co bay

THỦY LỘ SÔNG LÒNG TÀO

logo ham truong logo chien ham logo ham truong
(Số Độc Giả: )

Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử - Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả: email camtran11@gmail.com

Hải Đồ HO 3150

Hải Đồ Thủy Lộ Sông Lòng Tào

Hải Đồ HO 3150-1

Hải Đồ HO 3150-2

Hải Đồ HO 3150-3

Bản Đồ Tham Khảo:Quân Cảng Sài Gòn - Phương Vị Chiến Hạm Ra Khơi
Bài Đọc Thêm:Lược Sử Quân Cảng Sài Gòn - Phương Vị Chiến Hạm Ra Khơi - CHRK: Những Chuyện Đáng Ghi


Việt Nam là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới đã từng được mệnh danh là “bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương” với hai mùa mưa nắng nên ẩm thấp và mưa nhiều nên có rất nhiều sông, rạch. Theo thống kê, tổng cộng trên toàn quốc có trên 100 con sông uốn khúc quanh co đổ ra biển. Hệ thống sông ngòi quan trọng này từ ngàn xưa đã giúp dân ta sinh sống bằng nông nghiệp cũng như thuyền bè di chuyển tương đối dễ dàng. Điển hình, ngoài Bắc có sông Hồng, miền Trung với sông Hương và trong Nam, các nhánh sông Cửu Long đã là những động mạch chính cưu mang nuôi dưỡng toàn dân.

Ban Do thuy lo Có thể nói các giòng sông quen thuộc nói trên đã là biểu tượng cho cho mỗi vùng đất quen thuộc thân yêu của đất nước, giống như ba chị em của mẹ Việt Nam, tuy sinh ra và lớn lên tại những địa phương, hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng hòa sóng ngoài Biển Đông, chung một tình tự duyên dáng, sắc thái hiền hòa rất Việt Nam. Với tâm hồn bình dị tha thiết đó, nhiều thi, ca, nhạc sĩ đã lấy cảm hứng từ những giòng sông để sáng tác những tác phẩm bất hủ mang nặng tình tự dân tộc. Điển hình, khúc trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương với những câu man mác tình quê hương như “Ba chị em là ba miền nhưng tình thương đã nối liền, gặp nhau bên trời biển Đông thắm duуên …”. Tưởng cũng nên nói, Việt Cộng sau này đã trâng tráo đổi những lời ca hiền hòa nhẹ nhàng trong tuyệt phẩm này, như “đón đoàn dân đánh cá” thành giọng sắt máu căm thù trơ trẽn “đón đoàn dân đánh Pháp” thích hợp cho các “thống lĩnh” (!!!) quàng khăn đỏ tha hồ dàn cảnh để bầy nghệ sĩ nhân dân cháu ngoan bác Hồ mặc tình tung tăng ca múa!

Nơi miền Nam Việt Nam, ngoài hệ thống sông Cửu Long thân yêu như “chín con Rồng, ôm chặt đứa con” còn có nhiều sông ngòi chằng chịt là mạng thủy lộ quan trọng cần thiết nối liền những địa điểm quan trọng từ thành thị tới thôn quê. Tùy theo trường hợp và hoàn cảnh, hầu như mỗi chúng ta đền có ít nhiều kỷ niệm hoặc tình cảm vui buồn gắn bó với một hay nhiều giòng sông. Có thể nơi đó đã ghi dấu những cảm xúc êm đềm thời niên thiếu, hoặc đã qua lại nhiều lần hay hằn in một vài biến cố quan trọng trong cuộc đời. Riêng đối với phần lớn các chiến sĩ áo trắng HQ/VNCH và một số đồng bào di tản vào cuối Tháng Tư Đen, chắc hẳn có một giòng sông tuy ít người biết tới nhưng lại hằn sâu ấn dấu nổi bật khó quên … đó là sông Lòng Tào còn được gọi là thủy lộ Sài Gòn - Vũng Tàu nối liền thủ đô cũng là cái nôi của hạm đội với cửa ngõ ra vào Biển Đông. Giòng sông này anh em áo trắng ít ra cũng vài lần qua lại trong đời thủy thủ buồn vui, còn đối với đồng bào di tản, sông Lòng Tào cũng đã là sinh lộ đưa tới bờ bến tự do. Đây cũng là một đoạn sông quan trọng bậc nhất của miền Nam vì Sài gòn không những là một quân cảng mà còn là thương cảng lớn nhất. Sông Lòng Tào vì vậy chẳng những cần thiết phải có như một ống thở về mặt giao thông và kinh tế đối với người dân miền Nam, mà còn là nơi gắn bó tình cảm không thể quên trong lòng những ai từng mang mộng hải hồ.

saigon Bài viết sau đây hy vọng sẽ đưa quí bạn đọc và người viết ngược giòng thời gian trở về thời điểm thập niên 1970, cùng “hành hương” thăm lại đoạn thủy lộ tuy ngắn nhưng vô cùng thiết yếu và thân yêu này.

Vì nội dung bài viết liên quan ít nhiều tới câu chuyện của một thủy thủ HQ/VNCH hồi tưởng về giòng sông cũ, bờ bến xưa nên dù muốn dù không cũng sẽ có rất nhiều danh từ khá xa lạ hay khó hiểu, nhất là đối với những người thuộc thế hệ sau hoặc không quen thuộc với tàu bè sông nước. Do đó, để tiện theo dõi và dễ hiểu, bài viết xử dụng những danh từ theo đúng qui ước địa lý, hàng hải cũng như hải quân quốc tế rất thông dụng và gần gũi với người đi biển, kèm theo những định nghĩa hay giải thích căn bản nếu cần. Nhiều danh từ kỹ thuật hay chuyên môn trong bài đã rất quen thuộc nên những giải thích hay cắt nghĩa có thể dư thừa với những người đi biển, trong trường hợp này, chúng tôi thành thật cáo lỗi. Nhưng đối với độc giả không phải là “nhà hàng hải” có thể cảm thấy “chữ nghĩa” hơi khó hiểu và xa lạ, vì vậy, xin mạn phép nói qua về một số qui ước và vài định nghĩa cần thiết như sau:

- Trước hết, trân trọng mời quí độc giả đặt mình trong cương vị một “hạm trưởng ghế bành” (armchair captain) với huy hiệu “Magister Post Deum” (Chúa Tể sau Thượng Đế) hãnh diện trên ngực áo trái, oai vệ ngồi trên chiếc ghế bọc da êm ái nhất tại đài chỉ huy. Hạm trưởng đang chỉ huy chiến hạm đi từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, hay từ “thượng giòng” xuống “hạ giòng”, tức là từ nguồn của con sông đi ra cửa biển. Đây là qui ước căn bản rất cần nhớ, vì nếu tàu đi từ Vũng Tàu vào Sài Gòn, mọi phương hướng ghi trong bài viết như bờ phải, bờ trái hay phía trước, phía sau … đều thay đổi ngược lại. - Bản đồ hay hải đồ được vẽ và đọc theo thông lệ, nghĩa là nếu đặt trước mặt như trang giấy hay màn hình máy điện toán, phía trên là hướng Bắc, phía dưới là hướng Nam, bên phải là hướng Đông, bên trái là hướng Tây.

Nga - Hải đồ xử dụng trong bài viết mang tên “H.O. 3150 Rivière de Sai Gon”, tỷ lệ 1:75,000 tại vĩ độ 10°30 là tài liệu căn bản các chiến hạm thường dùng. Hải đồ này được vẽ theo các chi tiết thủy đạo do người Pháp thám sát vào năm 1932, và được tu chỉnh vào năm 1945.

- “Hữu hạm” là hông tàu phía bên phải của chiến hạm nếu đứng trên đài chỉ huy nhìn ra phía mũi tàu. Ngược lại, “tả hạm” là phía bên tay trái của chiến hạm.

- Khi nói về sông, “thượng giòng” là đầu sông, thượng nguồn hay nơi phát xuất, còn “hạ giòng” là cuối sông, nơi cửa sông đổ ra biển. Theo qui ước từ thượng nguồn nhìn xuống hạ giòng, hữu ngạn là bờ sông phía bên phải, tả ngạn là bờ sông phía bên trái. Như vậy trên bản đồ, Sài Gòn, Khánh Hội hay Nhà Bè … thuộc vể hữu ngạn, còn Thủ Thiêm, Cát Lái hay Thành Tuy Hạ … nằm bên tả ngạn.

- Sông Lòng Tào từ thượng giòng xuống hạ giòng đại cương chảy theo hướng Bắc-Nam. Nếu chiến hạm xuôi giòng từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, bờ sông bên hữu hạm (bên phải của chiến hạm) là hữu ngạn hay bờ Tây trên hải đồ, còn bờ sông bên tả hạm (bên trái của chiến hạm) là “tả ngạn” hay bờ Đông.

- Về thủy triều, khi nước dâng cao tức là nước chẩy từ biển vào sông được gọi là “nước lớn”; ngược lại khi nước rút thấp từ trong sông đổ ra biển, được gọi là nước ròng.

Ban Do thuy lo Nhân tiện, chúng tôi ghi chú thêm chút ít về các đơn vị đo lường thường dùng trên hải đồ.

- Hải lý (hl - nautical mile): theo định nghĩa đơn giản, 1 hl =1.852 km tức gần 2 km, đó là chiều dài của một “phút” chu vi trái đất tại xích đạo hay vĩ tuyến zéro, tương đương với 1 phút vĩ độ vẽ trên hải đồ. Vì mỗi một vĩ độ có 60 phút nên mỗi vĩ độ là 60 hải lý như thường thấy ghi trên thanh (hay thước) vẽ vĩ độ bên mép phải và trái của hải đồ. Các sĩ quan đương phiên hay giám lộ đều dùng thanh vĩ độ này để đo khoảng cách giữa hai điểm. Trên đất liền chúng ta cũng thường nghe nói “dặm” (mile), nhưng đây là “status mile” khác với “nautical mile”, chỉ dài bằng 1.609 km.

- Vận tốc của chiến hạm được tính bằng “knot” hay “gút”. Theo định nghĩa, 1 gút là 1 hải lý/giờ. Thí dụ vận tốc 10 gút là mỗi giờ đi được 10 hải lý.

- Độ sâu trên hải đồ được tính bằng fathom với 1 fathom=1.83 m.

Tới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ lược về mặt địa lý mô tả sông Lòng Tào; sau đó sẽ đề cập cặn kẽ hơn tới những chi tiết giang hành cần thiết để dưa chiến hạm ra biển an toàn.

Ban Do thuy lo Trên các bản đồ địa lý, thủy lộ từ cảng Sài Gòn ra cửa biển Vũng Tàu (gọi tắt là thủy lộ SG-VT) bao gồm ba giòng sông chính: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Lòng Tào và vịnh Gành Rái hay cửa Cần Giờ. Tính từ cảng Sài Gòn (hải lý 0) đến Bãi Trước Vũng Tàu (hải lý 45) thủy lộ này dài khoảng 83.3 km hay 45 hải lý. Đường thẳng “chim bay” Sài Gòn tới Mũi Vũng Tàu dài khoảng 65 km (40 status miles).

Sông Sài Gòn bắt nguồn từ những đồi thấp vùng Lộc Ninh chảy qua tỉnh Bình Dương và thành phố Sài Gòn, hợp lại với sông Đồng Nai tại Ngã Ba Đèn Đỏ phía bắc Nhà Bè trở thành sông Nhà Bè, rồi đổ ra biển bằng hai cửa Cần Giờ và Soài Rạp. Ở thượng lưu, sông chảy theo hướng bắc - nam, trung lưu và hạ lưu sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Sông Sài Gòn dài trên 200 km, khúc chảy dọc qua địa phận Sài Gòn trước đây gọi là sông Bến Nghé, nguồn gốc từ tiếng Miên Kompong Krabey nghĩa là Bến Trâu. Đoạn sông này dài khoảng 80 km, rộng khoảng vài ba trăm thước, độ sâu có chỗ tới 20 m. Bến Bạch Đằng, nơi có nhiều cầu tàu cho chiến hạm cập bến nằm trên hữu ngạn hay bờ Tây của sông Sài Gòn.

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ vùng cao nguyên Lâm Đồng, chảy qua vùng Biên Hòa, Cù Lao Phố, Bình Dương, Cát Lái, Thành Tuy Hạ và đổ ra ngã ba Nhà Bè. Đồng Nai là tên phiên âm tiếng Miên "Nông Nại", nguyên thuộc vùng Thủy Chân Lạp người Việt vào khai phá trước tiên vào khoảng thế kỷ 17 thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên. Sông Đồng Nai dài khoảng 400 km. Tại Nhà Bè sông chia làm hai nhánh; nhánh phải (Tây) là sông Soài Rạp đổ ra cửa Soài Rạp còn nhánh trái (Đông) là sông Lòng Tào đổ ra vịnh Gành Rái gần Vũng Tàu. Sau này, có khá nhiều bài viết về Nhà Bè đề cập tới “ngã TƯ sông Soài Rạp và sông Lòng Tào”. Đúng ra đây là ngã BA do sông Nhà Bè là một khúc của sông Đồng Nai tách ra làm hai.

bontay Sông Lòng Tào cắt ngang vùng Rừng Sát là nơi đất trũng đồng lầy nước ngập lụt quanh năm với cây tràm, cây đước mọc um tùm. Tuy chỉ là một nhánh của sông Nhà Bè, nhưng lại là đoạn chính của thủy lộ SG-VT. Sông dài vỏn vẹn 23 hải lý (34 hải lý nếu tính cả khoảng cách 11 hải lý từ vịnh Gành Rái tới mũi Vũng Tàu còn được gọi là Cap Saint Jacques hay Cap Saint James). Giòng sông khởi đầu từ Mũi Lazaret tức Nhà Bè tọa độ 10°40N 106°46E, thực sự chấm dứt tại Mũi Nước Vận còn được gọi là Pointe de l’Entrée (Điểm Vào) tọa độ 10°28N 106°56E vì đây là điểm bắt đầu “vào” sông Lòng Tào cho tàu bè ngược giòng từ Vũng Tàu tới Sài Gòn. Sông sâu trung bình khoảng 10 m nhưng có nhiều chỗ nông hơn, rộng khoảng vài trăm thước, tuy ngắn nhưng rất quanh co và có nhiều cua quẹo gắt nguy hiểm và chỗ cạn như Bãi Đá Hàn (Banc de Corail), Mũi Đông (Coude de l’Est), Mũi An Thạnh, Ngã Tư Bốn Tay (Les Quatre Bras) và Mũi Nước Vận. Mức độ thủy triều chênh lệch trung bình giữa nước lớn và nước ròng khoảng 2m-3m.

Đoạn cuối của thủy lộ từ Mũi Nước Vận, bắt đầu vào Vịnh Gành Rái dài khoảng 11 hải lý đến Bãi Trước Vũng Tàu. Trong đoạn nầy có bến Rạch Dừa và quân cảng Cát Lở.

bontay Tổng quát, thủy lộ SG-VT bắt đầu từ Sài Gòn uốn cong hình chữ C qua vùng Khánh Hội, dẫn tới vàm Rạch Giồng Ông Tố phía Thủ Thiêm, qua mũi Rạch Bào hình chữ U bên tả ngạn (bờ Đông), rồi hợp với sông Đồng Nai thành một giòng. Chỗ này mang tên Ngã Ba Đèn Đỏ vì tại mũi đất bên hữu ngạn, hải đồ ghi là Pointe du Feu Rouge, trước đây có một cột đèn khá cao, trên đỉnh có ngọn đèn đỏ chớp tắt ngày đêm để báo hiệu cho tàu bè ra vào. Hợp lưu này có chỗ rộng tới vài cây số còn được gọi là sông Nhà Bè với câu hò nổi tiếng:

“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…”

Hai câu hò này đại ý nhắc nhở ghe thuyền từ cửa Cần Giờ vào tới Nhà Bè sẽ gặp khúc sông chia ra hai nhánh. Nếu quẹo trái theo nhánh sông Sài Gòn sẽ đưa tới Gia Định, còn muốn về Đồng Nai hay Biên Hòa thì theo khúc bên mặt tức là sông Đồng Nai.

bontay Về địa danh Nhà Bè, có người kể rằng, thời xưa người Đàng Trong tức là Miền Trung di dân vào Nam khai phá vùng đất Thủy Chân Lạp hoang vu đều đi theo đường biển, từ cửa Cần Giờ hay Soài Rạp vào sông Sài Gòn. Khi ngược giòng tới khúc sông rộng, hai bên bờ hoang vu cây cối um tùm nguy hiểm nên không dám lên, phải neo thuyền đậu lại ngoài sông để mưu sinh. Lâu ngày họ dựng nên nhiều cái bè hay là nhà nổi kiên cố, nên người ta gọi là xứ Nhà Bè. Còn có một giả thuyết khác nói rằng ngày xưa có ông Thủ Huồng là một viên chức cai quản “thủ” ở vùng đó, tham nhũng nổi tiếng. Có lần ông này nằm mơ thấy mình chết bị xuống âm phủ phải đền trả những tội lỗi khi còn sống. Sau đó ông từ chức và bắt đầu làm phúc bố thí rất nhiều; một trong những việc làm phúc của ông là làm một cái bè lớn ở giữa sông trên đó làm nhà, để sẵn những lu nước và củi lửa. Những ghe thuyền đợi nước lớn để ngược giòng có thể cặp vào bè để nấu cơm và nghỉ ngơi. Địa danh Nhà Bè bắt nguồn từ đó. Nói chung dù theo giả thuyết nào, tên Nhà Bè có nghĩa là “Nhà” ở trên “Bè”, hay là một loại nhà nổi.

Tại mũi Nhà Bè, giòng sông lại chia làm hai, nhánh bên phải là sông Soài Rạp, còn nhánh bên trái hẹp hơn gọi là sông Lòng Tào. Như vậy, có thể nói sông Lòng Tào là một chi nhánh hay phân lưu của sông Nhà Bè (hoặc sông Đồng Nai) được phân đôi từ mũi Nhà Bè, trên Hải Đồ còn ghi là Pointe du Lazaret. Khúc sông Soài Rạp rộng hơn, có chỗ gần gấp đôi sông Lòng Tào, nhưng lại cạn và có nhiều cồn cát thường hay di chuyển theo con nước nên không mấy thuận tiện cho tàu bè lớn đi lại. Do đó đường sông chính ra vào cảng Sài Gòn là sông Lòng Tào tuy nhỏ nhưng lại sâu và ổn định hơn.

Sông Lòng Tào khởi đầu từ Nhà Bè, còn có người gọi “Lòng Tàu” hàm ý nghĩa lòng lạch để tàu bè ra vào. Chúng tôi căn cứ vào hải đồ các chiến hạm HQ/VNCH thường dùng khi ra vào thủy lộ này, vẫn gọi đúng tên là Lòng Tào. Ngay đối diện với mũi Nhà Bè, phía bên tả ngạn sông Lòng Tào là Mũi Phước Khánh (Point de Phước Khánh), còn bên hữu ngạn là doi đất Point de Phami. Tàu bè xưôi giòng vượt qua hai mũi đất này bắt đầu vào thượng nguồn sông Lòng Tào.

Khởi đi từ Mũi Phước Khánh, sông Lòng Tào chảy qua rạch Chà Và bên tả ngạn, đối diện với Point O Ro bên hữu ngạn, sau dó tới ngã ba quan trọng đầu tiên là nơi giao tiếp với sông Đồng Tranh tại Pointe de Mongom bên tả ngạn và mũi Valero bên hữu ngạn. Đây là điểm mốc quan trọng các vị hạm trưởng thường kiểm soát để biết mình đã vào đúng sông Lòng Tào, không lạc qua sông Soài Rạp.

Chỉ chừng vài hải lý qua ngã ba này đã tới vùng nguy hiểm là bãi san hô Banc de Corail có khá nhiều xác tàu chìm vì mắc cạn. Đây cũng là nơi vào năm 1955 đã xảy ra trận đánh duy nhất giữa quân Bình Xuyên và Quân Đội Quốc Gia trong chiến dịch Hoàng Diệu khi quân Bình Xuyên dùng đại bác không giật SKZ bắn vào các giang đĩnh. Hải Quân lập tức phản công và đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến, tiêu diệt chừng một trung đội Bình Xuyên.

Qua khỏi bãi san hô ngầm là tới mũi Propontis, nơi có ngã ba Tắc Định Câu (tắc là con rạch hay suối nhỏ nước chảy mạnh), sau đó tàu ôm bờ phải qua Haut de l’Est rồi tới chỗ quẹo gắt nhất trong thủy lộ là Mũi Đông (Point de l’Est hay Coude de l’Est – East Elbow) bên tả ngạn, phía bên hữu ngạn có một con rạch nhỏ là Tắc Ông Nghĩa. Chỗ này sông hẹp, tàu lại phải quẹo trái gần như hình chữ V quanh “Mũi Đông” nên rất dễ bị mắc cạn nhất là khi nước ròng sát, thủy triều mạnh. Qua khỏi Mũi Đông, giòng sông trở nên lớn bớt nguy hiểm sẽ đưa tàu tới mũi Kervalla bên hữu hạm, tại đây có con rạch Lôi Giang bên hữu ngạn rồi tới ngã ba sông Đồng Tranh (nhánh Tây) dẫn vào chi khu Quảng Xuyên do HQ Trung Tá Nguyễn Văn Nghĩa khóa 13 SQHQ/NT làm Quận Trưởng vào năm 1975. Tới đây, chiến hạm đã đi được khoảng nửa đường ra Vũng Tàu.

Từ vàm sông Đồng Tranh bên hữu hạm, khoảng vài hải lý sau sẽ tới một địa danh có thể nói là nổi danh nhất trong thủy lộ, đó là ngã tư Bốn Tay (Les Quartre Bras) là nơi gặp nhau của sông Lòng Tào, sông Đồng Tranh (nhánh Đông), sông Dừa và sông Ngã Bảy. Cũng tại Ngã Tư này, vào ngày 15/9/1955, các chiến đĩnh tuần tiễu của HQ/VNCH bắt gặp tàu LST 106 của Hải Quân Pháp đang chuyển vũ khí và quân dụng cho 4 tiểu vận đĩnh LCVP Bình Xuyên, nhưng vì quân Pháp can thiệp nên quân Bình Xuyên chạy thoát. Nhắc tới Les Quartre Bras, nhiều anh em áo trắng chắc nhớ lại dạo năm 1970, khi HQ/VNCH vượt biên qua Cam Bốt, nhiều chiến hạm chiến đĩnh ta đã ghé thủ đô Phnom Penh là thủ đô xứ Chùa Tháp. Thành phố xinh đẹp kiến trúc theo kiểu Pháp này cũng nằm trên ngã tư sông mang tên Les Quatre Bras là nơi họp lại của hai nhánh sông Mekong và các sông Bassac,Tonle Sap. Vì vậy tên cũ của Phnom Penh là Chaktomux có nghĩa là Bốn Sông.

dkrs Từ Ngã Tư Bốn Tay tới cửa Cần Giờ, giòng sông sâu và rộng gần như gấp đôi lại bớt quanh co, các hạm trưởng có thể thở phào nhẹ nhõm vì không còn nhiều nguy hiểm ngoại trừ phải lấy đúng “đường thẳng) alignment với các đối vật chuẩn để khỏi vướng vào mấy xác tàu Nhật bị chìm từ thế chiến thứ hai.

Nói về Sông Lòng Tào, chúng ta không thể quên đề cập tới Đặc Khu Rừng Sát là lực lượng chính bảo vệ an ninh cho thủy lộ quan yếu này.

Lúc ban đầu, Biệt Khu Rừng Sát được thành lập vào năm 1960, sau đó cùng với cường độ chiến tranh gia tăng, đổi tên thành Đặc Khu Rừng Sát ĐKRS) vào năm 1963, chịu trách nhiệm hai quận Quảng Xuyên và Cần Giờ thuộc tỉnh Gia Định, nhưng trực thuộc BTL/HQ về mặt hành quân. Lực lượng nòng cốt gồm 2 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến, 4 đại đội Địa Phương Quân của hai chi khu Cần Giờ và Quảng Xuyên, 2 Giang Đoàn Xung Phong, 1 Liên Đoàn Tuần Thám và 1 Giang Đoàn Trục Lôi. Ngoài ra còn có trực thăng võ trang, toán Người Nhái tăng phái, 1 pháo đội 105 ly và Tiểu Đoàn 359 lưu động.

Đơn vị Việt Cộng trong vùng mang bí danh Đoàn 10 do Đại Tá Lương Văn Nho và Thượng Tá Nguyễn Văn Mây chỉ huy. Lực lượng có 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 trung đội súng nặng, toán Thủy Lôi và 1 trung đội Đặc Công Thủy.

dkrs Ngày 25-4-1975, Hải Quân Đại Tá Bùi Kim Nguyệt, Tư Lệnh Hải-Quân Biệt Khu Thủ Đô, chỉ thị Hải Quân Trung-Tá Nguyễn Kim Khánh (Khóa 11 SQHQ/NT) Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 33.3 tiếp nhận kho xăng Shell tại Nhà Bè vì viên giám đốc người ngoại quốc đã bỏ đi. Các đơn vị trực thuộc Liên Đoàn 33.3 gồm:

- Giang-Đoàn 28 Xung-Phong
- Giang-Đoàn 30 Xung-Phong
- Giang-Đoàn 51 Tuần-Thám
- Giang-Đoàn 91 Trục-Lôi

Liên Đoàn 33 đặt dưới quyền chỉ huy hành quân của Đặc Khu Rừng Sát, có nhiệm vụ tuần tiễu, giữ an ninh các thủy lộ quan trọng như sông Lòng Tào, sông Soài Rạp và vùng ven đô Sài Gòn.

Vào những ngày cuối Tháng Tư Đen, Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 do HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng làm Tư Lệnh cũng có mặt tại vùng ĐKRS sau cuộc hành quân giải tỏa áp lực địch trên kinh Thủ-Thừa tỉnh Long-An và đã gây thiệt hại nặng cho Đoàn 232 Việt Cộng do tướng Lê Dức Anh chỉ huy. Vào lúc này, Việt Cộng đưa hai Trung Đoàn 46 và 101 thuộc Sư Đoàn 325, Quân Đoàn 2 tiến đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch nhằm khóa chặt sông Lòng Tào. Tuy nhiên, ngày 29-4-1975, toàn Hạm Đội HQ/VNCH ra khơi an toàn, điều này chứng tỏ các đơn vị thuộc ĐKRS do Đại Tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu chỉ huy đã hoạt động đắc lực cho tới giờ phút chót, bẻ gẫy ý đồ phong tỏa sông Lòng Tào của Việt Cộng.

Sông Lòng Tào là thủy lộ chính của các chiến hạm ra vào quân cảng Sài Gòn nên được đặc biệt chú ý khi giang hành. Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp của các vị hạm trưởng hay thuyền trưởng tùy thuộc phần lớn vào khúc sông quanh co uốn khúc này. Bài học đầu tiên các đàn anh “sói biển” dạy dỗ đàn em mới phục vụ trên chiến hạm là huấn luyện thuần thục kỹ thuật giang hành trên sông Lòng Tào để có thể đưa tàu ra vào an toàn. Còn nhớ dạo vừa ra trường, chúng tôi được may mắn thuyên chuyển về Hộ Tống Hạm Kỳ Hòa - HQ 09 do HQ Đại Úy Nguyễn Xuân Sơn làm hạm trưởng. Chiến hạm vừa mới được lãnh ở Mỹ về nên các trang bị và máy móc còn mới. Nhân viên trên chiến hạm đều được đặc biệt tuyển chọn nên rất giỏi nghề. Vì vậy các sĩ quan mới thuyên chuyển tới được chỉ dẫn rất tận tình và chu đáo. Lúc đó tuy chưa đủ thâm niên và kinh nghiệm để được làm sĩ quan trưởng phiên, nhưng được Hạm Trưởng cho làm sĩ quan phụ tá hải hành nên chúng tôi có nhiều dịp nghiên cứu tấm hải đồ sông Lòng Tào H.O. 3150. Hạm Trưởng Sơn sau này là Tư Lệnh Hạm Đội, Hạm Phó Dương Văn Quí làm Chỉ Huy Trưởng Hải Đội 2 Duyên Phòng tại Qui Nhơn, các sĩ quan khác như Hà Đắc Vinh, Trần Văn Hãn, Đặng Mạnh Am, Dương Hồng Võ v.v… sau này đều trở thành những hạm trưởng cỡ “sói biển” tài giỏi, quen thuộc sông Lòng Tào như lòng bàn tay, ra vào thủy lộ không cần nhìn hải đồ.

Sau đây, với tâm niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, chúng tôi mạn phép ôn lại bài học kinh nghiệm hải hành này để nhớ ơn những bậc thầy đã tận tâm chỉ dẫn lúc mới vào nghề. Đồng thời đây cũng là dịp nhớ lại những kỷ niệm xa xưa. Với tư cách học trò kiến thức hạn hẹp, chúng tôi không dám đóng vai hướng dẫn viên, mà ngược lại mong mỏi được lãnh hội những ý kiến xây dựng của các bậc cao minh hầu bổ khuyết những sai sót, dù đã hơi … muộn!

Ban Do thuy lo Về chi tiết hải hành trên thủy lộ, phải luôn luôn lưu ý thủy triều vùng này thuộc loại bán nhật, tức là mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ có hai con nước lớn và hai con nước ròng với biên độ khoảng 2 - 3 m. Nhiều vị hạm trưởng cẩn thận còn ghi rõ cả giờ giấc, mức độ nước lớn cao, nước lớn thấp cũng như nước ròng cao, nước ròng thấp để tính chính xác thời điểm an toàn nhất khi hải hành. Vì giòng sông tương đối hẹp nên thủy triều chảy khá mạnh, nhất là khi nước ròng sát. Yếu tố thủy triều với các chi tiết nước lớn hay ròng rất quan trọng, không phải chỉ vì sông sâu hay cạn hơn, mà còn ảnh hưởng nhiều tới độ dạt và tay lái “ăn” nhiều hay ít. Ngoài ra, theo đúng luật giang hành, tàu đi nước ngược phải nhường tàu đi xuôi nước vì nước xuôi khó lái hơn, tàu nhẹ và nhỏ nhường cho tàu nặng và lớn. Tại những khúc cua ngặt, tàu một chân vịt đôi khi phải lui máy để trợ giúp bánh lái khi vào khúc quẹo.

Chúng tôi xin nhắc lại, các chiến hạm thường dùng hải đồ H.O. 3150 khi ra vào sông Lòng Tào. Hải đồ này được vẽ theo chi tiết thám sát của sở Thủy Đạo Pháp vào năm 1932 và được tu chỉnh vào năm 1945 có ghi rõ tỷ lệ 1:75.000, mức thủy triều trung bình là 8.5 ft và chiều sâu trên hải đồ được ghi bằng “fathom” (1 fathom= 6 ft hay 1.83m). Thông thường, chiến hạm đi từ Sài Gòn ra Vũng Tàu mất khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ.

Tính từ thượng giòng quân cảng Sài Gòn, đến hạ giòng Vũng Tàu, thủy lộ vẽ trên hải đồ gồm những đoạn chính với những chi tiết và điểm chuẩn đáng để ý như sau.

Hải Đồ HO 3150-1 - Sông Sài Gòn (hải lý 0): từ quân cảng đến Mũi Đèn Đỏ (Pointe de Feu Rouge) dài khoảng 6 hải lý. Đoạn này bao gồm quân cảng Sài Gòn hay Bến Bạch Đằng, đi qua công trường Mê Linh nơi có tượng Đức Thánh Trần, khách sạn Majestic sơn trắng, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh dưới chân cột cờ Thủ Ngữ ngay đầu rạch Bến Nghé. Sau đó tới bến Nhà Rồng, bến thương cảng Kho 5 Khánh Hội. Khúc sông này có rất đông tàu bè ghe thuyền lớn nhỏ qua lại tấp nập với nhiều đoạn cong nguy hiểm hình chữ C như tại vùng Khánh Hội, Giồng Ông Tố, Mũi Rạch Bào với bãi cạn ngầm Banc du Chargeur. Vì vậy, chiến hạm chỉ nên dùng vận tốc tối thiểu, đủ để lái tàu. Nếu có thể nên ép vào bên hữu ngạn để dễ tránh những tàu bè khác từ Vũng Tàu vào. Mũi Đèn Đỏ tuy nguy hiểm nhưng ngã ba sông tương đối rộng nên tàu bè xoay trở khá dễ dàng, ngoại trừ tại vùng bãi cạn Banc du Caobang nằm ngay cửa sông Đồng Nai lối rẽ vào Cát Lái và Thành Tuy Hạ.

- Ngã Ba Đèn Đỏ (hải lý 6): tại đây, sông Sài Gòn hợp lại với sông Đồng Nai thành một giòng tại Nhà Bè nên còn được gọi là sông Nhà Bè, dài lối 5 hải lý gồm các bến cảng của hãng xăng dầu Caltex, Esso, Shell dành cho các tàu chở nhiên liệu và bến Cát Lái, Thành Tuy Hạ phía sông Đồng Nai dành cho tàu chở đạn dược. Khúc sông này khá rộng nên hải hành dễ dàng, chỉ cần để ý đến ghe thuyền qua lại và nhất là những phao nổi có đèn chớp tắt đánh dấu thủy đạo.

- Nhà Bè - Pointe du Lazaret (hải lý 11): có hải đăng chớp tắt, giòng sông sâu chừng 10 m, chia hai thành ngã ba sông Soài Rạp và sông Lòng Tào. Nếu vào sông Soài Rạp phải quẹo chữ U gắt giống như tại Ngã Ba Đèn Đỏ. Tàu rẽ trái tức là vào nhánh đối diện với Nhà Bè, để mũi Phước Khánh bên tả hạm, mũi Phami bên hữu hạm, bắt đầu vào sông Lòng Tào. Cẩn thận đi giữa giòng vì mũi đất hai bên đều khá cạn. Nếu quẹo phải sẽ bị lạc vào sông Soài Rạp. Vào sông Lòng Tào được chừng 3 hl sẽ tới ngã ba đầu tiên nơi gặp sông Đồng Tranh (nhánh Đông) với mũi Mongom bên tả hạm và mũi Valero bên hữu hạm. Đoạn sông này tương đối thẳng và sâu, không có chướng ngại vật. Tại ngã ba sông Đồng Tranh, tàu đi giữa giòng, tránh bãi cạn tại mũi Mongom vào nhánh sông bên phải tới Banc de Corail.

Hải Đồ HO 3150-2 - Banc de Corail hay Bãi Đá Hàn(hải lý 16): đây là vùng rất nguy hiểm nằm bên tả ngạn tức là bờ Đông. Bãi san hô này dài cả mấy cây số dọc theo bờ sông, lan rộng tới gần giữa sông, lại là khúc sông cong và cạn nên phải rất thận trọng nhất là vào lúc nước ròng. Nếu gặp tàu đi ngược chiều thì lại càng nguy hiểm. Tuy nhiên, vùng này có nhiều phao nổi và đèn đánh dấu thủy đạo an toàn nên không đến nỗi khó khăn lắm. Sau Banc de Corail chừng 1hl sẽ thấy vàm Tắc Dinh Cậu và mỏm đất Propontis bên tả hạm, rồi khúc quanh Haut de l’Est bên hữu hạm. Từ đây tàu bắt đầu tới Mũi Đông.

- Mũi Đông (Coude hay Point de l’Est - hải lý 20): là khúc quanh gắt nhất trên thủy lộ, gần như hình chữ V. Ngay tại Mũi Đông có doi đất cạn nên phải ôm sát bờ Tây, nơi có vàm Tắc Ông Nghĩa, nhưng phải coi chừng thủy triều mạnh có thể đẩy tàu giạt vào bờ. Vì thủy đạo ở đây rất hẹp nên đôi khi tàu phải ngừng hẳn lại để nhường cho tàu khác ngược chiều đã vào cua trước. Qua Mũi Đông chừng một vài hải lý sẽ gặp mũi Kervella và vàm sông Lôi Giang bên hữu hạm, đối diện là mũi An Thạnh bên tả hạm. Đi thêm ba, bốn hải lý nữa sẽ tới Ngã Tư Bốn Tay nổi tiếng.

- Ngã Tư “Les Quatre Bras” (hải lý 28) là một điểm mốc rất quen thuộc đối với những thủy thủ thường đi lại trên sông Lòng Tào. Các vị hạm trưởng từ thời Tây và cả sau này vẫn gọi là Quatre Bras. Đây là giao điểm của bốn con sông Lòng Tào (Sài Gòn), sông Đồng Tranh, sông Dừa và sông Ngã Bảy. Khúc sông từ đây khá rộng với độ sâu chừng 10 m nên hải hành an toàn cho tới Mũi Nước Vận. Chỉ cần ghi nhớ vào đúng “cánh tay mặt”.

Hải Đồ HO 3150-3 - Mũi Nước Vận - hải lý 34: nằm bên tả ngạn, tên trên hải đồ là Pointe de Entrée vì đây là điểm bắt đầu vào sông Lòng Tào cho tàu bè ngược giòng. Sông bắt đầu rộng hơn nhưng cần để ý tới thủy triều chảy khá mạnh và tàu bè đi ngược chiều. Tới đây đã được 2/3 đoạn đường ra Vũng Tàu. Cách Mũi Nước Vận chừng 2 hải lý ngay trước khi tới ngã ba sông Dinh, có xác tàu chìm nằm ngay giữa lòng sông nên hải hành nguy hiểm, vì vậy phải định vị trí chính xác bằng cách nhắm đúng “đường thẳng” (alignment) với các hải tiêu trong vịnh Gành Rái và đối vật, hải đăng trên bờ như núi Vũng Tàu. Sau đó sẽ tới phao nổi hải đăng Cần Giờ dẫn ra vịnh Gành Rái.

- Vũng Tàu (Cap Saint Jack hay Cap Saint James) - hải lý 45: từ hải đăng nổi Cần Giờ tới Bãi Trước (Vũng Tàu) khoảng 3 hải lý. Vịnh này sâu chừng 10m-15m khá an toàn, chỉ phải chú ý tới một xác tàu chìm nằm gần bờ, nhưng có nhiều hải đăng và hải tiêu dẫn đường nên hải hành tương đối an toàn nếu theo đúng chỉ dẫn trên hải đồ.

Nhìn chung, đoạn nguy hiểm cần quan tâm nhất trong thủy lộ SG-VT là khúc sông từ hải lý 16 (Nhà Bè) đến hải lý 20 (Coude de l’Est) vì lòng lạch quanh co, lại hẹp và có nhiều chỗ cạn như Bãi Đá Hàn (Banc de Corail), Coude du Propontis và Coude de l’Est. Chỗ cạn và hẹp nhất trong sông Lòng Tào là Bãi Đá Hàn (Banc de Corail) với độ sâu chỉ chừng 6 mét hay 20 bộ (feet).

coude de l'est banc de corail Cũng nên nói thêm vì nhìn rõ được tầm quan trọng của sông Lòng Tào về cả hai phương diện quân sự và kinh tế nên ngay vào năm 1965, chính phủ VNCH đã nghĩ tới việc chỉnh trang nới rộng thủy lộ này. Công ty Hoa Kỳ Daniel Mann Jhonson & Mendenhall dược ủy nhiệm thám sát và nghiên cứu kế hoạch phát triển. Họ đề nghị nạo vét những chỗ cạn cho sau hơn và đặc biệt khuyến cáo đào kinh mới nắn sửa cho thẳng hơn hai khúc cong nguy hiểm nhất tại Banc de Corail và Coude de l'Est. Hiện nay, Việt Cộng cũng đang nghĩ tới việc phát triển sông Lòng Tào, nhưng đã chậm hơn nửa thế kỷ!

Tới đây, chúc mừng Hạm Trưởng đã đưa tàu an toàn ra tới biển Vũng Tàu. Từ đây chiến hạm có thể tự do vẫy vùng trên Biển Đông theo đúng sở nguyện “Sau Trời là Ta”, chỉ cần cẩn thận đừng để tàu mất neo hay lên cạn. Tác giả mong sẽ có dịp lại cùng tham dự chuyến giang hành “ngày trở về” khi chiến hạm mãn công tác ngược giòng cập bến Sài Gòn. Thành thật chúc chiến hạm thuận buồm xuôi gió.


Trở về --->

logo chien ham

Free Web Hosting