hệ thống truyền tin v.v... Có thể HQ 1 không may cũng chỉ còn một máy điện khiển dụng.

Về phần HQ 801, sau nhiều lần tiếp xúc và phối kiểm, hạm trưởng Bá hiện sống ở Australia vẫn xác nhận ông rời cầu E trong Hải Quân Công Xưởng lúc 11 giờ 30 tối 29-4. Như vậy cho tới khi gặp HQ 1 mắc cạn tại hải lý 20 lúc 1 giờ 30 sáng hôm sau, HQ 801 loại Dương Vận Hạm cũng chỉ đi mất 2 tiếng đồng hồ, tức là vận tốc 10 gút (20/2=10) với 1 máy, nước xuôi. Một số sĩ quan cơ hữu trên HQ 801 nói đi lúc 9 giờ 30 tối “ngay sau khi hạm trưởng đón được gia đình lên tầu” tức là cho tới khi gặp HQ 1 mắc cạn tầu đã rời bến được 4 tiếng đồng hồ với vận tốc trung bình 5 gút. Trong bài phỏng vấn gần đây, một khách quá giang nói HQ 801 rời Sài Gòn lúc 8 giờ 30 tối. Tốc độ trung bình của loại Dương Vận Hạm với 2 máy chạy tốt là 10.5 gút (hải lý/giờ).

Khi đột nhiên nhận được tín hiệu S.O.S của HQ 1, chắc hạm trưởng Bá không khỏi phân vân, vì HQ 801 vẫn chỉ còn một máy, giang hành ban đêm, chở đầy ắp người, lại to lớn kềnh càng, sông hẹp, nước đang ròng thấp. Trong hòan cảnh dầu sôi lửa bỏng, tự giữ an toàn chính mình đã khó, tính gì đến chuyện giúp ai? Đây là phản ứng thông thường cũng như những chiến hạm khác lặng lẽ đã đi qua. Tuy nhiên chỉ thoáng sau phút suy tư ban đầu, Hạm Trưởng Bá đã tự mình quyết định quay tầu lại ngược giòng để trợ giúp, mặc dầu lúc đó HQ 801 đã đi quá HQ 1 khoảng 1.5 hải lý. HQ Thiếu Úy Đặng Tiến, một sĩ quan cơ hữu của HQ 801 thuật lại cảm nghĩ lúc bấy giờ: “Từng đoàn các chiến hạm lặng lẽ lướt qua một cách vô cảm. Tôi chợt nghĩ, mới hôm nào ở mặt trận Cà Ná các chiến hạm bạn liều chết tiến vào cứu HQ 503 dưới làn đạn pháo 100 ly trực xạ của Cộng quân hôm nay tại sao lại lạnh lùng? HQ 801 không vô cảm như vậy ,bởi vì trên đó còn có Hạm Trưởng Bá”. Quyết định không bỏ anh em này quả thật là một hành động can đảm chỉ có ở những Hạm Trưởng đề cao tinh thần Danh Dự và Trách Nhiệm, đồng thời tự tin vào khả năng của mình.

Quyết định quay tầu lại đã khó, thi hành cũng chẳng dễ dàng gì vì lòng sông hẹp, chiến hạm lớn. Chiều dài của HQ 1 và HQ 801 tương đương nhau, khoảng 100 m. Nhìn trên bản đồ, khoảng cách hai bên bờ sông tại Mũi Đông là 1369 ft hay 417 m, nhưng trừ đi bờ sông, mặt sông thực sự có nước chỉ rộng chừng 300 m. Với cao độ thủy triều trung bình 2 - 3 m, khi nước ròng, lạch sông để chiến hạm vận chuyển an toàn không bị cạn chỉ còn lại không quá 250 m hay 2.5 chiều dài của chiến hạm. Mũi Đông là cua quẹo gắt, chiến hạm lớn chỉ còn 1 máy, lại giang hành ban đêm nên HQ 1 bị mắc cạn không có gì lạ. Riêng đối với HQ 801 cũng chỉ còn 1 máy, phải vận chuyển quay mũi ngược lại thượng giòng 180 độ thật rất khó khăn. Không phải chỗ nào cũng quay tầu lại được mà thông thường phải chờ tới khúc sông rộng nước sâu mới có “điểm quay tầu”. Các hoa tiêu chuyên nghiệp lái thương thuyền một chân vịt nếu không có tầu giòng đẩy giúp thường phải dùng máy chánh phụ giúp tay lái khi qua lại trên sông Lòng Tào.

Vận chuyển trở ngược đầu đã rất gian nan, nhưng mới chỉ là giai đoạn đầu; lại gần được tầu bạn để trợ giúp còn gay cấn hơn. Thông thường chỉ cần chạy lại gần, quăng giây cột vào tầu bị nạn rồi kéo ra; nhưng vì lòng sông quá hẹp, nước đang ròng, HQ 1 bị bùn dẻo hút chặt nên phải tìm cách làm cho nhúc nhích mới kéo ra được. Như vậy, chỉ còn cách cập ngang hông theo thế ủi bãi song song, đòi hỏi chính xác vào đúng vị trí và nhẹ nhàng để đừng đụng bể hay xô lật tầu bạn. Đây là một vận chuyển không dễ làm đối với loại tầu đổ bộ mũi bằng, chỉ những hạm trưởng “sói biển” với nhiều kinh nghiệm xương máu mới đủ khả năng thi hành. Nhưng “trên HQ 801 có Hạm Trưởng Bá” như Thiếu Úy Đặng Tiến hãnh diện.

Ban Do thuy lo Trong các cuộc tiếp xúc mới đây nhất vào đầu năm 2019, hạm trưởng Nguyễn Phú Bá đã nhiều lần xác quyết chính ông là người duy nhất quyết định, chịu trách nhiệm và hoàn toàn chỉ huy HQ 801 cho tới khi tầu tới Côn Sơn. Ông cũng có nhã ý thuật lại chi tiết những vận chuyển khó khăn để “cập sát nách” HQ 1. Trước hết, khi chiến hạm quay lại vừa vượt qua khỏi lái HQ 1, ông cho thả neo lái rồi ra lệnh bẻ lái qua bên trái (tả hạm) để mũi tầu quay về hướng bờ Tây (hữu ngạn) nơi HQ 1 đang bị mắc cạn. Khi thấy mũi tàu cách bờ khoảng 200 yards, ông cho lệnh "thắng neo" để cuộn giây neo bằng xích sau lái không tuôn ra nữa và ngưng máy. Khi giây neo vừa căng, ông cho lệnh "khóa neo" để mũi tàu không tiến thêm vào bờ. Sau cùng HQ.801 ở vị trí nằm song song với HQ.1 phía trên nước và giòng nước thủy triều đang ròng đẩy con tầu từ từ trôi xuống tấp nhẹ vào hữu hạm HQ.1 với khoảng 2/3 chiều dài.

Khi hai chiến hạm buộc giây vào nhau xong, hạm trưởng Bá liên lạc máy truyền tin với HQ 1 yêu cầu cho chuyển bớt người quá giang sang HQ 801 để làm nhẹ tầu. Đây là kinh nghiệm xương máu ông đã học được khi vào đón Thủy Quân Lục Chiến tại cửa Thuận An trước đây không lâu. Một số lớn quân dân di tản ước lượng 500 người đã chuyển sang HQ.801 trong đó có Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu và vài tướng lãnh bộ binh như Trung Tướng Nguyễn Văn Là. Sau đó, hai chiến hạm cùng lùi máy rút ra. Lần đầu không thành công vì HQ 1 còn bị bùn dính chặt. Cả hai chiến hạm phải cho máy ngừng, rồi lại cho máy tiến và bẻ tay lái thật gắt để mũi tàu HQ 1 xê dịch qua lại. Buộc giây chắc chắn lại lần nữa, lùi lần thứ hai vẫn chưa thành công, rồi lập lại lần nữa cho máy tiến và bẻ lái để mũi HQ 1 nhúc nhích thêm. Lần lùi thứ ba mũi tàu HQ 1 mới từ từ rời khỏi bờ cạn và được kéo ra giữa sông. Nhờ máy kéo neo sau lái của HQ.801 rất mạnh đã giúp sức rất đắc lực kéo được tàu bạn ra giữa sông trong khi hai chiến hạm chỉ có một máy khiển dụng.

Về sau, một số người không biết rõ quyết định chuyển người là có dụng ý làm HQ 1 nhẹ bớt, tưởng rằng người trên HQ 1 ùa sang HQ 801 vì sợ bị bỏ rơi. Thời gian giúp HQ 1 gỡ cạn mất 2 tiếng đồng hồ. Từ đó, HQ 1 đi trước, HQ 801 chậm chạp rớt lại đàng sau. Cả hai chiến hạm tiếp tục ra tới Vũng Tàu vào sáng 30-4 không gặp thêm trở ngại. HQ Trung Úy CK Lê Đăng Bảo (khóa 21 SQHQ/NT) là Sĩ Quan Cơ Khí của HQ 801 sau nhiều nỗ lực, đã khởi động thêm được máy chánh tả; HQ 801 chạy đủ hai máy tới điểm hẹn Côn Sơn.

Trong Hải Quân cũng như ngoài dân sự, tầu bè đi lại trong sông bị mắc cạn là chuyện thường, mắc cạn thì gỡ cạn giống như thay bánh xe bể rồi tiếp tục lên đường. Nhưng trường hợp HQ 801 và HQ 1 có hơi khác. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, với một chiến hạm nặng nề, dài gần bằng phân nửa chiều rộng của lòng sông, lúc nước ròng, lại chỉ còn 1 máy, quyết định quay tầu trợ giúp tàu bạn không đơn giản và dễ dàng. Đây là là tinh thần “Danh Dự” và “Trách Nhiệm” được thể hiện với mức độ cao nhất. HQ 801 dưới quyền chỉ huy của Hạm Trưởng Nguyễn Phú Bá đã “Không Bỏ Anh Em” trong hoàn cảng nguy kịch nhất. HQ Thiếu Úy Đặng Tiến, một sĩ quan cơ hữu thuộc HQ 801 xác nhận:”Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi đồng đội vì khi quay trở lại cứu HQ 1, tôi chợt nhận ra rằng không còn một chiến hạm nào ở phía sau”. Một thường dân quá giang tâm sự: “… Với những người được tiếp cứu như tôi, xin cám ơn HQ-801 và toàn thể cả ngàn người trên HQ-801 liều mạng quay trở lại "round trip" gần 3 hải lý là một sự can đảm, vị tha, và nghĩa hiệp lắm để cứu vớt tàu bạn bị lâm nạn”.

(Bài đọc thêm: 30 Tháng Tư . Chuyện Bây Giờ Mới Kể)

 

HQ 502: KHÔNG BỎ BẠN BÈ

Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 nguyên là USS Cayuga County (LST 529), chuyển giao cho HQ/VNCH ngày 17 tháng 12 năm 1963. Hạm Trưởng Nguyễn Văn Tánh cho biết trong đêm di tản 29-4-1975, chiến hạm cập vị trí 1, cầu L trong HQCX, ngay trước BTL/Hạm Đội; bên ngoài là các chiến hạm HQ 501, HQ 503, HQ 504 và HQ 11 ở vị trí 5 ngoài cùng.

Cầi L Vào thời gian sôi động đó, HQ 502 đang đại kỳ dở dang chưa hoàn tất nên tình trạng kỹ thuật rất yếu kém. Hai máy chánh vừa được HQCX ráp xong, nhưng chưa chạy thử tại chỗ. Sàn tầu nơi bị cắt một mảng lớn để câu máy chánh lên chưa kịp hàn lại; máy điện chưa được ghép song song; máy neo trước và sau bất khiển dụng; nhiều dụng cụ cần thiết để vận chuyển và hải hành như tay lái điện, la bàn điện... chưa được lắp ráp xong.

Ngày 29-4-1975, Việt Cộng đã vào tới ngoại ô Sài Gòn. Dân chúng kéo xuống bến Bạch Đằng tìm tầu HQ xin di tản. Vì các chiến hạm bên cạnh cũng đang trong thời kỳ sửa chữa không vận chuyển được hay không di tản nên dân chúng và quân nhân thuộc đủ mọi quân binh chủng đều hốt hoảng ùa xuống HQ 502 mỗi lúc một đông. Tới chiều tối, dân chúng đã tràn ngập khắp nơi, kể cả trên các tiểu đĩnh LCVP treo bên hông tầu.

Ngoài việc phải đương đầu với những thiếu thốn kỹ thuật và khó khăn vì dân chúng quá đông, vấn đề cấp bách cần giải quyết tức thời là phải dời các bên ngoài đi chỗ khác để HQ 502 đang cập vị trí trong cùng có thể tách bến. Trong số các chiến hạm bạn cùng cập cầu L, chỉ có Hộ Tống Hạm HQ 11 Chí Linh đậu ngoài cùng, do HQ Thiếu Tá Phạm Đình San chỉ huy sẵn sàng ra đi. Hạm Trưởng Tánh đã vất vả thương lượng và giàn xếp với nhiều chiến hạm bạn, đồng thời cũng nhờ sự trợ giúp đắc lực của các tầu giòng Ty Quân Cảng, các chiến hạm bên ngoài mới được đưa qua cầu tầu bên cạnh để HQ 502 trống trải có thể ra đi.

Hq 502 Lúc tầu sẵn sàng rời bến, nhân viên mới phát giác và báo cáo tay lái không xử dụng được vì các đường giây cáp bị đứt hay đã tháo gỡ. Đây là một tin bất ngờ “sét đánh” vào giờ chót vì chiến hạm nặng nề to lớn, chỉ chạy được một máy chánh, lái điện đã không có, nay cả đến lái tay cũng không dùng được, chiến hạm làm sao có đủ sức lên đường? Tuy nhiên, vì đã quyết định không ở lại và cũng vì sinh mạng của mấy ngàn người đang trông mong được thát nạn Cộng Sản, HQ 502 phải rời bến bằng bất cứ phương cách nào, dù khó khăn nhất. Hạm trưởng Tánh cùng một số hạm trưởng quá giang kinh nghiệm khác đã đích thân xuống phòng lái tay tìm cách tạm nối giây cáp lại bằng những kẹp sắt lớn. Đây là một lối sửa chữa chưa từng có trong sách vở. Sau nhiều cố gắng tột cùng với sự trợ giúp đắc lực của nhiều người cả quân lẫn dân, cuối cùng sợi giây cáp lái tay được tạm thời nối lại; bánh lái đã có thể di chuyển. Tuy nhiên, vì giây cáp nối bằng tay còn chùng và những kẹp sắt quá lớn không luồn qua được những lỗ ròng rọc nhỏ nên góc xoay của tay lái rất hẹp, chưa tới 10 độ mỗi bên.

Vào lúc rạng sáng ngày 30-4, dù chiến hạm biết rõ trong tình trạng hư hỏng nặng, hạm trưởng Tánh vẫn quyết định ra khơi. Tầu giòng Ty Quân Cảng của Thượng Sĩ Vận Chuyển Nguyễn Văn Biết trong "cú đẩy ân tình" đưa được HQ 502 ra ngoài sông lớn. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ và trợ giúp tận tình của những hạm trưởng kinh nghiệm khác có mặt trên tầu như HQ Trung Tá Trần Đức Cử, HQ Trung Tá Lê Văn Quí, HQ Thiếu Tá Phan Lạc Tiếp, HQ 502 xuôi giòng ra biển với một máy tiến một, 5 người bẻ lái tay, góc độ tay lái tối đa 10 độ thay vì hai ba chục độ như bình thường. Phải mất trên 1 phút mới xoay nổi lái tay để đổi hướng bánh lái từ bên này qua bên kia.

HQ 502 di chuyển chậm chạp, khó khăn trên sông Sài Gòn, vừa chạy vừa sửa. Con tầu nặng nề xiêu vẹo lúc phải, khi trái giang hành qua những khúc sông hẹp, cong quẹo trong bóng đêm mù mịt đầy bất trắc đe dọa. Trong lúc nguy nan, nhiều người tình nguyện đứng xếp hàng từ đài chỉ huy trên boong tầu xuống tận hầm lái tay bên dưới để chuyền khẩu lệnh lái chiến hạm. Phải mất 4 tiếng đồng hồ mò mẫm, HQ 502 mới ra tới Nhà Bè (hải lý 11), nơi hai nhánh sông Sài Gòn và Đồng Nai nhập lại thành khúc sông lớn tương đối an toàn.

Trên đường ra biển, chiến hạm dù vận chuyển rất khó khăn nhưng vẫn ngừng lại nhiều lần để vớt thêm vài trăm người từ những tầu nhỏ của đơn vị bạn. Tại sông Nhà Bè, HQ Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp và khoảng 60 người thuộc Liên Đoàn Người Nhái trên LCU di tản từ Cát Lái được đưa lên tầu.

truc thang Sáng ngày 30-4, HQ 502 ra tới biển Vũng Tầu. Ngoài khơi đầy ghe thuyền dân chúng, trên trời có nhiều trực thăng từ trong bờ đổ ra cũng như từ biển bay vào. Vài trực thăng bay thấp, dọc theo hông tầu, ngang đài chỉ huy chiến hạm. Cửa máy bay mở rộng, trong lòng máy bay đầy đàn bà, trẻ con ra hiệu xin cấp cứu. Viên phi công rà tìm được tần số của chiến hạm, khấp thiết kêu gọi:“Anh em Hải Quân ơi, cứu chúng tôi với. Chúng tôi được lệnh bay ra biển để đáp xuống tàu Mỹ. nhưng tới điểm hẹn không tìm được tàu Mỹ nên phải quay về. Máy bay tchỉ còn 5 phút xăng. Xin cứu chúng tôi, gia đình tôi, mẹ tôi…”.

Hạm Trưởng Tánh và thủy thủ đoàn bợ không cầm được thương cảm, dù chính mình đang trong tình trạng thiếu an toàn, nhưng cũng đồng ý để trực thăng đáp xuống sân chiến hạm đang đầy ắp người và vật dụng đủ loại. Sinh mạng của mấy chục người trên trực thăng đang được đếm bằng mấy phút phù du. Chỉ trong vòng mấy phút phải giải tỏa cấp tốc, đưa hết người và vật dụng xuống hết sân chiến xa phía dười. Tuy khó khăn nhưng cuối cùng sàn tầu cũng được thu dọn tạm trống trải, đủ chỗ đậu cho trực thăng. Hai chiếc trực thăng chở đầy người đáp xuống an toàn. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai phi công trực thăng đáp xuống chiến hạm.

 

Hq 502 Tưởng như vậy đã xong, nhưng vẫn còn một chiếc phi cơ thám thính loại L-19 Cessna OE-1 “Bird Dog” đột nhiên xuất hiện bay vòng quanh chiến hạm đang ra hiệu xin cấp cứu. Đây là loại phi cơ nhỏ, nhẹ thường được gọi là máy bay bà già 2 chỗ ngồi, một cho phi công và một dành cho người quan sát. Phi công là Thiếu Úy Nguyễn Thành Hưng thuộc Phi Đoàn 120 Quan Sát, Sư Đoàn I Không Quân, đồn trú tại phi trường Đà Nẵng. Khi di tản khỏi Vùng I, đơn vị của anh Hưng được dời về Tân Sơn Nhất. Người còn lại là Hạ Sĩ Quan Cơ Khí Phi Hành Nguyễn Viết Nhiễm, Cơ Khí Phi Hành phục vụ tại Phi Đoàn 720 (Vận Tải cơ C-119), Không Đoàn 53 Chiến Thuật, Sư Đoàn 5 Không Quân, căn cứ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Hai người đã rời Sài Gòn bằng phi cơ L-19, đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ vào khoảng 1:30 giờ trưa 29/4. Trưa hôm sau ngày 30-4, sau khi nghe lệnh buông súng, họ dự tính bay ra tàu Mỹ ngòai khơi Vũng Tầu. Tình cờ gặp HQ 502 trên tầu đầy nghẹt người, họ bỏ ý định bay ra khơi, đồng ý cùng nhẩy xuống biển với hy vọng HQ 502 sẽ thả xuồng vớt lên. Theo dự tính, phi công sẽ bay thấp trước mũi chiến hạm rồi nghiêng cánh để bạn đồng hành nhảy ra trước còn phi công sẽ nhẩy ra vào vòng bay sau, để phi cơ không người lái đâm xuống biển.

Sau nhiều lần bay quanh chiến hạm để bàn tính và chuẩn bị, chiếc L19 sà thấp hơn, cách mũi tầu khoảng 50 thước, anh Nhiễm từ phi cơ nhẩy xuống biển an toàn, cố bơi theo tầu. Thủy thủ rên tầu lập tức liệng xuống nhiều phao nổi trợ giúp, nhưng những đợt sóng của HQ 502 quá mạnh, đẩy người lâm nạn ra xa và lùi dần về phía sau lái. Trong lúc tuyệt vọng, người nhái Nguyễn Văn Kiệt mang áo phao từ trên tầu nhẩy xuống tiếp cứu nạn nhân; chiến hạm quay lại vớt cả hai lên tầu an toàn.

Chiếc phi cơ trên trời bay thêm một vòng nữa rồi viên phi công còn lại nhẩy ra, nhưng không may anh bị đập mạnh khi rơi xuống nước nên bị chìm mất tích luôn.

HQ 502 tiếp tục ra khơi độ 20 hải lý lại gặp một xà-lan chở đầy phụ nữ và trẻ em đang kêu cứu. Chiến hạm ngưng lại vớt từng người một bằng thang giây. Lúc bấy giờ tổng số người trên tầu ước lượng trên dưới 3 ngàn. Sau đó HQ 502 tiếp tục hải hành tới điểm tập trung Côn Sơn và được chiến hạm bạn trợ giúp đi đến Subic Bay an toàn.

Trong chuyến ra khơi rạng sáng ngày 30-4-1975, HQ 502 chưa đại kỳ xong, tình trạng kỹ thuật yếu kém, không có tay lái điện, giây cáp tay lái tay lại bị đứt, nhưng hạm trưởng Nguyễn Văn Tánh vẫn can đảm và thành công đưa tầu ra khơi. Trên đường đi, HQ 502 còn vớt thêm nhiều thường dân và binh sĩ di tản, đặc biệt đã cứu giúp anh em Không Quân trong lúc nguy nan nhất. Đây một thành quả rất đáng khâm phục và ca ngợi. Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng Nguyễn Văn Tánh đã thể hiện hùng hồn truyền thống cao đẹp “Không Bỏ Bạn Bè” của QLVNCH.


Trở về --->

logo chien ham

 


Free Web Hosting