co bay PHƯƠNG VỊ CÁC CHIẾN HẠM HQ/VNCH RA KHƠI
(Số Độc Giả: )

logo ham truong logo chien ham logo ham truong

Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử - Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả: email camtran11@gmail.com

*** Nhật Tu ngày 4/3/2020: Thêm các chiến hạm cập cầu Tư Lệnh (có thể là cầu CARIC chúng tôi đang phối kiểm cho chính xác). Thành thật cám ơn HT Nguyễn An HQ 470, HT Nguyễn Thành Danh, HP Nguyễn Thanh Xuân và HQ Trung Úy Võ Hạnh HQ 403 đã cung cấp thêm nhiều chi tiết quí hiếm.


Lễ hạ cờ chiến hạm HQ/VNCH trong hải phận Quốc Tế (cách bờ biển Phi Luật Tân tối thiểu 12 hải lý ) ngày 7-5-1975


HQ 11:Hạm Trưởng Phạm Đình San và nhân viên trên đài chỉ huy trước khi bàn giao chiến hạm cho Hải Quân Hoa Kỳ
HT Phạm Đình San bàn giao quyền chỉ huy chiến hạm cho HQ Đại Úy John Pine, đại diện HQHK thuộc Khu Trục Hạm USS Kirk.

Bản Đồ Phương Vị Chiến HạmRa Khơi

Bản Đồ Tham Khảo:Quân Cảng Sài Gòn - Sông Lòng Tào
Bài Đọc Thêm:Lược Sử Quân Cảng Sài Gòn - Thủy Lộ Sông Lòng Tào - Chiến Hạm Ra Khơi: Những Chuyện Đáng Ghi


Ghi chú: Tài liệu dùng trong bài này do Hải Quân Châu Đình Lợi (Australia) phỏng vấn, sưu tầm, tổng kết và cung cấp.

Mỗi năm khi tháng Tư Đen về, trong lòng người Việt tị nạn chúng ta đều mang một nỗi buồn ray rứt khi nhớ về một đêm tăm tối sập trời cách đây 44 năm về trước. Nhất là anh em áo trắng năm xưa khó quên được những chiến hạm đã đưa chúng ta và bao đồng hương thoát khỏi làn sóng đỏ đang ập xuống mảnh đất Việt Nam khốn khổ. Giờ đây, những chiến hạm đã từng chuyên chở bao đồng bào đến được bến bờ tự do không còn nữa nhưng ký ức chúng ta vẫn không quên cái đêm định mệnh 29-04-1975 năm cũ.

Bài viết dưới đây có thể sẽ gợi quý độc giả nhớ lại hình ảnh của chính mình trong đêm định mệnh tháng tư năm ấy, đã có mặt trên một chiến hạm nào đó ở Bến Bạch Đằng, Nhà Bè, ngoài khơi Vũng Tàu, hay ra đi từ đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngoài khơi đảo Phú Quốc… Độc giả sẽ thấy lại hình ảnh chiến hạm thân yêu ngày xưa mà mình đã từng phục vụ hay đặt chân lên đó, nhớ về cầu tầu xưa hoặc bến bờ cũ nào đó trên mảnh đất quê hương mà đến nay vẫn có người chưa một lần trở lại. Bài viết tổng hợp về những vị trí từng chiến hạm để giúp người đọc hiểu thêm con tàu mình đi do vị hạm trưởng nào chỉ huy, rời bến ra sao, chuyên chở được bao nhiêu người đến được quân cảng Subic Bay sau khi cùng tập họp trên boong tàu làm lễ hạ kỳ lá cờ VNCH thân yêu lần cuối. Quý độc giả cũng sẽ có dịp biết thêm đôi nét về những chuyện bây giờ mới kể, chẳng hạn như chiến hạm nào máy móc sửa chữa chưa xong, nhưng vị hạm trưởng tài ba quả cảm chỉ còn vỏn vẹn thủy thủ đoàn 9 người đã lèo lái con tàu què quặt ra khơi mang theo số người di tản nhiều nhất so với các chiến hạm bạn; chiến hạm nào nhỏ nhất mà đã trở thành soái hạm, đưa được vị Tư Lệnh Hải Quân rời bến Bạch Đằng ra biển an lành; chiến hạm nào dù chỉ còn một máy khiển dụng, ai là hạm trưởng mà vẫn thừa can đảm quay tầu lại tiếp cứu chiến hạm bạn đang bị mắc cạn tại sông Lòng Tào?

Để có những dữ kiện khả tín nhất của từng chiến hạm, chúng tôi đã trực tiếp phỏng vấn hạm trưởng, thủy thủ đoàn hay khách quá giang có mặt tại chỗ; sau đó kiểm chứng, phân tích, so sánh và tổng hợp những tin tức nhận được trước khi xử dụng. May mắn nhờ mạng lưới truyền thông hiện đại, việc tiếp xúc nhân chứng để tìm tài liệu tương đối không mấy khó khăn nhưng tốn nhiều thì giờ. Bài viết được hoàn tất căn cứ vào những chi tiết chính xác thu thập được qua quá trình phỏng vấn tỉ mỉ lâu dài này. Thành thật cám ơn những nhân chứng đã hợp tác và trợ giúp.

Tuy có rất nhiều chi tiết liên quan tới chuyến hải hành cuối cùng của Hạm Đội HQ/VNCH, nhưng bài viết chỉ tóm gọn những nét chính của từng chiến hạm để độc giả dễ tìm về quá khứ, đồng thời giúp thế hệ con cháu sau này có thể hiểu được lý do và trường hợp ra đi của thế hệ cha ông trong giai đoạn đen tối của lịch sử. Dù cố gắng tối đa nhưng chắc chắn bài viết vẫn còn nhiều thiếu sót, nhất là về các chiến hạm nhỏ không được nhắc tới nhiều vì thiếu thông tin và đa số bị bỏ lại trên hành trình ra khơi. Chúng tôi hân hạnh và cảm kích đón nhận mọi phê bình, chỉ giáo cũng như bổ túc những khuyết điểm để tài liệu này đầy đủ trung thực hơn cho thế hệ mai sau vì chúng ta sẽ bị thời gian làm cho mờ nhạt, mai một mất rồi. Trân trọng.

1. TÂN CẢNG

HQ.500: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Lê Quang Lập (Khóa 11 SQHQ/NT), hạm phó là HQ Thiếu Tá Tôn Long Châu (Khóa 16 SQHQ/NT). Ngày 29-4 khoảng 4-5 giờ chiều, Hạm Trưởng Lập lên BTL/HĐ, gặp HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê TL/HĐ phẩy tay ra dấu "đi đi". Hạm Trưởng Lập liền về đưa chiến hạm ra neo giữa sông để giữ an toàn vì lúc đó dân hôi của từ các kho hàng Mỹ và binh sĩ tràn ngập khiến Tân Cảng rất hỗn loạn. Chiến hạm rời sông Tân Cảng khoảng 11 giờ tối, mang theo thủy thủ đoàn cơ hữu chỉ có 19 người, nhưng có nhiều quân nhân HQ trợ giúp. Hạm Trưởng Lập đưa được đầy đủ gia đình, còn từ Hạm phó trở xuống đều di tản một thân một mình. Quân dân quá giang gồm có gia đình HQ Đại tá Trần Văn Triết (Khóa 7 SQHQ/NT) Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn, cùng gia đình người anh ruột cựu đại tá CSQG Trần Thanh Sắt và gia đình người bạn thân là đại tá bộ binh Tổng Cục Tiếp Vận và hơn 10 quân nhân HQVN quá giang khác.

Chiến hạm trực chỉ sang Phi Luật Tân, không qua điểm tập trung Côn Sơn. HQ 500 hả neo tại Subic Bay vào sáng ngày 05-05-1975 nhận tiếp tế rồi nhổ neo hải hành qua đảo Guam. HT Lập từng quá giang HQ 505 trên đường từ Hoa Kỳ về Việt Nam vào đầu năm 1970 nên thông thuộc hải trình này, với sự phụ tá đắc lực của một viên chuẩn úy giám lộ phụ trách hàng hải thiên văn và quang hiệu liên lạc với các chiến hạm Hoa Kỳ. HQ 500 đến Guam an toàn là chiến hạm duy nhất của HQVN đến được Guam cùng với chiếc thương thuyền Việt Nam Thương Tín. Chiếc VNTT sau này đã được chính phủ Hoa Kỳ trưng dụng và sửa chữa để đưa 1652 người Việt hồi hương. HQ.500 sau đó cũng được chuyển giao cho Hải Quân Phi Luật Tân với danh hiệu mới là LST 86 Zamboanga Del Sur.

(Bài đọc thêm: Hồi Ký Cam Ranh - Giao Chỉ San Jose)

2. BẾN BẠCH ĐẰNG


Không Ảnh Bến Bạch Đằng (hình chụp từ hướng Thị Nghè)

2.1 Cầu A

Gồm có HQ.611 và HQ.601 (vị trí từ trong ra ngoài)

HQ.611: HQ Đại Úy Phạm Quốc Nam (Tài nguyên Khóa 21 SQHQ, tốt nghiệp Khóa 2 Đặc Biệt SQHQ/NT) được chỉ định tạm giữ quyền chỉ huy, thay thế vị hạm trưởng cũ HQ Đại Úy Trương Quí Đô (Khóa 11 SQHQ/NT) vắng mặt. Đại Úy Nam khi nhận lệnh di tản đã về nhà đón gia đình nhưng gặp trở ngại nên không về tàu kịp. Một số quân nhân binh chủng khác xuống tàu uy hiếp thủy thủ đoàn bắt phải tháo giây tách bến trong đêm, nhưng mới qua khỏi Khánh Hội thì chiến hạm bị vô nước tràn ngập hầm máy và bị chìm kể như không di tản được. Sau 7 năm tù CS, ra tù Đại Úy Nam đã lái một ghe nhỏ đưa gia đình và 89 thuyền nhân vượt Biển Đông đến bến bờ tự do sau 2 ngày 3 đêm trên biển và định cư tại Hoa Kỳ.

(Bài đọc thêm: Khoảnh Khắc Của Người Lính Biển - Phạm Quốc Nam)

HQ.601: Hạm Trưởng là HQ Đại Úy Trần Minh Chánh (Khóa 24 Võ Bị Đà Lạt, tốt nghiệp Khóa 1 Đặc Biệt SQHQ/NT), không muốn di tản nhưng vẫn đồng ý chở Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh Hải Quân, Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy TMT/HQ cùng một số sĩ quan cao cấp khác rời cầu A lúc 7.30 tối 29-04-1975 để ra cửa biển Vũng Tàu. Sau đó liên lạc truyền tin với HQ.3 để đưa hai vị Đô Đốc và đoàn tùy tùng khoảng 50 người lên HQ.3 và HT Chánh lái HQ.601 trở về Saigon, ở lại cùng gia đình không di tản.

(Bài đọc thêm: Đêm Giang Hành Lịch Sử - Người Thủy Thủ Già)

2.2 Cầu Tư Lệnh

Gồm các chiến hạm HQ 474, HQ 470 và HQ 403.

Đây là cây cầu nhỏ bằng pontoon là loại xà lan nổi, dài khoảng 30m, ngang 4m, nằm giữa cầu A và cầu B gần công trường Mê Linh, trước mặt tư dinh của Thủ Tướng và kế bên sân cờ của BTL/HQ. Cầu tầu này thường chỉ dành riêng cho soái đĩnh của những giới chức cao cấp như Tư Lệnh Hải Quân, Thủ Tướng và Tổng Thống VNCH cập. Vì kích thước cây cầu nhỏ trên khúc sông hẹp lại nằm lọt vào giữa hai cầu tàu lớn và dài là cầu A và cầu B, chiến hạm khó xoay trở nên rất ít khi cập cầu này. Tuy nhiên vào những ngày cuối tháng 4/1975 với tình hình khẩn cấp sôi động, có tới 3 chiến hạm cầu Tư Lệnh mà hầu như các vị hạm trưởng chưa từng cập cây cầu đó bao giờ. Đây là điều hầu như chưa bao giờ xẩy ra, ít người ngờ tới.

HQ 474: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Kỳ (Khóa 14 SQHQ/NT) chiến hạm nằm ở vị trí 1 sát bờ. Chiến hạm được cung cấp đầy đủ gạo, cá khô, nước ngọt để sẵn sàng một chuyến công tác xa.

Chiến hạm tách bến vào tối 29-04-1975 với thủy thủ đoàn tương đối đầy đủ và đông đảo quân dân di tản tràn xuống từ bến Bạch Đằng. Ra đến điểm tập trung tại Côn Sơn vì tình trạng kỹ thuật yếu kém nên đã được lệnh chuyển người lên chiến hạm khác và đánh chìm, chung số phận với các chiến hạm bị bỏ lại.

HQ 470: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn An (Khóa 13 SQHQ/NT). Vào những ngày tháng sôi động, chiến hạm phải xuôi ngược công tác triền miên tiếp tế dầu cho BTL Vùng 5 Duyên Hải tại Năm Căn, nhận lệnh ra Chu Lai lấy dầu lúc Sư Đoàn 2 Bộ Binh di tản trong những ngày cuối tháng 3 rồi lại di tản gia đình Hải Quân thuộc TTHL/HQ/Nha Trang đổ bộ vào Cát Lở lúc chiến hạm cạn kiệt lương thực vì chở quá đông người. Hạm Trưởng An đã vất vả đưa chiến hạm cập cầu Cát Lở dù cho nghiêm lệnh của vị Tư Lệnh V3DH là Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào nhất định không cho cập cầu, e sợ thị xã Vũng Tàu bị hỗn loạn vì quá đông đồng bào chạy loạn từ miền Trung chạy về. Chiến hạm công tác triền miên cho đến ngày 25-04-1975 được lệnh về Sài Gòn và cập cầu Tư Lệnh vị trí 2; vì cây cầu quá ngắn nên Hạm Trưởng An đã phải cho buộc thêm sợi giây lái vòng quanh gốc cây dừa trên bờ để tàu không bị giòng nước thủy triều đẩy giạt ra ngoài.

Trong mấy ngày tại bến Bạch Đằng hiếm hoi này, nhờ tình trạng máy chánh còn rất tốt, HQ 470 được lệnh dự trữ nhiên liệu, lương thực khô, gạo chất đầy kho, thêm một con heo sống đem xuống tàu nuôi, nước ngọt tiết kiệm tối đa, nhân viên trên tàu muốn tắm phải lên bờ vào trại Bạch Đằng 2 hay qua cầu C có hai chiếc Tạm Trú Hạm để tắm nhờ.

Chiều ngày 29-04-1975 Hạm Trưởng An cùng các hạm trưởng khác lên họp và nhận lệnh di tản. Vì không nỡ dối gạt nhân viên trên tàu khi họ không có gia đình ra đi, cảm thấy lòng hổ thẹn nếu mình đưa vợ con tìm đường di tản, cùng nhiều lý do khác nữa nên HT An đã không trở về chiến hạm đưa con tàu rời bến. Vị hạm phó là HQ Trung úy Nguyễn Văn Toán, xuất thân OCS (không rõ khóa nào), chờ đợi hạm trưởng về tàu lâu quá không được, cộng thêm tình trạng quân dân di tản ồ ạt hỗn loạn tràn xuống các chiến hạm nên đã quyết định tháo giây rời bến. Vì thiếu hạm trưởng, tầu lại rời cầu lúc nước ròng chảy xiết, mũi hướng hạ giòng nên HQ 470 đã bị bê ngang tấp vào cầu A mắc cạn. Sau đó trong lúc giang hành theo sông Lòng Tào, chiến hạm bị mắc cạn thêm một lần nữa mất hai tiếng gỡ cạn rồi mới ra tới cửa biển và trực chỉ Côn Sơn. Chiến hạm nhận lệnh theo đội hình di tản tiến về Subic Bay, với thủy thủ đoàn 32 người và 80 quân dân quá giang trong đó có gia đình HQ Trung tá Phạm Hữu Khoa là bạn cùng khóa với HT An.

Hạm Trưởng An ở lại cùng với gia đình tại cư xá Cửu Long và sau đó bị đọa đầy trong tù Việt Cộng như bao sĩ quan khác. Quyết định ở lại của anh là nỗi khổ tâm dằn vặt tâm trí mãi đến ngày nay. Là một sĩ quan cương trực, lương tâm anh anh không cho phép bỏ đi trong hoàn cảnh não lòng, dù rằng anh có rất nhiều thân nhân ở Canada và Pháp. Sau khi ra khỏi trại tù Việt Cộng, anh được Tòa Đại Sứ Pháp can thiệp đoàn tụ với gia đình vì vợ con có quốc tịch Pháp đã ra đi từ trước. Hạm Trưởng An định cư lập nghiệp bên Pháp cho đến ngày nay. Anh đã trở lại giảng đường học ngành hàng hải, tốt nghiệp và tạo dựng tương lai sự nghiệp vững vàng, lên đến chức thuyền phó các thương thuyền lớn, chu du vòng quanh thế giới cho đến ngày về hưu, không thua kém bạn bè di tản từ năm 1975.

(Bài đọc thêm: Giã Từ Sông Biển - Phạm Thị Bích Vân)

HQ 403: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Danh (Khóa 14 SQHQ/NT). Từ giữa tháng 3/1975 chiến hạm được lệnh ra Vùng I Duyên Hải chở các quân nhân di tản tại bãi biển Tiên Sa Đà Nẵng đưa về Cam Ranh. Tiếp theo là các tỉnh duyên hải miền Trung lần lượt lọt vào tay VC, chiến hạm đã tham dự các chuyến rút quân đầy hãi hùng tang tóc. Trong một chuyến công tác chở người di tản về cập cầu Căn Cứ Hải Quân Cam Ranh, HT Danh đã phải vận chuyển với thế lùi, vì gió trong cầu thổi ra, cầu tầu lại không có đèn soi sáng nên lái tầu đã va mạnh vào cầu làm thủng một lỗ nơi neo lái. Từ đó tình trạng kỹ thuật chiến hạm xấu đi vì bị hao nhớt nên được lệnh trở về Sài Gòn, cập cầu vào sáng ngày 28-4-1975 để tu bổ và chuẩn bị cho chuyến công tác sắp tới. Chiều ngày 29-04-1975 HT Danh được lệnh lên BTL Hạm Đội họp và nhận lệnh ra đi gấp rút.

Chiến hạm rời Sài Gòn ngay buổi tối hôm đó, đến điểm tập trung Côn Sơn. Tại đây, vào ngày 1-5-1975, HT Danh cùng gia đình gồm vợ, 2 con, một số thân nhân và một nửa thủy thủ đoàn chuyển lên HQ 12 tiếp tục qua Subic Bay; đồng thời cũng có một số nhân viên HQ 12 muốn trở về kể cả Hạm phó Phan Văn Trạng (Khóa 15 SQHQ/NT) được chuyển sang HQ 403 trở về. Hạm phó HQ Đại úy Nguyễn Thanh Xuân (K.18SQHQ/NT) chỉ huy HQ 403 quay về neo ngoài khơi Vũng Tầu và sau đó cập cầu Cát Lở. VC tiếp thu chiến hạm,bắt thủy thủ đoàn đưa HQ 403 ra Côn Sơn để đón tù binh VC. HP Xuân viện lý do thiếu kinh nghiệm đi biển vì mới thuyên chuyển xuống chiến hạm nên từ chối. Nghe nói về sau VC tìm được sĩ quan cũ đã từng phục vụ trên HQ 403 đưa tầu về Sài Gòn để sửa chữa.

2.3 Cầu B

Gồm các chiến hạm HQ.1, HQ.3 và HQ.2

HQ.1: HQ Trung Tá Nguyễn Địch Hùng (Khóa 4 Brest) làm hạm trưởng, về đón gia đình tại Chợ Lớn không thể vào cổng công trường Mê Linh để trở lại chiến hạm cho kịp giờ di tản. Lúc bấy giờ chiến hạm tràn ngập quân dân di tản, trong đó có Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh cựu Tư Lệnh Hải Quân và Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu CHT/TTHL/HQ/Nha Trang lấy quyền chỉ huy ra lệnh chiến hạm tách bển rời cầu B lúc 8 giờ tối 29-04-1975. HQ Trung Tá Nguyễn Duy Long tốt nghiệp khóa 16 VBQG Đà Lạt và khóa 13 SQHQ/NT được chỉ định làm hạm trưởng. Trong lúc giang hành trong sông Lòng Tào, với một máy khiển dụng chạy nước xuôi, chiến hạm đã bị mắc mắc cạn tại hữu ngạn Mũi Đông (Coude de l’Est, hải lý 20 trong hải đồ). Nhiều chiến hạm chạy ngang nhưng không thể cứu giúp trong tình thế dầu sôi lửa bỏng ngặt nghèo này, mãi đến 01.30 sáng 30-4, HQ 801 chạy ngang nghe lời kêu cứu của Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, HT Nguyễn Phú Bá đã can đảm quay tầu lại cứu, mặc dù HQ 801 to lớn nặng nề cũng chỉ còn một máy hữu khiển dụng. Thời gian kéo HQ.1 ra khỏi chỗ mắc cạn tốn mất 2 tiếng đồng hồ. Khoảng 500 đồng bào trên HQ.1 được chuyển sang HQ.801 để cho tàu nhẹ bớt trước khi hai chiến hạm cùng lùi máy đưa mũi tàu HQ.1 ra khỏi bờ cạn. Sau khi được kéo ra ngoài sông lớn, HQ.1 chạy trước, HQ.801 theo sau, mặc dù mỗi chiến hạm chỉ còn một máy khiển dụng nhưng HQ 1 mũi nhọn vận tốc nhanh hơn đã ra ngoài cửa biển Vũng Tàu trước lúc mặt trời mọc, rồi hải hành ra điểm tập trung ngoài Côn Sơn và theo đoàn Hạm Đội tiến về vịnh Subic. Chiến hạm ra đi với một thủy thủ đoàn hùng hậu tới 154 người và 592 người quá giang.

(Bài đọc thêm: Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ 1)

HQ.3: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Kim Triệu (Khóa 7 SQHQ/NT) rời cầu B lúc 7.30 tối, chở theo Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng và Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Ra khỏi cửa biển Vũng Tàu, chiến hạm được HQ.601 báo cáo có hai vị Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang và Tham Mưu Trưởng Diệp Quang Thủy, cựu Tư Lệnh Hạm Đội HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn đã ra cửa biển Vũng Tàu nên đã cho phép HQ.601 được cặp vào chiến hạm và đón nhận cấp chỉ huy HQVN nhập hạm. Từ đó HQ.3 trở thành Soái hạm và chỉ thị cho tất cả chiến hạm trên hệ thống âm thoại ra tập trung tại đảo Côn Sơn chờ lệnh mới. Ra đến Côn Sơn, chiến hạm đón nhận thêm một số đồng bào trên HQ.402 vì chiếc này đã hoàn toàn bất khiển dụng, đồng thời đón thêm hai vị Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi và Nghiêm Văn Phú Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám 212. Ban tham mưu chỉ huy cuộc di tản sang Subic Bay đã được phân chia nhiệm vụ để cùng chung nhau làm việc trong suốt hải trình 900 hải lý đến Subic Bay. Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh trách nhiệm về truyền tin nên mọi chiến hạm chỉ nghe tiếng Đô Đốc Minh trên hệ thống âm thoại mà thôi.

(Bài đọc thêm: Chuyện Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Di Tản - Đinh Mạnh Hùng)

HQ.2: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Đinh Mạnh Hùng (Khóa 11 SQHQ/NT) rời cầu B lúc mặt trời sắp lặn trước 7 giờ tối chở theo Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí. Trước đó, HQ 616 chạy ngang hai máy bất khiển dụng bất ngờ nên phải tấp vào HQ.2 để đưa toàn bộ thủy thủ đoàn hai chiến hạm HQ 616 và HQ 619 (HT/HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Tần K. 16 SQHQ/NT) nhập hạm HQ.2 và bổ xung vào thủy thủ đoàn HQ.2. HT Tần được chỉ định XLTV Hạm Phó lo việc an ninh, điều động nhân viên các phiên hải hành, nhà bếp… vì đã từng làm Hạm Phó cho HT Hùng trên HQ.502 trước đây. Khi hải hành trực chỉ Côn Sơn, chiến hạm đã thả phao nổi và xuồng cứu vớt mang lên tầu rất nhiều phi hành đoàn trực thăng và gia đình của họ từ hướng Cần Thơ bay ra biển. Đặc biệt chiếc trực thăng do phi công Trung Úy Vũ Minh Thám rà sát mũi tầu đổ gia đình và một người bị thương nặng, vì trúng thượng liên VC, lên tầu. Sau đó phi cơ đáp xuống biển và được thủy thủ đoàn HQ 2 và HQ 619 (HQ Thiếu Úy Phan Thanh Quang Khóa 25 HQ) có HP Tần tháp tùng đã cứu được Trung Úy Vũ Minh Thám từ chiếc trực thăng đang chìm đem về HQ 2.

Chiến hạm ra tập trung tại Côn Sơn rồi cũng sắp theo đội hình di tản sang Phi, đồng thời kéo theo HQ.329 hoàn toàn bất khiển dụng đàng sau. Cùng đi với Hạm đội được một ngày, vì HQ 2 chở quá đông người lại thuộc toán 1 đi trước không được tiếp tế và một máy làm nước ngọt bị hư nên được chấp thuận tăng vận tốc, rời khỏi đội hình và đến Subic Bay ngày 05-05-1975, cùng ngày với HQ.802.

2.4 Cầu C

Gồm các chiến hạm HQ.9050, HQ.9051, HQ.404

HQ.9050 và HQ.9051: Hai Tạm Trú Hạm này chỉ là Cơ Xưởng Nổi được cải biến thành Tạm Trú Hạm để làm nơi trú ngụ cho Khóa 26 SVSQ/HQ/NT di tản từ Nha Trang về Sài Gòn tạm trú và ứng chiến phòng thủ Sài Gòn. Hai chiếc tàu này không di tản vì không có máy móc để tự vận chuyển được. Chỉ Huy Trưởng Tạm Trú Hạm là Hải Quân Đại úy Phạm Trọng Thu (Khóa 17 SQHQ/NT) không di tản.

HQ.404: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Đại Nhơn (Khóa 10 SQHQ/NT) chiến hạm tham dự cuộc rút quân tại Vùng I Duyên Hải, cứu thoát Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I tại bãi biển Non Nước cùng với một số quân nhân TQLC. HQ.404 đã đưa tướng Trưởng vào cặp cầu Cam Ranh để đưa toàn bộ quân nhân TQLC tăng phái cho Quân Đoàn 2, cuối cùng nhận lệnh đưa toàn bộ số quân nhân này cùng với tướng Trưởng về Sài Gòn. Sau đó, chiến hạm ứng trực tại bến Bạch Đằng tu bổ máy móc và nhận tiếp tế đầy đủ chờ lệnh cho đến ngày ra đi. Chiến hạm được ưu tiên cặp cầu C, bên ngoài hai Tạm Trú Hạm, tách bến ngay buổi chiều khi vừa có lệnh di tản với thủy thủ đoàn là 35 người chở theo 695 quân dân cán chính, ra đến điểm hẹn tại Côn Đảo và cùng lên đường sang Subic Bay.

2.5 Cầu D

Cầu tầu được dành riêng để làm Câu Lạc Bộ Nổi Sĩ Quan Hải Quân, bên ngoài có HQ 08 cập vị trí 1 và HQ 329 vị trí 2.

HQ 08: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Trường Yên (Khóa 15 SQHQ/NT), đã xuất sắc chỉ huy liên tiếp 4 chiến hạm. HQ 08 vừa vất vả tham dự hơn một tháng dài chinh chiến, từ cuộc triệt thoái Đà Nẵng cuối tháng 3-1975 đến các tỉnh duyên hải Miền Trung như Qui Nhơn xuôi dần cho đến Phan Thiết. Cuối cùng máy móc bị hư hỏng nhiều nên phải về HQCX sửa chữa khẩn cấp. Trong lúc chờ đợi, HQ 08 chỉ còn một máy được tầu giòng Ty Quân Cảng đưa qua cầu D, cập bên ngoài Câu Lạc Bộ Nổi, mũi thượng giòng với nhiệm vụ rõ rệt là nhắm hải pháo 76.2 ly về phía đường Cường Để lối vào HQCX, sẵn sàng bắn hạ chiến xa Việt Cộng có thể xâm nhập từ hướng này. Chiều tối 29-4, HT Yên phải cho thả xuồng máy youyou cơ hữu (loại tàu nhỏ để trên sân giữa chiến hạm) chạy dọc bến Bạch Đằng, cập cầu Tự Do gần khách sạn nổi tiếng Majestic để đón gia đình đang chờ tại đó vì không thể vào qua nút chặn tại công trường Mê Linh. Hạm Trưởng Yên còn hào hiệp để cho rất đông dân chúng đang tuyệt vọng chen lấn trên bờ xuống chiến hạm cùng di tản. Chiến hạm rời bến khoảng 3 giờ sáng ngày 30-4 cùng với HQ 329 ra biển bằng đường sông Soài Rạp và tập trung tại Côn Sơn rồi nhập Hạm Đội cùng đi Subic Bay. Chiến hạm ra đi với thủy thủ đoàn là 26 người, chở được 471 đồng bào theo cùng.

(Bài đọc thêm: Chuyến Di Tản Của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa - Phạm Mạnh Khuê)

HQ 329: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Danh (khóa 15 SQHQ/NT). Vài tuần trước ngày ra khơi, HQ 329 được biệt phái cho Đặc Khu Rừng Sát để giữ an ninh sông Lòng Tào và hộ tống thương thuyền. Tình trạng kỹ thuật của chiến hạm rất tệ, nhiều lần bị hư cả 2 máy phải neo lại để sửa chữa. Sau đó chiến hạm được lệnh về Sài Gòn sửa chữa khẩn cấp và nhận nhân viên tạm trú để đưa đi Phú Quốc, nhưng chưa sửa xong thì được lệnh ra khơi. HQ 329 cập vị trí 2 bên ngoài HQ 08 tại cầu D tức CLB Nổi. Nhờ hạm trưởng HQ 08 Nguyễn Trường Yên là bạn cùng khoá cung cấp phương tiện di chuyển (xe), hạm trưởng Danh đã đưa được gia đình xuống tầu khoảng 1 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Đến khoảng 3 giờ sáng hai chiến hạm tách bến và cùng hỗ trợ nhau đi ra Côn Sơn qua cửa Soài Rạp trong tình trạng kỹ thuật thật kém. Vì hai máy bất khiển dụng hoàn toàn nên chiến hạm đã được HQ 2 kéo đi tới Subic Bay.

2.6 Cầu E

Gồm có các chiến hạm HQ.4, HQ.402, HQ.15, HQ.801

HQ.4: Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Vũ Hữu San, chiến hạm đang trong thời gian đại kỳ nên không thể di tản được. HT San và nhân viên cùng gia đình muốn di tản đành phải quá giang chiến hạm bạn là HQ.801 cặp phía ngoài cùng tách bến lúc 11.30 đêm.

(Bài đọc thêm: Chuyện Một Con Tàu - Vũ Hữu San)

HQ.402: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Thiện Lực (Khóa 12 SQHQ/NT) chiến hạm trong tình trạng kỹ thuật rất bết bát, tưởng rằng không thể ra đi nên hạm trưởng quá giang chiến hạm khác di tản. Đây là chiến hạm cuối cùng rời bến Bạch Đằng vào trưa 30-04-1975, sau khi Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng và xe tăng T.54 đã tới công trường Mê Linh. Chiến hạm do các sĩ quan Khóa 20 Nha Trang gồm Nguyễn Văn Thước, Lưu An Huê và Cơ Khí Trưởng Cao Thế Hùng điều động tách bến sau khi khởi động được một máy chánh. Xuôi giòng Sài Gòn ra biển trong lúc hỗn loạn nên VC không bắn vì nghĩ đó là chiến hạm trở về. Trên đường ra biển, cứu vớt được HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng Tư Lệnh Lực Lượng 99 và Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú chiều 30-04-1975. Ra đến Côn Sơn, chiến hạm hỏng máy hoàn toàn nên được lệnh đánh chìm. Tuy nhiên chiến hạm không bị vô nước chìm hẳn vì cấu trúc đặc biệt của loại tàu đổ bộ, nên VC sau đó đã cho tàu ra Côn Sơn kéo về sửa chữa và sử dụng.

(Bài đọc thêm: Hải Vận Hạm Lam Giang HQ 402 Trong Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng)

HQ.15: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Lê Văn Quí Khóa 11 SQHQ/NT), chiến hạm cũng trong tình trạng bất khiển dụng vì đang đại kỳ, HT đưa vợ con di tản trên HQ.502 cặp cầu L, vị trí 1. Trong suốt thời gian đại kỳ, thủy thủ đoàn ngoài việc tu bổ chiến hạm, đồng thời nhận lãnh các công việc do BTL/Hạm Đội chỉ định như tham dự tang lễ quân nhân Hải Quân tử trận tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa từ chiến hạm bạn như HQ.401, HQ.503, HQ.11 cũng như các Giang Đoàn quanh thủ đô Sài Gòn. Chiến hạm sau này được CSVN sử dụng, vẫn giữ nguyên tên Phạm Ngũ Lão.

HQ 801: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá (Khóa 11 SQHQ/NT) rời bến lúc 11.30 đêm 29.04.1975 với một máy hữu khiển dụng. Dọc đường gặp HQ 1 mắc cạn tại Mũi Đông (Coude de L’Est, hải lý 20) bên bờ hữu ngạn. Nghe lời kêu cứu từ cựu hạm trưởng Nguyễn Duy Long (Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt) và Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh nên HT Nguyễn Phú Bá đã quyết định quay tàu lại kéo HQ 1 ra khỏi chỗ mắc cạn. HQ.801 vẫn chỉ có một máy khiển dụng ra đến cửa biển Vũng Tàu lúc 09.00 giờ sáng 30-04-1975 nhưng may mắn không bị VC pháo ra. Lúc đó máy chánh tả vừa được khởi động lại nên chiến hạm trực chỉ Côn Sơn và đến nơi lúc 07.00 tối. Đêm 30-04-1975, HT Bá vì vợ con cương quyết muốn ở lại Việt Nam, không muốn di tản nữa. Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu đã trình nội vụ lên Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang để xin cứu xét. Đô Đốc Cang chấp thuận cấp chiến hạm khác cho HT Bá chở các quân nhân không muốn di tản trên tất cả chiến hạm quay về. Lúc 1 giờ trưa 01-05-1975, trước khi Hạm Đội trực chỉ sang Subic Bay, HT Bá đã họp nói lời chia tay với thủy thủ đoàn rồi xuống HQ.473 cùng với gia đình và các chiến hữu khác, giao quyền chỉ huy lại cho HQ Đại Tá Bùi Cửu Viên chỉ huy chiến hạm kể từ giờ phút đó. HQ.801 cặp bến Subic Bay với thủy thủ đoàn là 80 người chở theo được 2120 đồng bào di tản.

(Bài đọc thêm: Nỗi Buồn Di Tản - Đặng Tiến PBC70)

2.7 Cầu H

Gồm có các chiến hạm HQ.09, HQ.403, HQ.401 và HQ.406. Hàng 2: HQ.619, HQ.616.

HQ.09: Hạm Trưởng HQ Thiếu Tá Hoàng Đình Báu (Khóa 11 SQHQ/NT), chiến hạm sau chuyến công tác dài tại Miền Trung, về HQCX sửa chữa nhưng không có đủ phụ tùng cơ phận thay thế nên chiến hạm vẫn trong tình trạng bất khiển dụng không di tản được. Một số nhân viên quá giang sang HQ.406 di tản, HT Báu và đa số nhân viên quyết định ở lại.

(Bài đọc thêm: Chuyến Công Tác Cuối Cùng Của HQ 09 - Hoàng Đình Báu)

HQ 401: Hạm Trưởng cũ là HQ Thiếu Tá Hoàng Trí Lễ (Khóa 13 SQHQ/NT). Chiến hạm bị hư hại nặng sau chuyến đi tiếp tế cho Căn Cứ Hải Quân Năm Căn ngày 09-04-1975 gây cho một số nhân viên thương vong. Chiến hạm được về Sài Gòn sửa chữa. Ít lâu sau, HQ Thiếu Tá Hoàng Đình Tân (Khóa 13 SQHQ/NT) được chỉ định làm hạm trưởng mới, nhưng vì bận rộn ở đơn vị tiền nhiệm HĐ 2 Duyên Phòng (Cam Ranh) nên mãi đến sáng 29-4 hạm trưởng Tân mới xuống HQ 401 nhận quyền chỉ huy, có TL/HĐ Phạm Mạnh Khuê chủ tọa lễ bàn giao nhưng hạm trưởng cũ vắng mặt. Vì bàn giao gấp rút, nên có thể nhiều nhân viên cơ hữu chưa biết Thiếu Tá Tân đã chính thức là hạm trưởng. Chiến hạm rời bến vào chiều tối 29-4, hạm phó là HQ Đại Úy Vũ Trọng Sơn (Khóa 17 SQHQ/NT) đã trợ giúp đắc lực. Ra tới Côn Sơn, HQ 401 còn nhận thêm một số người từ HQ 473 và HQ 17 trước khi cùng khởi hành sang Subic Bay với Hạm Đội. Đây là một trong ba chiếc Hải Vận Hạm di tản đến Subic Bay. Cũng nên nhắc lại, vì nhu cầu chuyển vận gia tăng nên đến tháng 8/1974 hai Bệnh Viện Hạm HQ.400 và HQ 401 không còn được sử dụng cho các công tác dân sự vụ nữa mà trở lại nhiệm vụ của một chiến hạm chuyển vận, huy hiệu chữ thập đỏ nằm trong vòng tròn nền trắng hai bên hông tàu không còn nữa.

(Bài đọc thêm: Từ Quân Y Hải Quân VNCH Đến Những Hậu Duệ Trong Hải Quân Hoa Kỳ)

HQ 406: do HQ Trung Tá Nguyễn Quốc Trị (Khóa 10 SQHQ/NT) làm hạm trưởng rời bến lúc 11 giờ đêm, khách quá giang có HQ Trung Tá Trần Đình Trụ sau này qua Guam tình nguyện quay về Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín giữ chức thuyền trưởng đưa 1652 người hồi hương. Chiến hạm ra đến Côn Sơn bị hỏng máy nên cũng được lệnh bỏ tàu, chuyển toàn bộ số người di tản lên HQ 800 và lệnh cho đánh chìm chiến hạm. Tuy nhiên HQ 406 chỉ bị vô nước nghiêng một bên và trôi về bờ biển cửa sông Hàm Luông và VC đã kéo về Sài Gòn sửa chữa lại.

(Bài đọc thêm: Những Ngày Cuối Của Hải Vận Hạm Hậu Giang - Hoàng Sa NQT
Số Phận Của Chiến Hạm HQ 406)

HQ 619: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Tần (Khóa 16 SQHQ/NT) chiến hạm đang thời gian đại kỳ, vừa ráp xong một máy chánh nên không thể rời cầu di tản được. Chiến hạm đành phải bỏ lại và HT Tần cùng với toàn thể thủy thủ đoàn di tản sang chiến hạm bạn. HT Tần sau đó đã di tản sang HQ.2 và được chỉ định giữ chức XLTV Hạm Phó thay thế vị Hạm phó không di tản để điều động thủy thủ đoàn trong suốt cuộc hải trình từ khi rời Sài Gòn cho đến khi cặp bến Subic Bay.

HQ.616: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Lê Văn Điển (Khóa 15 SQHQ/NT) không muốn di tản vì lý do gia đình. Hạm phó và thủy thủ đoàn muốn di tản nên đã yêu cầu HT Tần từ HQ.619 cặp kế bên sang chỉ huy đưa chiến hạm tách bến. Chiến hạm rời bến khá sớm nhưng khi vừa tới công trường Mê Linh thì hai máy chánh đột nhiên bất khiển dụng, nhờ nước thủy triều đang lên nên đẩy chiến hạm trôi tấp vào HQ.2 đang cặp phía ngoài cùng tại cầu B. Tất cả 2 thủy thủ đoàn nhập hạm HQ.2 và được HT Đinh Mạnh Hùng chỉ định gia nhập vào thủy thủ đoàn đang thiếu hụt để cùng đưa chiến hạm tháo giây tách bến.

2.8 Cầu K

Chỉ có HQ.13 cập cầu này.

HQ.13: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Vương Đắc Ân (Khóa 10 SQHQ/NT) chiến hạm đang đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng từ tháng 11/1974 đến ngày 25-04-1975 mới hoàn tất và chuẩn bị thử máy đường trường. Hạm trưởng Ân vắng mặt trong ngày ấy, cũng như lệnh cấm quân làm cho nhiều nhân viên không thể vào cổng HQCX vào chiến hạm kịp nên việc thử máy đường trường đành hủy bỏ. Chiến hạm không được lên danh sách sẵn sàng di tản nên cuối cùng phải bỏ lại. CSVN sau này sử dụng vẫn giữ nguyên tên HÀ HỒI và đổi thành HQ.07.

2.9 Cầu L

Gồm các chiến hạm HQ.502, HQ.501, HQ.503, HQ.504 và HQ.11.

HQ.502: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Tánh (Khóa 11 SQHQ/NT) chỉ huy. Chiến hạm trong thời gian đại kỳ chưa hoàn tất nhưng hạm trưởng cùng nhân viên và các quân nhân quá giang đồng tâm hiệp lực lèo lái chiến hạm ra đi. Chiến hạm được tầu giòng Ty Quân Cảng do HQ Trung Tá Hà Hiếu Diệp (Khóa 10 SQHQ/NT phụ giúp rời cầu L lúc 01.00 giờ sáng, chỉ với một máy khiển dụng, lái tay què quặt (bẻ lái tối đa 15 độ) nhưng cũng đưa được chiến hạm ra ngoài cửa biển chở theo tổng cộng 3070 người (theo ghi chú của Hải Quân Hoa Kỳ tại căn cứ Subic Bay ghi nhận được, đây là chiến hạm chở được số người đông đảo nhất trong tất cả các chiến hạm. Khi ra đến điểm tập trung tại Côn Sơn HQ.502 bị bất khiển dụng hoàn toàn và được HQ.16 kéo đi Phi Luật Tân.

(Bài đọc thêm: Chuyến Di Tản Của Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 - Phan Lạc Tiếp)

HQ 501: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Võ Duy Kỷ (Khóa 11 SQHQ/NT) ở lại cố tìm kiếm thân nhân vì nhiều người trong gia đình bị thất lạc khi các tỉnh địa đầu thất thủ. Cuối cùng chiến hạm không người chỉ huy đành ở lại; tàu bị hỏng máy bất khiển dụng nhưng cũng phải tháo giây nhờ tầu giòng Ty Quân Cảng đưa chiến hạm qua cầu khác để HQ 502 bên trong có thể tách bến.

HQ.503: Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc (Khóa 11 SQHQ/NT). Chiến hạm bị thiệt hại nặng nề vì trúng pháo VC tại eo biển Cà Ná, Phan Rang chiều 18-04-1975 gây cho 5 chiến hữu tử thương và 19 nhân viên bị thương, trong đó có cả hạm trưởng bị trúng mảnh đạn vào đầu, HT Lộc mang mảnh đạn trên đầu đau nhức suốt 30 năm trường, cuối cùng phải lên bàn giải phẫu để gắp mảnh đạn ra nhưng đã không qua khỏi, từ giã cõi đời tháng 03/2005. Vì thế, chiến hạm không sẵn sàng di tản nên đành bỏ lại. Hạm trưởng Lộc và một số nhân viên di tản sang những chiến hạm khác.

(Bài đọc thêm: Dương Vân Hạm Vũng Tàu HQ 503 -KS Nguyễn Văn Phảy (Germany)

HQ.504: Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Như Phú (Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt), chiến hạm đầy đủ hai máy khiển dụng nhưng hạm trưởng quyết định không di tản, muốn cố giữ chiến hạm ở lại nên một số nhân viên đã nhảy sang HQ.11 lúc chiến hạm này tháo giây tách bến. Chiến hạm được VC sử dụng và đổi số hiệu thành HQ.505 cho đến năm 1988 bị Hải Quân Trung Cộng bắn hư hại nặng nề trong vụ tranh chấp đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa phải ủi vào đảo để khỏi bị vô nước chìm. Sau khi hàn vá sơ sài những lỗ đạn bị thủng quanh thân tàu, VC đã đưa chiến hạm chạy về đất liền sửa chữa nhưng vì trong mùa biển động, tàu chạy sóng ngang phá tung những chỗ hàn vá nên đã bị chìm xuống đáy biển sâu.

(Bài đọc thêm: Số phận đặc biệt của tàu HQ-505 từng tham gia trận Gạc Ma)

HQ.11: HQ Thiếu Tá Phạm Đình San (Khóa 10 SQHQ/NT) làm Hạm trưởng, chiến hạm công tác triền miên tăng phái cho Vùng 2 Duyên Hải rồi tham dự các cuộc di tản lui binh bắt đầu từ Qui Nhơn rồi đến Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy rồi tới đảo Phú Quý. Đến sáng 28-04-1975, chiến hạm về đến Vũng tàu, nơi đây đang bị pháo kích dồn dập, BTL/Vùng 3 Duyên Hải phải di tản ra HQ.802. Đến trưa, Vũng tàu trong cơn hỗn loạn, HQ.11 đã một mình vào sông Lòng Tàu về Sài Gòn trong khi các chiến hạm bạn ngại ngùng không dám chạy theo. Về đến bến Bạch Đằng thì lễ nhậm chức của tân Tổng Thống Dương Văn Minh vừa xong, HQ.11 về đến nơi vẫn không xin được vị trí cặp cầu nên đành thả neo giữa sông trước mặt Sở Hàng Hà. Đúng lúc có 3 chiếc A.37 oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất, thả bom xong chúng còn đảo vòng trên sông Sài Gòn nên bị phòng không từ các chiến hạm bắn lên dữ dội. Sau đó HQ.11 vào cặp cầu L, vị trí 5 cạnh HQ.504 với khói lửa chiến tranh phủ trùm bầu trời thủ đô trong đêm đó. Chiều hôm sau, từng đoàn người tràn xuống các cầu tàu từ cổng chánh HQCX, chiến hạm nhận lệnh di tản nhưng chỉ ra đi sau khi hạm trưởng đón được gia đình lên chiến hạm và tháo giây rời cầu lúc 11 giờ đêm. Quá giang có HQ Đại Tá Đỗ Kiểm TMP/Hành Quân của BTL/HQ, sử dụng hệ thống truyền tin trên chiến hạm để điều động các chiến hạm rời bến trong đêm. Chiến hạm bị cong trục láp nên chỉ chạy hai máy tiến hai, vận tốc 5 knots mà thôi. Ra đến điểm tập trung tại Côn Sơn vào sáng ngày 01-05-1975 và hôm sau vào đội hình di tản, là chiến hạm dẫn đầu Hạm Đội hướng về Subic Bay và làm lễ hạ kỳ trưa 07-05-1975. Chiến hạm đã đưa được 410 đồng bào đến bến bờ tự do, cộng thêm thủy thủ đoàn với quân số là 48 người.

(Bài đọc thêm: Hộ Tống Hạm HQ 11 - Những Ngày Biến Loạn Tháng Tư Đen -Vũ Ngọc Văn)
Chút Tình Chiến Hữu Xa Xưa - Vũ Ngọc Văn

2.10 Cầu U

Gồm các chiến hạm HQ.615, HQ.600, HQ.604.

HQ.615: Hạm trưởng HQ Thiếu Tá Phạm Văn Diên (Khóa 14 SQHQ/NT). Chiến hạm rời bến vào chiều tối 29-4 cùng với một số sĩ quan HQ/K.14 nhưng sau đó bị hư máy, trôi giạt qua bên Thủ Thiêm. Nhờ nỗ lực vượt bực của hạm trưởng và các sĩ quan quá giang sửa lại được một máy; hạm trưởng Diên đưa tầu cập cầu Sở Hàng Hà, đón được gia đình. Trên đường ra khơi, HQ 615 còn đón HQ Trung Tá Nguyễn Văn Nghĩa, Quận Trưởng quận Quảng Xuyên tại ngã ba sông Soài Rạp – Nhà Bè đang ở trên PBR. Chiến hạm ra tới Vũng Tàu vào sáng 30-4, sau đó tới điểm tập trung Côn Sơn. Tại đây, vì tình trạng kỹ thuật quá kém, HQ 615 cập vào HQ 800 để chuyển người sang rồi hạm trưởng được lệnh mở “lỗ lù” (valve de coque) để nước ngập làm chìm tầu. Tuần Duyên Hạm Tây Sa vĩnh viễn ở lại lòng biển Côn Sơn.

HQ.600: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Phạm Văn Chí (Khóa 15 SQHQ/NT) di tản trong đêm và tập trung tại Côn Sơn. Sau đó chiến hạm được lệnh đánh chìm sau khi đã chuyển người di tản sang chiến hạm khác.

HQ.604: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Thanh Lộc (Khóa 15 SQHQ/NT, Thủ khoa) rời bến cùng lúc với các chiến hạm bạn lúc hoàng hôn. Sau dó HT Lộc đổi ý không di tản, giao quyền chỉ huy chiến hạm cho các sĩ quan khác lèo lái chiến hạm ra khơi rồi đến điểm hẹn tại Côn Sơn. Cũng như đa số các chiếc PGM khác thủy thủ đoàn được lệnh chuyển sang chiến hạm lớn hơn sau khi đã mở “lỗ lù” đánh chìm chiến hạm.

2.11 Cầu V

Gồm các chiến hạm HQ.490, HQ.473, HQ.605

HQ.490: Chiến hạm chưa có hạm trưởng vì chưa tân đáo nên phải bỏ lại vì không có người chỉ huy.

HQ.473: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Thụy Đào (Khóa 13 SQHQ/NT) chỉ huy chiến hạm di tản, rời bến sau mặt trời lặn. Đến điểm tập trung Côn Sơn, HQ.473 được TL/HQ chỉ định đưa các quân nhân Hải quân không muốn di tản trở về Vũng Tàu. Thủy thủ đoàn lên HQ.801 di tản sang Subic Bay, giao quyền chỉ huy cho HT Nguyễn Phú Bá chở tất cả những người quyết định quay về của Hạm Đội rồi trở lại Vũng Tàu. Chiến hạm về tới Vũng Tàu sáng ngày 02-05-1975 và Hải Quân VC đã tạm giữ thủy thủ đoàn ở lại trên tàu để huấn luyện cho họ vài tuần lễ rồi mới ký giấy cho trở về nguyên quán trước khi lên đường học tập cải tạo.

HQ.605: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Trịnh Như Toàn (Khóa 15 SQHQ/NT). Đầu tháng 3, chiến hạm tăng phái cho V1DH, sau đó lui dần về V2DH. Sáng ngày 2-4, chiến hạm cùng với HQ 231 được lệnh thám sát vùng bờ biển Nha Trang mới bị bỏ ngỏ vào đêm 31-3. Khi tới Cầu Đá, HQ 605 bị pháo Việt Cộng từ đỉnh Hòn Tre bắn xuống khiến vỏ tầu bị nứt vì sức ép của đạn pháo, nước vào bên tả hạm, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Sau mấy tháng công tác liên tiếp, chiến hạm về Sài Gòn sửa chữa khẩn cấp chưa hoàn tất nhưng cũng vẫn tuân hành lệnh di tản. HQ 605 rời cầu V lúc 10 giờ 30 tối, tập trung ra Côn Sơn. Tại đây chiến hạm được lệnh tháo valve nước đánh chìm và thủy thủ đoàn chuyển qua HQ 5 để sang Subic Bay.

2.12 Ụ Lớn

HQ 405: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Ninh Đức Thuận (Khóa 13 SQHQ/NT). Chiến hạm trong thời gian đại kỳ, là chiến hạm duy nhất đang nằm trong ụ lớn. Chiến hạm để lại cho VC sử dụng sau này.

2.13 Ụ Nổi

3. NHÀ BÈ

HQ 800: chiến hạm neo tại ngã ba sông Nhà Bè, được chỉ định đón ban tham mưu của BTL/HQ và nhận lệnh thẳng từ TL/HQ Chung Tấn Cang. Ngày 25-04-1975 HQ Trung Tá Trương Văn Thịnh (Khóa 11 SQHQ/NT) bị cách chức hạm trưởng vì đưa gia đình xuống chiến hạm quá sớm không xin phép. HQ Trung Tá Dương Hồng Võ (Khóa 9 SQHQ/NT) được chỉ định làm hạm trưởng ngay hôm sau đó. Đêm 29-04-1975 sau khi BTL/HQ di tản, HQ.800 ra khơi và đến điểm tập trung tại Côn Sơn chiều 30-04-1975. Chiến hạm theo Hạm Đội trực chỉ Subic Bay chở theo 1100 đồng bào di tản và thủy thủ đoàn quân số 64 người.

(Bài đọc thêm: Lễ Hạ Kỳ Trên Dương Vận Hạm Mỹ Tho HQ 800 - Trần Văn Thế)

4. NGOÀI KHƠI VŨNG TÀU

HQ.802: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Vũ Quốc Công (Khóa 10 SQHQ/NT). Vào ngày 22-3, trong lúc đang công tác tại Phú Quốc, chiến hạm được lệnh khẩn cấp ra V1DH. Tại đây, HQ 802 đã hoàn tất nhiệm vụ khó khăn đón quân Sư Đoàn 2 BB tại Chu Lai và TQLC tại Đà Nẵng. Trên HQ 802 đã từng có sự hiện hiện của nhiều Tướng Tư Lệnh như PĐĐ Hồ Văn Kỳ Thoại, Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Chuẩn Tường Trần Văn Nhựt. Hoàn tất mỹ mãn công tác trao phó, chiều 31-3 chiến hạm về đến Vũng Tầu, cập cầu Alaska đổ TQLC lên bờ, sau đó được đặt dưới sự điều động của V3DH. Khi Vũng Tầu thất thủ, vào khoảng 6 giờ tối 29-4, Phó Đề Đốc Vũ Đình Đào Tư Lệnh Vùng 3 Duyên Hải ban lệnh cho các chiến hạm trong vùng: “Vận chuyển tự do” rồi cùng một số tướng lãnh khác di tản lên chiến hạm. Hạm trưởng Công đã trực chỉ chiến hạm tiến thẳng sang Subic Bay và cặp bến ngày 05-05-1975 với rất đông quân dân tị nạn từ Vũng Tàu. Không có ghi nhận chính xác số người đến bến Subic Bay.

(Bài đọc thêm: Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long HQ 802 - Những Ngày Cuối Trên Biển Đông - Vũ Quốc Công)

HQ.400: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Võ Quang Thủ (Khóa 11 SQHQ/NT) chiều 29-04-1975 sau khi nhận lệnh “Vận chuyển tự do” còn neo tại cửa biển Vũng Tàu, bị VC pháo ra chiến hạm tới tấp. HT Thủ phải cho lệnh chặt neo chạy thoát rồi trực chỉ thẳng sang Subic Bay, vì lúc đó không nhận lệnh của bất cứ giới chức HQVN nào khác. Chiến hạm đến Subic Bay ngày 04.05.1975 là chiến hạm di tản đến Phi sớm nhất.

HQ.16: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Lê Văn Thì (Khóa 9 SQHQ/NT) vừa thay thế HQ Trung Tá Trần Trọng Hải (Khóa 11 SQHQ/NT) từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Chiến hạm yểm trợ hải pháo ngoài khơi Vũng Tàu cho đến khi Vũng Tàu mất, rồi đến khi lệnh đầu hàng của TT Dương văn Minh ban ra, HT Thì đã đưa chiến hạm trực chỉ Côn Sơn theo lệnh không kịp đón rước gia đình. Lúc khởi hành đi Subic Bay, HQ.16 đã kéo theo HQ.502 vì bất khiển dụng hoàn toàn. HQ.16 với thủy thủ đoàn quân số còn đầy đủ 119 người, chở theo 355 quân dân di tản vớt được từ các ghe thuyền ngoài khơi Vũng Tàu.

HQ.12: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Lê Xuân Thu (Khóa 9 SQHQ/NT). Chiến hạm cũng yểm trợ hải pháo ngoài khơi Vũng Tàu liên tiếp mấy ngày qua. Đến khi Vũng Tàu thất thủ, HT Thu vẫn cho chiến hạm tiếp tục tuần tiễu ngoài khơi Vũng Tàu chưa chịu di tản. Chiến hạm đón tiếp HQ.403 từ bến Bạch Đằng chạy ra biển và để Hạm trưởng HQ.403 Nguyễn Thành Danh cùng một số nhân viên nhập hạm cùng di tản; đồng thời hạm phó Phan Văn Trạng (Khóa 15 SQHQ/NT)cùng một số nhân viên HQ.12 không muốn ra đi xuống HQ.403 ở lại. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chiến hạm ra tập trung tại Côn Sơn rồi theo đội hình hải trình lưu vong làm kiếp di tản buồn. Chiến hạm với thủy thủ đoàn tổng hợp với 84 người, chở theo 151 đồng bào di tản đến Subic Bay.

HQ.6: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Phước Đức (Khóa 10 SQHQ/NT) ngày 28-04-1975 chiến hạm đang chở khá đông quân dân di tản từ các tỉnh Bình Tuy – Phan Thiết nhưng không được lệnh đưa số người này vào cảng Vũng Tàu vì nơi đây đang tràn ngập người di tản sợ thêm hỗn loạn. Đến khi Vũng Tàu bị pháo kích dồn dập và tình hình chiến sự càng thêm đen tối, HQ.6 được lệnh đưa số người di tản ra Phú Quốc. Rồi lệnh “vận chuyển tự do” kế tiếp, vì vợ con đang cư ngụ tại tỉnh Rạch Giá, HT Đức đã cho chiến hạm đi vòng qua mũi Cà Mau đến Hòn Tre để tìm tàu nhỏ vào tỉnh Kiên Giang đón gia đình đưa ra chiến hạm để cùng di tản. Nhưng ý muốn trên không thể thực hiện được vì VC đã tiến chiếm nhiều nơi. HT Đức đành để vợ con kẹt lại quê hương, đưa chiến hạm quay về điểm tập trung tại Côn Sơn và cùng đoàn chiến hạm hướng về Subic Bay. Tổng số quân dân di tản trên chiến hạm là 1204 cộng thêm quân số thủy thủ đoàn là 112 người.

HQ.5: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh (Khóa 11 SQHQ/NT) chỉ huy chiến hạm ra điểm tập trung Côn Sơn, chở theo HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê tân Tư Lệnh Hạm Đội rồi theo Hạm Đội di tản sang Subic Bay. HQ.5 đã tham dự chiến trận không ngừng nghỉ từ khi Đà Nẵng sắp sửa di tản cho đến cửa biển Vũng Tàu lọt vào tay Cộng sản. Đến lúc nhận lệnh tan hàng, HQ.5 đã cứu vớt được 1420 quân dân di tản, cộng thêm thủy thủ đoàn còn lại 80 người đến điểm tập trung tại Côn Đảo và sau đó hướng về Phi Luật Tân bắt đầu cho kiếp lưu vong. HQ.5 là một trong 4 chiến hạm tham dự hải chiến Hoàng Sa và HT Quỳnh là vị hạm trưởng chỉ huy liên tiếp 7 chiến hạm, hiện đang định cư tại Sacramento, California.

HQ.07: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Trần Nam Hưng (Khóa 10 SQHQ/NT) tham dự hầu hết các cuộc di tản từ Huế, Đà nẵng đến các tỉnh duyên hải Miền Trung đến khi Vũng tàu thất thủ, vẫn lảng vảng ngoài khơi cho đến khi Sài Gòn mất, HT Hưng mới quyết định đưa chiến hạm ra Côn Sơn vì vợ con còn kẹt lại, sau khi giải quyết êm thắm cho một số cơ hữu đón ghe đánh cá quay về đât liền. Chiến hạm ra đến Côn Sơn chiều 30-04-1975 và vẫn tuân hành kỷ luật đi theo đội hình cho đến Subic Bay. Chiến hạm chở theo 431 quân dân di tản và thủy thủ đoàn 73 người.

HQ.505: Hạm trưởng là HQ Trung Tá Nguyễn Văn Nhượng (Khóa 9 SQHQ/NT) sau khi được lệnh “vận chuyển tự do” đã âm thầm đưa chiến hạm đến vùng biển Phú Quốc để đón một số chiến hữu HQVN phục vụ tại các đơn vị Phú Quốc, sau đó mới lên đường đi Côn Sơn. Đến nơi thì Hạm Đội đã trên đường di Subic Bay rồi, chiến hạm sau đó theo sự hướng dẫn của Hải Quân Hoa Kỳ đi Subic Bay sau đó. Chiến hạm đã cứu vớt được 1768 đồng bào di tản cùng với thủy thủ đoàn là 72 người.

(Bài đọc thêm: Tháng Tư, cả một đời người trước - Nguyễn Nhật Cường)

HQ 618: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Trần Văn Dùng (Khóa 16 SQHQ/NT) đang biệt phái V3DH. Lúc 6 giờ chiều 29-04-1975, khi nhận được lệnh "tự do vận chuyển", chiến hạm cùng với HQ 229 và HQ 608 định về Sài Gòn bằng ngả sông Soài Rạp để đón gia đình thủy thủ đoàn, nhưng khi vào tới Vàm Láng, hạm trưởng Dùng đổi ý, cùng với HQ 229 quay ra đi tới điểm tập trung Côn Sơn theo lệnh của TL/HQ. Vì tình trạng kỹ thuật tốt nên HQ.618 cùng với HQ.608 là hai chiếc PGM nhập vào đội hình cùng với Hạm Đội trực chỉ Subic Bay chứ không phải chung số phận bị đánh chìm như đa số các chiến hạm loại nhỏ khác.

HQ.229: Hạm trưởng là HQ Thiếu Tá Vương Thế Tuấn (Khóa 15 SQHQ/NT) đang hoạt động ngoài khơi Vũng Tầu yểm trợ hải pháo cho quân Lữ Đoàn 1 Dù rút về từ Xuân Lộc do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh tại khu vực cầu Cỏ May. Khi nhận được lệnh "tự do vận chuyển" của PĐĐ Vũ Đình Đào chuyển bằng bạch văn vào khoảng 6 giờ chiều ngày 29/4/75, HQ 229 và HQ 618 quyết định về Saigòn bằng đường sông Soài Rạp để đón gia đình thủy thủ đoàn, sau đó có thêm HQ 608 nhập đoàn. Vào tới Vàm Láng, HQ 229 nhận được công điện tập trung tại Côn Sơn, đồng thời qua radar thấy nhiều echo của các chiến hạm bạn từ Sài Gòn đi ra. Hạm trưởng Tuấn đổi ý quay ra để đi Côn Sơn theo lệnh của TL/HQ. HQ 618 đồng ý, riêng HQ 608 muốn về SG. Hạm trưởng Tuấn tập họp nhân viên thông báo cho họ biết "ai muốn đi thì ở lại chiến hạm, còn ai muốn về thì qua HQ 608". Có khoảng 20 nhân viên HQ 229 đã theo HQ 608 để về SG; lúc đó là 12 gìờ đêm ngày 29/4. Cuối cùng cả thủy thủ đoàn HQ 229 đưa chiến hạm ra tập trung tại Côn Sơn và ra đi sang Subic Bay không ai mang được gia đình cả. HT Tuấn sau này đã xin hồi hương theo con tàu Việt Nam Thương Tín, phụ tá cho thuyền trưởng Trần Đình Trụ, giữ chức thuyền phó hải hành, đưa chiếc VNTT về đến Vũng Tàu ngày 16-10-1975. HT Tuấn bị đi học tập cải tạo như bao sĩ quan khác, khi được thả về, đã lái một chiếc ghe chở vợ con và nhiều người khác đến được bến bờ tự do.

> HQ.471: Hạm trưởng HQ Thiếu Tá Lý Thành Thông (Khóa 16 SQHQ/NT), có mặt tại Côn Sơn và cũng đến Subic Bay. Chiến hạm chở rất đông đồng bào di tản tới 470 người và thủy thủ đoàn là 30.

HQ.472: Hạm trưởng là HQ Đại Úy Lê Châu An Thuận (Khóa 13 Hàng Hải Thương Thuyền). Vào những tháng cuối cuộc chiến, HQ 472 công tác liên miên khắp các Vùng Duyên Hải, hoàn tất tốt đẹp công tác tiếp tế nhiên liệu cho những chiến hạm đang hoạt động trên biển và Căn Cứ Yểm Trợ nên máy móc bị hư hỏng nhiều. Ngày 29-4 Hạm trưởng Thuận đưa tầu về về Sài Gòn để sửa chữa và đón thân nhân nhưng đã quá trễ.

(Bài đọc thêm: Hỏa Vận Hạm HQ 472 trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến - Lê Châu An Thuận)

HQ.608: Hạm trưởng là HQ Đại Úy Nguyễn Trung Tú (HHTT), sau những chuyến công tác dài tại V3DH, tối 29-4-1975 khi nhận được lệnh "tự do vận chuyển", HQ 608 cùng với HQ 229 và HQ 618 định trở về Sài Gòn bằng đường sông Soài Rạp đón thân nhân, nhưng mới tới Vàm Láng nghe được lệnh tập trung tại Côn Sơn, hai chiến hạm bạn tuân lệnh quay ra biển, HQ 608 vẫn can đảm tiếp tục hành trình. Khi tới thương cảng, hạm trưởng Tú ghé tầu vào bến Tân Thuận gần Khánh Hội rồi lên bờ về đón gia đình, còn chiến hạm do hạm phó chỉ huy vào tới quân cảng, cập cầu A gần BTL/HQ cho tới sáng 30-4 nhưng không đón được hạm trưởng. Đúng lúc đó hai Trung Tướng Vĩnh Lộc và Trần Văn Trung ra bến Bạch Đằng tìm phương tiện di tản. HQ 608 đón hai vị tướng lãnh rồi xuôi giòng ra khơi, không có hạm trưởng Tú đi cùng. Tối 30-4, chiến hạm tới Vũng Tầu sau đó trực chỉ Côn Sơn theo Hạm Đội tiến về Subic Bay. Sau này vào năm 1980, hai vị hạm trưởng Vương Thế Tuấn HQ 229 và Nguyễn Trung Tú HQ 608 lại trùng phùng trong trại tù Tân Kỳ trong hoàn cảnh éo le dở khóc dở cười vì người này cứ tưởng người kia đã may mắn cập bến tự do!

5. TRƯỜNG SA

HQ.17 và HQ.14

HQ.17: Hạm Trưởng là HQ Trung Tá Trương Hữu Quýnh (Khóa 11 SQHQ/NT) trong mấy ngày trước được lệnh cùng với HQ.14 ra tuần tiễu bảo vệ quần đảo Trường Sa vì các chiến hạm của các nước tranh chấp đang lhăm le chiếm đảo của VNCH. Hai chiến hạm này vẫn tuân hành mệnh lệnh cho đến sáng ngày 29-04-1975 thì được lệnh quay về đất liền. Các chiến hạm này về đến ngoài khơi Vũng Tàu sáng 29-04-1975 thì gặp Hạm Đội HQVN đang di tản ra khơi. Thế là cả hai vị hạm trưởng cho lệnh tập họp thủy thủ đoàn để lấy quyết định tức khắc, ai muốn ở lại quê hương thì đón ghe đánh cá quay vào bờ, anh em nào ra đi tiếp tục ở lại chiến hạm. Một số quay về với gia đình, đa số ra đi một thân một mình vì không thể đón vợ con. Chỉ có HT Quýnh may mắn gặp được vợ con đang quá giang trên HQ.11 đang trên đường ra biển và sau đó được đoàn tụ trên HQ.17. Chiến hạm sau đó nhận lệnh san sẻ đồng bào di tản trên các con tàu hư hỏng khác trước khi nhập đội hình đi Subic Bay. HQ.17 đã chuyên chở được 713 quân dân di tản và thủy thủ đoàn tương đối đầy đủ là 83 người.

(Bài đọc thêm: Chuyến Hải Hành Cuối Cùng - Trương Hữu Quýnh
Kỷ Niệm Đời Quân Ngũ - Lê Ngọc Trùng Dương)

HQ.14: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Phạm Thành (Khóa 13 SQHQ/NT) chiến hạm bị Không quân VNCH thả bom lầm chiều ngày24-03-1975 làm cho 5 nhân viên tử thương và 20 nhân viên khác bị thương. Vì thế chiến hạm được lệnh về Đà Nẵng tản thương và sửa chữa khẩn cấp. Thành phố Đà Nẵng trong cơn hỗn loạn, tràn ngập đồng bào tản cư từ Huế đổ về nên cuối cùng phải chở một số quân nhân di tản cùng các chiến hữu bị thương chạy về Vũng Tàu cho dân chúng vô bờ rồi khởi hành về Sài Gòn sửa chữa trong 2 tuần. Sau đó, chiến hạm ra khơi tham dự công tác tuần tiễu bảo vệ các tỉnh Bình Thuận, Phan Thiết đến khi Phan Rang thất thủ. HQ.14 cùng với Tuần Dương Hạm HQ.17 trực chỉ Trường Sa bảo vệ chủ quyền các quần đảo này vì có nhiều chiến hạm nước khác trong vùng biển tranh chấp. Trưa 29-04-1975 chiến hạm được lệnh trở về Vũng Tàu thì nhận một tin quá bất ngờ là HQVN đã ra khơi và TT Dương Văn Minh đã đầu hàng, lúc đó toàn thể thủy thủ đoàn không ai đón được vợ con, thân nhân đi cùng vì quá bất ngờ. Chiến hạm ra đến điểm tập trung tại Côn Sơn rồi hôm sau theo Hạm Đội lên đường sang Subic Bay. Tối hôm đó, HT Thành nhận được tin vui từ Soái hạm HQ.3 gọi đến, báo tin vợ con anh đã di tản từ Sài Gòn, xuống được HQ.3 an lành và đang chờ nói chuyện trên hệ thống âm thoại. HT Thành sau đó đã đón được vợ và đứa con gái sang chiến hạm của mình để rồi sau đó định cư tại tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cho đến ngày nay. HT Thành là vị hạm trưởng sáng giá nhất của khóa 13, đã từng làm hạm trưởng liên tiếp 5 chiến hạm: HQ.612, HQ.470, HQ.228, HQ.404 và HQ.14. Chiến hạm sang đến Subic Bay với một thủy thủ đoàn hùng hậu là 184 nhân viên, quân dân tị nạn chỉ có 65 người từ các tàu thuyền nhỏ cặp vào chiến hạm ngoài khơi Vũng Tàu.

(Bài đọc thêm: HQ 14 Và Những Tháng Cuối Cùng Của Cuộc Chiến - Phạm Thành)

6. VÙNG 4 SÔNG NGÒI

HQ.231: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Phước (Khóa 15 SQHQ/NT). Chiến hạm được biệt phái cho Liên Đoàn 3 Tuần Thám hoạt động tại vùng Tân Châu, Hồng Ngự do HQ Thiếu Tá Nguyễn Thìn tức nhạc sĩ Trường Sa (Khóa 12 SQHQ/NT) làm Liên Đoàn Trưởng; Bộ Chỉ Huy đặt trên chiếc Cơ Xưởng Nổi HQ 9613 do Đại Úy Phạm Văn Bảy chỉ huy, neo tại vàm An Long đầu kinh Đồng Tiến dẫn vào Phước Xuyên. Khi mất liên lạc với các giới chức thẩm quyền, HT Phước đã chỉ huy chiến hạm xuôi dòng Tiền Giang về ngang Căn Cứ Hải Quân Đồng Tâm, nơi đây giới chức thẩm quyền đã di tản nên HT Phước đành đưa chiến hạm chạy ra biển theo ngã Cửa Tiểu rồi tập trung tại điểm hẹn Côn Sơn. Cuối cùng theo đội hình cùng với các chiến hạm bạn tiến về Subic Bay. HT Phước ghi danh về theo con tàu Việt Nam Thương Tín, giữ chức thuyền phó đặc trách kỹ thuật và bị VC bắt đi tù cải tạo tới 12 năm, cuối cùng mới được định cư sang Hoa Kỳ theo diện HO muộn màng. Chiến hạm rời quê hương với thủy thủ đoàn là 58 người chở theo 64 quân dân quá giang.

(Bài đọc thêm: HQ 231 Những Ngày Cuối - Nguyễn Văn Phước)

HQ.228: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Hoàng Be (Khóa 12 SQHQ/NT) tối 29-04-1975 chiến hạm đang cặp cầu BTL/Vùng 4 Sông Ngòi tại Bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Đến nửa đêm đó, chiến hạm tách bến xuôi dòng Hậu Giang ra biển, chở theo các quân nhân thuộc V4SN và gia đình di tản, trong đó có Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tư Lệnh V4SN, Chuẩn Tướng Chương Dềnh Quay TMT/Quân Đoàn 4… Chiến hạm ra khơi, liên lạc vô tuyến tốt và đến điểm tập trung tại Côn Sơn rồi gia nhập đội hình tiến về Subic Bay. Với một thủy thủ đoàn vỏn vẹn 37 người, chở theo 112 quân dân di tản.

7. PHÚ QUỐC

HQ.230: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Nguyên (Khóa 11 SQHQ/NT), rời cầu BTL/V4DH sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, sau đó đón HQ Đại Tá Nguyễn Văn Thiện Tư Lệnh V4DH từ một chiếc Yabuta lên chiến hạm và tiến ra đảo Thổ Châu tập trung tại đó. Sau đó là soái hạm hướng dẫn 3 chiến hạm bạn tiến về Singapore để tìm đường đi Úc Đại Lợi. Khi đến Singapore, nhận tin chính phủ Úc đã công nhận CSVN nên đoàn tàu đổi ý không đi Úc nữa, đổi hướng tiến về Subic Bay với sự hướng dẫn của Hải Quân Hoa Kỳ đến nơi vào ngày 18-05-1975. Chiến hạm đến Subic Bay điểm danh với quân số thủy thủ đoàn là 40 người, cộng thêm 105 quân nhân quá giang di tản từ Phú Quốc và đảo Thổ Châu.

HQ.330: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Anh (Khóa 13 SQHQ/NT) cũng tương tự như HQ.230, chở một số quân nhân tỵ nạn rời Phú Quốc không rõ số lượng.

HQ.331: Hạm Trưởng là HQ Thiếu Tá Phan Tấn Triệu (Khóa 15 SQHQ/NT) cũng rời An Thới tiến ra đảo Thổ Châu, nhưng chiến hạm bị cháy hầm máy cả hai máy chánh đều hư hỏng, được HQ.330 dòng theo trong suốt cuộc hải trình di tản.

HQ.602: Hạm Trưởng là HQ Đại Úy Ngô Minh Dương (Khóa 15 SQHQ/NT cũng tương tự như ba chiến hạm trên. Sau khi rời hải cảng Singapore và bắt đầu hải trình đi Subic Bay, HQ.602 bỗng nhiên bặt vô âm tín với 3 chiến hạm bạn. Lý do vì HT Dương cương quyết không đồng ý đem tầu về đầu hàng Việt Cộng nên một số nhân viên chiến hạm gồm 2 sĩ quan và vài HSQ muốn lập công với chủ mới đã âm mưu nổi loạn. Một Hạ Sĩ CK đã dùng búa phòng tai giết chết HT Dương trong lúc ông đang bận rộn trên đài chỉ huy tận tụy thi hành nhiệm vụ của một hạm trưởng, rồi ném xác xuống biển. Những nhân viên khác đang làm việc trên đài chỉ huy cũng bị đe dọa và uy hiếp. Nghe động tịnh, hạm phó từ phòng ngủ chạy lên cũng bị uy hiếp bằng súng M 16. Sau đó đám nổi loạn ép buộc hạm phó đưa tầu về Sài Gòn. HQ 602 cập bến Sài Gòn vào thượng tuần tháng 5-75 cùng với một sồ thương thuyền khác. Việt Cộng không bỏ lỡ cơ hội tổ chức đón tiếp rầm rộ để tuyên truyền chính sách khoan hồng bịp bợm. Ngay sau đó vị hạm phó Khóa 20 SQHQ/NT bị tù trên 5 năm, hai tên sĩ quan phản bội cũng cùng chung số phận. Như vậy, đoàn 4 chiến hạm di tản từ Phú Quốc chỉ còn lại 3 chiếc, và khi cặp bến Subic Bay, HQ.230 được HQHK điểm danh lên bờ với tổng cộng 145 người.

HQ Đại Úy Ngô Minh Dương, hạm trưởng Tuần Duyên Hạm HQ 602 Minh Hoa nhất quyết không đem chiến hạm đầu hàng Việt Cộng, đã can đảm và anh dũng hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ. Ông đã hết lòng với "Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm". Hạm Trưởng Ngô Minh Dương rất xứng đáng được tưởng nhớ và vinh danh trong Hải Sử VNCH.

(Bài đọc thêm: Vùng IV Duyên Hải Những Ngày Cuối - Nguyễn Hữu Duyệt, AET2767)


Trở về --->

logo chien ham


Free Web Hosting